FED tăng mạnh lãi suất tác động thế nào đến kinh tế các nước?

Chia sẻ Facebook
17/06/2022 04:40:14

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất thêm 0,75% để đối phó lạm phát tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Quyết định của FED có tác động như thế nào đến kinh tế các nước?


Rạng sáng 16/6 (theo giờ Việt Nam), sau 2 ngày họp, Ủy ban Thị trường mở - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định một giải pháp được cho là mạnh tay và ít có tiền lệ để kiềm chế lạm phát.

Theo đó, Ủy ban Thị trường mở Liên bang đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây là mức lớn nhất trong một lần tăng kể từ năm 1994. Quyết định này đã được 10/11 thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang ủng hộ.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay bằng đồng USD, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên VTV về tác động tăng lãi suất của FED đối với nền kinh tế các nước, ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, tác động thứ nhất đó là mặt bằng lãi suất, nhất là mặt bằng ngoại tệ bằng USD đã và đang tăng lên.


Từ thực tế trên dẫn đến tác động thứ hai là khiến cho nghĩa vụ trả nợ trong bối cảnh nợ công toàn cầu hiện nay đang ở mức tương đối cao khoảng 100 GDP. Tác động thứ ba đó là đối với tỷ giá , giá trị đồng USD tăng mạnh thời quan vừa qua trong bối cảnh tăng lãi suất sẽ khiến đồng nội tệ của nhiều nước bị mất giá so với đồng USD.

Tác động cuối cùng liên quan đến việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư đó là sẽ có khá nhiều khoản đầu tư quay lại thị trường Mỹ và châu Âu - nơi mà lãi suất tăng lên và rủi ro chấp nhận được. Chính vì vậy có hiện tượng vay vốn, bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang diễn ra.

"Với Việt Nam chúng ta tác động cũng có nhưng ít hơn do được dự báo triển vọng phục hồi tương đối tích cực. Còn tác động với tỷ giá, tỷ giá của chúng ta vẫn trong tầm kiểm soát. Năm nay tỷ giá dự báo tăng khoảng 2%, nên cũng có tác động nhưng không quá lớn", ông Cấn Văn Lực nhận định.

Liên quan đến thách thức đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong giai đoạn tới, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần tiếp tục phối hợp tốt chính sách tài khóa, tiền tệ với giá cả để kiểm soát lạm phát nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu giữ ổn định mặt bằng lãi suất, nhất là cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi, ổn định tỷ giá.

Ngoài ra, đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài cần phải theo dõi và tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để nhà đầu tư tin tưởng tiếp tục đầu tư hiện nay và thời gian tới.

Rạng sáng nay (16/6) theo giờ Việt Nam, Ủy ban Thị trường mở, cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày.

Chia sẻ Facebook