FED mạnh tay hơn với lạm phát, mặt bằng lãi suất trong nước những tháng cuối năm sẽ thế nào?

Chia sẻ Facebook
21/09/2022 16:42:11

Sau khi Bộ lao động Mỹ công bố các số liệu về lạm phát vượt kỳ vọng, thị trường đang tồn tại niềm tin rằng FED sẽ mạnh tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam cũng sẽ khó nằm ngoài tầm ảnh hưởng.


FED sẽ mạnh tay hơn với lạm phát

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) chia sẻ tại chương trình Bí mật đồng tiền số 38: "Triển" theo kỳ Vọng, lạm phát ở Mỹ hiện là cao hơn rất nhiều so với các dự báo của giới phân tích và thị trường đang kỳ vọng một đợt tăng lãi suất cao hơn.

Cụ thể, con số lạm phát 8,3% của Mỹ là cao hơn rất nhiều so với dự báo của các chuyên gia. Trước đó, nhiều phân tích cho rằng con số này trong tháng 8 sẽ chỉ ở mức 8-8,1%, một số đánh giá cho rằng lạm phát sẽ giữ nguyên hoặc giảm 0,1% so với tháng trước. Tuy nhiên, thực tế là nó đã tăng 0,1% so với tháng 7.

Bà Nga cũng nói thêm, thị trường lao động Mỹ cũng đang rất tốt. Khi tiền lương tiếp tục tăng, cầu sẽ rất khó giảm. Theo CME lãi suất thực của vẫn còn đang âm và rủi ro lạm phát vẫn còn rất là lớn. Vì thế việc giải quyết được "bão giá" ở Mỹ sẽ còn rất lâu.

"Tuy nhiên, có một điểm tích cực là FED rất nhất quán trong chính sách, rõ ràng họ vẫn chưa có dấu hiệu nương tay dù lạm phát đã có dấu hiệu tạo đỉnh và điều đó đã giúp kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức thấp. Ví dụ chẳng hạn kỳ vọng lạm phát 2 năm tới hay 10 năm tới vẫn còn ở mức trước covid. Mọi người vẫn đang tin tưởng việc FED có thể chống được lạm phát. Nếu FED để mất lòng tin ấy thì sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, trước đây còn có các kỳ vọng rằng FED chỉ tăng 50 điểm thôi, nhưng kịch bản ấy rõ ràng là không còn và một số dự báo cho rằng cơ quan này còn có thể tăng đến 100 điểm" - theo bà Nga.

Khảo sát Reuter cũng cho thấy FED có thể sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên 3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.

TS. Cấn Văn Lực có nhận định, gần như chắc chắn FED sẽ tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm %, đây là mức cao đối với giai đoạn hiện nay và nó sẽ có những tác động nhất định đến Việt Nam.

Mặt bằng lãi suất trong nước sẽ thế nào trước việc FED mạnh tay hơn với lạm phát?

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, TS.Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam có nhận định, khi FED tăng lãi suất 0,75 điểm % trong cuộc họp tới đây và cuối năm nay sẽ đạt mức 4 – 4,25%, nếu NHNN vẫn để trần lãi suất huy động 6 tháng ở mức 4% là không ổn. Chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị nên tăng lãi suất.

Ông nói thêm, "Ngày trước khi lạm phát thấp, chính sách tiền tệ của Việt Nam là phải hạ lãi suất nhưng không hạ được. Bây giờ lạm phát tăng cao thì không thể hạ lãi suất được. Nếu tăng lãi suất, sau khi trừ lạm phát kỳ vọng sẽ tạo ra lãi suất thực dương cao".

Báo cáo điểm lại tháng 8 gần đây của World Bank cũng nhận định "Mặc dù lạm phát toàn phần tăng lên, nhưng NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất chính sách kể từ tháng 03/2020, với lãi suất thực được duy trì gần bằng không".

PG.TS Đinh Trọng Thịnh cũng có nhận định, "Nếu nước ngoài tăng lãi suất thì sớm muộn cũng sẽ đến Việt Nam. Điều này sẽ khiến cho thị trường trong nước gặp những khó khăn nhất định. Bây giờ, vay vốn nước ngoài cũng đã không còn dễ như trước vì đồng đô la tăng giá mạnh và chi phí vốn cũng không còn rẻ. Điều này có thể có dẫn đến hoạt động vay vốn của doanh nghiệp không còn quá thoải mái như trước".

Theo TS. Vũ Đình Ánh, áp lực tăng lãi suất của Việt Nam hiện nay rất lớn khi chịu tác động của cả việc FED tăng lãi suất và đặc biệt là nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng rất cao. Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại việc mất cân đối giữa huy động - cho vay đã lên tới 7%, điều này cũng sẽ gây sức ép không nhỏ lên đà tăng lãi suất.

Cũng có một số ý kiến cho rằng những tác động từ việc FED cứng rắn hơn với lạm phát có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến mặt bằng lãi suất trong nước bằng các yếu tố nội địa. Một số tác nhân thường được giới phân tích đề cập như việc khoảng cách giữa tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng ngày một lớn; nhu cầu vốn của nền kinh tế lớn hơn bình thường do việc phục hồi sau đại dịch; hạn mức tăng trưởng tín dụng được nới lại có thể kích thích các nhà băng tăng cường thu hút tiền gửi; yếu tố mùa vụ có thể đẩy mặt bằng lãi suất lên cao trong những tháng cuối năm…

Hiện nay, không ít dự báo cho rằng lãi suất huy động trong năm nay có thể tăng từ 1-1,5%. Lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, song có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động.

Chia sẻ Facebook