Fed dự kiến tạm ngừng nâng lãi suất, đánh giá tác động của chu kỳ thắt chặt

Chia sẻ Facebook
12/06/2023 08:13:06

VietTimes – Fed được dự báo gần như chắc chắn sẽ ngừng một đợt nâng lãi suất trong cuộc họp sắp tới để có thêm thời gian đánh giá tác động của các lần tăng trước đây.

Fed dự kiến ngừng nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6 (Ảnh: Bloomberg)


Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự định sẽ ngừng nâng lãi suất lần đầu tiên trong chiến dịch chống lạm phát mà họ bắt đầu từ 15 tháng trước, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn đang hồi phục và lạm phát vẫn cao.

Uỷ ban Thị trường Mở (FOMC) của Fed dự kiến sẽ duy trì lãi suất tham chiếu trong khoảng 5% - 5,25% trong cuộc họp vào thứ Tư tuần tới, đây sẽ là lần đầu tiên tạm ngừng sau 10 lần tăng liên tiếp. Mặc dù các quan chức Fed đã nỗ lực hạ nhiệt nhu cầu trong nền kinh tế Mỹ, nhưng lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu của họ.

Sự tập trung của giới đầu tư hiện tại đều đổ dồn vào báo cáo “dot plot” của Fed trong bản Tóm tắt về Dự báo kinh tế, được dự báo là sẽ đưa ra mức lãi suất chính sách 5,1% vào thời điểm kết thúc năm 2023.

Ngược lại, thị trường đang đặt cược vào khả năng Fed nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong tháng 7, và tiếp theo đó là một đợt giảm lãi suất cũng 0,25 điểm phần trăm trong tháng 12. Một số quan chức Fed nhấn mạnh rằng một đợt ngừng nâng lãi suất trong chu kỳ tăng không nên được xem là đợt nâng cuối cùng.

Lạm phát tiềm tàng vẫn được kỳ vọng ở mức cao (Ảnh: Bloomberg)

Chủ tịch Fed Jerome Powell, người sẽ tổ chức một cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách, đã tuyên bố rằng ông mong muốn có một giai đoạn tạm ngừng tăng lãi suất để có đủ thời gian đánh giá tác động của các giai đoạn tăng trước đó và cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng gần đây. Bình luận của ông sẽ được xem xét kỹ lưỡng để tìm ra kế hoạch của FOMC trong cuộc họp tháng tới.

Giới chức Fed sẽ nắm được dữ liệu mới về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi thảo luận về chính sách tiền tệ trong hôm thứ Ba tuần tới. Mặc dù Fed sử dụng thước đo riêng để tính lạm phát, nhưng báo cáo về CPI dự kiến sẽ cho thấy sức ép giá vẫn ở mức khá cao.

Chỉ số này, đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,4% so với tháng trước. Điều này đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp mà lạm phát cơ bản tăng ở mức như trên hoặc cao hơn, và đó là lý do tại sao lãi suất được kỳ vọng sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn.

Mức tăng theo tháng ở mức độ như trên khiến cho lạm phát khó hạ nhiệt một cách nhanh chóng. Tính trên cơ sở hàng năm, CPI cơ bản dự kiến tăng 5,2%, nhịp độ chậm nhất kể từ tháng 11/2021. CPI tổng được dự báo sẽ giảm còn 4,1%. Mặc dù vẫn ở mức khá cao, nhưng lạm phát giảm dần như vậy sẽ tạo điều kiện cho Fed ngừng nâng lãi suất.

Ở những nơi khác trên thế giới, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nâng lãi suất, Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ giữ nguyên lãi suất, và giới chức Trung Quốc có thể tránh đưa ra thêm biện pháp kinh tế ở thời điểm hiện tại.

Khu vực châu Á

Các chỉ số kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ được công bố trong hôm thứ Năm tuần tới, và được dự đoán là sẽ cho thấy hoạt động tiêu dùng và doanh nghiệp giảm trong tháng 5.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ có cơ hội để đưa ra thêm gói kích thích tài chính, mặc dù phần lớn các nhà kinh tế học tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg đều cho rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi lãi suất trong năm nay.

Ngân hàng Nhật Bản cũng sẽ có cuộc họp chính sách lần thứ hai dưới thời Thống đốc Kazuo Ueda vào cuối tuần tới. Hầu hết các nhà kinh tế học đều dự báo sẽ không có sự thay đổi lớn nào trong cuộc họp này, bởi đang có một số thông tin đồn đoán cho rằng Thủ tướng Fumio Kishida sắp tổ chức một cuộc bầu cử sớm.

Những con số thương mại của Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia công bố trong hôm thứ Năm tuần tới dự kiến sẽ cho thấy trạng thái mới nhất của nhu cầu hàng hoá trên toàn cầu, trong khi New Zealand cũng sẽ công bố báo cáo về đà tăng trưởng quý đầu tiên trong cùng ngày./.


Theo Bloomberg

Chia sẻ Facebook