Fed không còn là người bạn thân thiện với thị trường chứng khoán

Chia sẻ Facebook
06/05/2022 21:52:40

2022 rõ ràng là một năm đầy thách thức cho thị trường chứng khoán Mỹ, bất chấp đà tăng mạnh trong ngày 04/05. Không may cho nhà đầu tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lẽ không cảm nhận thấy nỗi đau của họ.

Fed không còn là người bạn thân thiện với thị trường chứng khoán

Fed nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, giảm quy mô nắm giữ trái phiếu từ tháng 6

Dow Jones vọt hơn 900 điểm sau quyết định nâng lãi suất từ Fed

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Ngày 04/05, các quan chức Fed quyết định nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000) và nói rõ rằng sẽ có thêm nhiều đợt nâng lãi suất trong thời gian tới.


Bên cạnh đó, họ cũng thông báo sẽ bắt đầu giảm quy mô tài sản 9,000 tỷ USD . Kế hoạch đưa ra trong ngày 04/05 cho thấy mỗi tháng, Fed sẽ cho phép một lượng trái phiếu đến hạn mà không tái đầu tư. Kể từ ngày 01/06, Fed sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và 17.5 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp ( MBS ) mỗi tháng. Sau 3 tháng, nhịp độ sẽ nâng lên tương ứng thành 60 tỷ USD và 35 tỷ USD .

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết họ chưa “chủ động cân nhắc” nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Dù vậy, việc Fed trở nên quá “diều hâu” trong vài tháng qua tạo ra cú đấm kép cho thị trường chứng khoán.

Fed muốn làm chậm lại nền kinh tế để kìm hãm lạm phát (thông qua kéo giảm nhu cầu). Đây là yếu tố thường kéo giảm tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp, thậm chí có thể khiến lợi nhuận suy giảm. Đồng thời, lãi suất cao hơn làm tăng tính hấp dẫn của các sản phẩm có thu nhập cố định hơn so với cổ phiếu. S&P 500 đã giảm 10% từ đầu năm 2022. Fed càng thắt chặt chính sách tiền tệ, môi trường đầu tư chứng khoán sẽ càng khó khăn hơn.

Dĩ nhiên, nếu thị trường chứng khoán giảm nhanh và mạnh, Fed có thể trì hoãn kế hoạch thắt chặt. Tình trạng căng thẳng nghiêm trọng trên thị trường tài chính sẽ được coi là rủi ro quá lớn cho nền kinh tế và Fed không thể ngang nhiên ngó lơ chúng. Tuy nhiên, để Fed trì hoãn kế hoạch thắt chặt, thị trường sẽ cần phải giảm cực mạnh, có thể là 20% so với đỉnh.

Một điểm khác biệt lớn trong năm nay là sau nhiều năm lo lắng về lạm phát quá thấp, giờ thì chúng lại quá cao. Mặc dù Fed và hầu hết chuyên gia kinh tế đều tin rằng lạm phát sẽ thuyên giảm trong vài tháng tới, nhưng họ vẫn nghĩ lạm phát sẽ khép lại năm 2022 ở trên mục tiêu 2% của Fed. Hơn nữa, với áp lực tiền lương ngày càng tăng, Fed muốn hạ nhiệt thị trường việc làm – một điểm khác biệt với giai đoạn cuối năm 2018 khi tăng trưởng tiền lương quá thấp.

Ngoài ra, cũng có một vài lý do khiến Fed có thể bỏ qua đà giảm của thị trường chứng khoán. Đầu tiên, ngay cả với đà giảm gần đây, mức định giá của thị trường chứng khoán Mỹ vẫn còn cao so với lịch sử. Việc thị trường giảm thêm có thể được xem là góp phần hạ nhiệt một thị trường quá đắt đỏ thay vì phản ánh những rắc rối về kinh tế.

Yếu tố thứ hai có lẽ quan trong hơn. Đà giảm của thị trường chứng khoán có lẽ không gây căng thẳng kinh tế. Tài chính của hộ gia đình vẫn đang tốt, với tỷ lệ nợ trên thu nhập vẫn còn thấp hơn rất nhiều ó với giai đoạn trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp trông vẫn mạnh, một phần vì nhiều công ty tận dụng mức lãi suất thấp để chốt mức lãi suất đi vay. Hơn nữa, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn còn rất cao và việc giá cổ phiếu giảm không thể làm họ ngưng tuyển dụng.

Fed sẽ không ngừng hạ nhiệt nền kinh tế cho tới khi lạm phát giảm mạnh. Cho tới khi đó, giới đầu tư chứng khoán có lẽ sẽ hứng nhiều nhiều nỗi đau.


*Bài viết thể hiện quan điểm của Justin Lahart trên WSJ

Vũ Hạo (Theo WSJ)

Chia sẻ Facebook