FED dự định giảm tốc tăng lãi suất, giá USD giảm
Ông Michael Gapen, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Bank of America, cho rằng FED sẽ thực sự để ngỏ việc giảm tốc tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 12 tới khi dự báo FED sẽ tăng thêm khoảng 0,5 điểm% vào cuộc họp tháng 12.
Ông Gapen kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất lên biên độ từ 4,75% đến 5% vào mùa xuân năm 2023 và đó sẽ là đợt tăng lãi suất cuối cùng hoặc là điểm kết thúc. Lần tăng dự kiến khoảng 0,75 điểm% trong ngày 2-11 sẽ nâng phạm vi lãi suất cho vay lên 3,75% đến 4%, từ mức dao động 0 đến 0,25% hồi tháng 3 đầu năm nay.
Thị trường chứng khoán đã tăng điểm do kỳ vọng FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất sau đợt tăng 0,75 điểm % dự kiến trong ngày 2-11. Tuy nhiên, các chiến lược gia cũng cảnh báo phản ứng của thị trường có thể sẽ rất mạnh mẽ nếu FED gây thất vọng.
Thách thức đối với Chủ tịch FED Jerome Powell là duy trì sự cân bằng giữa việc báo hiệu về khả năng của những đợt tăng lãi suất thấp hơn và đảm bảo cam kết của FED trong việc chống lại lạm phát.
Ông Gapen dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái ngắn hạn trong quý 1/2023. Ông cho rằng thị trường chứng khoán sẽ lo ngại nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao như vậy, FED sẽ phải tăng lãi suất thậm chí mạnh tay hơn dự kiến, động thái đe dọa nền kinh tế nhiều hơn.
Trước kỳ vọng FED sẽ báo hiệu giảm tốc tăng lãi suất, giá đồng USD đã giảm trong phiên giao dịch 2-11 (giờ địa phương)
Chỉ số DXY - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ bao gồm đồng euro, bảng Anh và yen, đã điều chỉnh giảm xuống mức 111,47.
Chỉ số này đã tăng hơn 15% trong năm nay do FED tăng lãi suất mạnh mẽ, khiến đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác và gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, theo báo cáo hôm 1-11 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào 399 tấn vàng trong quý 3/2022, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số vàng được các ngân hàng trung ương mua vào trị giá khoảng 20 tỉ USD, góp phần làm tăng nhu cầu với kim loại quý này trên toàn cầu.
Tổng cộng nhu cầu vàng của thế giới lên tới 1.181 tấn trong quý 3, tăng 28% so với mức 922 tấn vào cùng kỳ năm 2021.
Theo WGC, nhu cầu vàng của thế giới trong 1 năm tính đến tháng 9 đã phục hồi ở mức trước đại dịch. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Qatar và Ấn Độ nằm trong số những ngân hàng trung ương đã mua vàng số lượng lớn.