FiinPro: Định giá khối phi tài chính về mức thấp, nhưng chưa thực sự hấp dẫn

Chia sẻ Facebook
07/07/2022 00:00:07

Áp lực chi phí đầu vào dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong các quý tới do độ trễ của nhập khẩu lạm phát.

Chưa có yếu tố đủ mạnh hỗ trợ lợi nhuận bứt tốc trong 1- 2 quý tới

Theo báo cáo tiềm năng lợi nhuận 2022 của FiinPro, thống kê cho thấy khối phi tài chính đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay tăng 11,1%. Các ngành có triển vọng lợi nhuận “sáng” bao gồm nhóm liên quan đến xuất khẩu (thủy sản, hóa chất) và nhóm đang hồi phục sau Covid trên nền thấp của năm 2021 (bao gồm hàng cá nhân, điện, nước, dược phẩm, du lịch & giải trí). Ngược lại, nhiều nhóm ngành lớn dự báo lợi nhuận 2022 giảm tốc (bất động sản) hay sụt giảm (thép và logistics).

FiinPro cho rằng chưa có yếu tố nào đủ mạnh để hỗ trợ lợi nhuận bứt tốc trong 1- 2 quý tới, nhất là khi một số ngành đóng góp lớn vào tăng trưởng chung như bất động sản, thép và logistics đang đối mặt với nhiều thách thức về tăng trưởng.

Lợi nhuận của khối phi tài chính tăng trưởng cao trong quý I nhưng dự kiến giảm tốc trong các quý tới. Cụ thể, theo số liệu của FiinPro, lợi nhuận sau thuế khối phi tài chính tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng chung của toàn thị trường (37%). Song, mức tăng này có sự đóng góp lớn của thu nhập từ hoạt động tài chính từ các công ty đầu ngành (Vingroup, Vinhomes, Novaland). Tăng trưởng cao chủ yếu ghi nhận ở các ngành hàng xuất khẩu (thủy sản, phân bón và hóa chất) nhờ hưởng lợi từ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, lợi nhuận một số ngành lớn giảm mạnh (bất động sản) do ảnh hưởng từ giãn cách xã hội hoặc tăng chậm lại (thép) do áp lực chi phí đầu vào tăng cao.

Sau 4 quý liên tục mở rộng, biên EBIT quý I đã sụt giảm so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận lõi. Áp lực chi phí đầu vào dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong các quý tới do độ trễ của nhập khẩu lạm phát. Ngoài ra, sức ép lạm phát làm giảm nhu cầu tiêu dùng cũng là rủi ro hiện hữu đối với tăng trưởng lợi nhuận trong các quý còn lại của năm 2022 cũng như 2023.

Với năm 2023, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức về tăng trưởng giữa bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao, các NHTW đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ; xung đột địa chính trị làm trầm trọng thêm những khó khăn của chuỗi cung ứng; Chính phủ có thể ưu tiên các giải pháp ổn định vĩ mô hơn là kích thích tăng trưởng; NHNN có thể sẽ phải thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt; đà tăng trưởng có thể bị chững lại do tổng cầu giảm.

Khi đó, FiinPro nhận định những ngành ít chịu tác động bởi lạm phát và suy thoái gồm điện, dược phẩm, nước và thực phẩm (đặc biệt là thực phẩm xuất khẩu như thủy sản và gạo), logistics. Những ngành dự kiến gặp bất lợi do nỗ lực ổn định vĩ mô của chính phủ bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, với áp lực tăng lãi suất và thắt chặt cho vay những lĩnh vực rủi ro của trong năm 2023 sẽ tác động không đồng đều và tạo thành sự phân hóa về tăng trưởng lợi nhuận trong ngành ngân hàng.

Tổ chức phân tích này nhận định định giá khối phi tài chính về mức thấp, nhưng chưa thực sự hấp dẫn. P/E 12 tháng của toàn thị trường hiện ở mức 13,0x, thấp hơn trung bình 10 năm (14,5x), chủ yếu nhờ lợi nhuận cao từ khối ngân hàng (đóng góp hơn 40% tổng lợi nhuận trong tính toán định giá chung). Xét riêng khối phi tài chính, sau các đợt điều chỉnh mạnh gần đây, P/E 12 tháng đã giảm về 16,7x, nhưng không thực sự hấp dẫn với P/E dự báo năm 2022 ở mức 15,0x (dựa trên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 11,1%) và triển vọng lợi nhuận 2023 nhiều trở ngại.

Lợi nhuận nhóm phi tài chính có thể giảm tốc trong các quý tới.

Kế hoạch lợi nhuận 2022 của nhóm ngân hàng đầy thách thức

Nhóm ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 33% trong năm nay (xét trên 27 đơn vị niêm yết). FiinPro cho rằng ngành sẽ gặp nhiều thách thức để đạt mục tiêu này do NIM ở mức duy trì không hỗ trợ thu nhập lãi thuần tăng mạnh, áp lực nợ xấu với các ngân hàng chưa trích lập đủ nợ tái cơ cấu và ảnh hưởng của nhóm ngành bất động sản.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần khó tăng mạnh khi yếu tố hỗ trợ tăng biên lãi ròng (NIM) (cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, điều chỉnh lãi vay) sẽ cân bằng với việc tăng chi phí huy động (COF) (tăng lãi suất huy động, đồng thời các yếu tố hỗ trợ giảm COF khác đã không còn nhiều dư địa cải thiện), trong khi tín dụng các quý sau khó có thể giữ mức tăng trưởng cao như quý I. Mặt khác, thu nhập phí khó tăng trưởng đủ cao để bù đắp cho tăng trưởng thu nhập lãi thuần.

Nợ xấu nội bảng sẽ tiếp tục tăng lên khi hết thời hạn cơ cấu nợ vào 30/6. Ngoài các ngân hàng đã trích lập sớm, áp lực trích lập sẽ tăng lên với các ngân hàng còn lại. Hơn nữa, những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi do khả năng vỡ nợ chéo.

Một yếu tố khác cần theo dõi là sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản. Tính đến cuối tháng 4, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó nợ xấu chiếm 1,62%. Cho vay nhà ở ước đạt 65%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 35%. Theo phân tích của FiinPro, ngành bất động sản đang gặp nhiều trở ngại trong hiện tại và tương lai, điều này sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng, trong đó các khoản cho vay nhà ở tuy ít rủi ro hơn do phân tán nhưng có mức NIM cao.

Chia sẻ Facebook