Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất bất chấp rủi ro kinh tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được cho là sẽ tăng lãi suất cho vay cơ bản lên lần thứ mười kể từ tháng 3/2022 vào ngày 3/5 nhằm tiếp tục cuộc chiến chống lại lạm phát.
Ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ đưa ra quyết định này mặc dù ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Nhiều nhà kinh tế thậm chí còn dự đoán Mỹ sẽ bước vào một cuộc suy thoái vào cuối năm nay.
“Các dấu hiệu cho thấy Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% lên 5,25% vào ngày 3/5, bất chấp tình trạng hỗn loạn đang diễn ra trong hệ thống ngân hàng. Đây sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed trong thời gian sắp tới”, theo các chuyên gia của Bloomberg.
Lãi suất sau đó sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao nhằm đưa lạm phát trở lại mục tiêu dài hạn là 2% mà không gây ra suy thoái sâu hơn, theo các nhà phân tích.
Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất vào ngày 3/5, đây sẽ là lần tăng lãi suất thứ mười liên tiếp của Fed kể từ tháng 3/2022, đưa lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2007. Hồi tháng 3/2022, lãi suất cho vay của Mỹ ở mức gần bằng 0.
Sóng gió ngành ngân hàng
Cuộc họp của FOMC ấn định lãi suất vào ngày 2 và 3/5 sẽ được tổ chức trong bối cảnh rất khác so với cuộc họp trước đó vào tháng 3, khi ngành ngân hàng lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng do sự sụp đổ bất ngờ của ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB).
Sự sụp đổ nhanh chóng của SVB sau khi gánh khoản lỗ lớn do lãi suất tăng cao đã làm dấy lên mối lo ngại về sự lây lan trong ngành ngân hàng. Nỗi lo này càng được khuếch đại bởi sự sụp đổ của ngân hàng Signature có trụ sở tại New York vài ngày sau đó.
Trong bối cảnh bất ổn đang diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng, Fed đã quyết định tăng lãi suất lên 0,25% vào ngày 22/3 thay vì tăng 0,5% như dự kiến trước đó.
Những nỗ lực phối hợp của các cơ quan quản lý Mỹ và châu Âu sau sự sụp đổ của SVB đã giúp làm dịu thị trường tài chính và dường như đã ngăn chặn được những tổn thất nghiêm trọng hơn nữa trong lĩnh vực ngân hàng.
Mặc dù vậy, sự sụp đổ của SVB vẫn có tác động lâu dài đến lĩnh vực ngân hàng, do đó, các ngân hàng đã bắt đầu thắt chặt điều kiện cho vay kể từ tháng 3. Theo các quan chức của Fed, các điều kiện cho vay thắt chặt hơn cũng giống như một đợt tăng lãi suất bổ sung, do đó, Fed có thể giảm số lần tăng lãi suất cần thiết để đưa lạm phát trở lại mức 2%.
Tuy nhiên, Thống đốc Fed Christopher Waller cảnh báo, không nên đưa ra phán đoán như vậy trước khi dữ liệu về tác động của khủng hoảng tài chính và hoạt động cho vay của ngân hàng được công bố.
Lần tăng lãi suất cuối cùng?
Dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ chỉ ra một nền kinh tế đang chậm lại, với những dự đoán ngày càng tăng rằng Mỹ sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm nay.
Dữ liệu được công bố vào cuối tháng 4 cho thấy, sản lượng kinh tế đã giảm xuống mức 1,1% hàng năm trong quý I/2023, trong khi lạm phát lõi - thước đo lạm phát ưa thích của Fed, giảm từ 5,1% trong tháng 2 xuống mức 4,2% hàng năm trong tháng 3.
Tác động ngày càng tăng của chiến dịch tăng lãi suất của Fed đối với nền kinh tế Mỹ khiến các nhà phân tích và thương nhân dự đoán Fed có thể sẽ ngừng tăng lãi suất sau quyết định hôm 3/5.
Các nhà kinh tế của Deutsche Bank cũng thiên về ý kiến này. Tuy nhiên “chúng tôi nhận thấy rủi ro nghiêng về một đợt tăng khác vào tháng 6”, Deutsche Bank cho biết trong một lưu ý gửi khách hàng gần đây.
Sau quyết định tăng lãi suất hồi tháng 3, Chủ tịch Jerome Powell ngụ ý Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trước khi kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện tại.
Biên bản cuộc họp tháng 3 của FOMC cho biết, Fed đã dự đoán Mỹ sẽ bước vào suy thoái nhẹ vào cuối năm nay trong bối cảnh lãi suất cao và điều kiện cho vay thắt chặt.
Nhà kinh tế cấp cao Kenneth Kim của KPMG cho rằng mức độ suy thoái sẽ phụ thuộc vào việc Fed quyết định tăng lãi suất thêm bao nhiêu phần trăm.
“Bất kỳ đợt tăng lãi suất nào sau tháng 5 đều có nguy cơ dẫn đến suy thoái sâu hơn so với sự suy thoái nhẹ mà chúng ta hiện đang dự đoán”, ông Kim khẳng định .
Nguyễn Tuyết (Theo Malay Mail, Bloomberg)