FED 'đi dây' giữa ngăn lạm phát và suy thoái
Đúng như dự đoán, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 5-5 (giờ Việt Nam) đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 2 thập niên để đối phó lạm phát. Với quyết định này, FED sẽ phải rất thận trọng để tránh đẩy kinh tế vào suy thoái.
Vấn đề là những cách thức để giải quyết một trong hai vấn đề - lạm phát cao và tăng trưởng thấp - thường kết thúc theo kiểu sẽ khiến cái còn lại thậm chí tệ hơn. Và điều này có nghĩa việc giải quyết điều đó có thể hoàn toàn phụ thuộc vào các tình huống nằm ngoài kiểm soát của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, như việc chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine hoặc tìm kiếm những giải pháp tăng ngay lập tức nguồn cung dầu mỏ - những điều rất khó khăn.
Nhà kinh tế Veronika Dolar của Trường đại học bang New York nói với Reuters.
Cụ thể, lãi suất cho vay áp dụng với các ngân hàng trên toàn liên bang sẽ tăng nửa điểm phần trăm, từ biên độ 0,25 - 0,5% hiện nay lên biên độ 0,75 - 1%. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2000. Trước đó, FED đã có bước đệm khi tăng 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3-2022 sau gần 2 năm giữ lạm phát ở mức gần bằng 0 trong dịch COVID-19.
Mạnh tay kiểm soát lạm phát
Điều khiến giới phân tích lo lắng chính là việc chủ tịch FED Jerome Powell để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục tăng mức tương tự trong hai cuộc họp sắp tới của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED. Dù ông Powell bác bỏ khả năng nâng 0,75 điểm phần trăm trong một lần điều chỉnh, giới phân tích ước tính với 5 cuộc họp tiếp theo trong năm nay cũng đủ để FED đưa lãi suất chạm mức 2,7% vào cuối năm.
Mục tiêu của FED là điều chỉnh chính sách tiền tệ đến mức "trung lập (neutral)", nghĩa là không làm tăng hay giảm các hoạt động kinh tế. Một số quan chức ước tính mức lãi suất trung lập này có thể từ 2-3%, nhưng các nhà kinh tế lo rằng FED có thể đi xa hơn để kiểm soát mức lạm phát kỷ lục hiện nay. Tính đến tháng 3-2022, giá tiêu dùng hằng năm ở Mỹ đã tăng 8,5% trong vòng 12 tháng, mức tăng cao nhất trong 4 thập niên.
Trong thông điệp trấn an người dân, bên cạnh tuyên bố sẽ không nâng lãi suất quá "gắt", ông Powell cũng khẳng định nền kinh tế Mỹ đủ sức chống chịu để không rơi vào suy thoái trong khi FED tìm cách giảm lạm phát.
"Lạm phát hiện nay quá cao và chúng tôi hiểu nó đang gây khó khăn thế nào. Chúng tôi đang khẩn trương giảm bớt. Một số người trong chúng ta đã sống qua thời lạm phát cao, nhưng nhiều người thì chưa. Nhưng nó rất khó chịu... Nếu bạn là một người có kinh tế bình thường, bạn có thể không còn dư dả gì và lạm phát lập tức ảnh hưởng lên các chi tiêu cho hàng tạp hóa, xăng, năng lượng...", ông Powell giải thích.
Sau động thái mới của FED, các chỉ số thị trường ở châu Á, châu Âu đều tăng trong phiên giao dịch ngày 5-5 như Shanghai - Composite (Trung Quốc) tăng 0,7%, FTSE 100 (Anh) tăng 1,3%, theo AFP. "Đây là phản ứng thở phào nhẹ nhõm của các nhà đầu tư", nhà phân tích Clara Cheong của Tổ chức JP Morgan Asset Management nhận định.
Các yếu tố ngoài kiểm soát
Nhưng việc tăng lãi suất sẽ tác động tới mọi khoản vay, từ thế chấp, thẻ tín dụng cho đến vay mua hàng tiêu dùng, do đó sẽ làm giảm động lực tiêu xài và kinh doanh. Theo nhà phân tích Rodney Ramcharan thuộc Đại học Southern California, lãi suất tăng sẽ khiến người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu và giảm đầu tư. "Đây là cái giá phải trả về kinh tế khi FED nâng lãi suất", ông Ramcharan nói với Reuters.
Một số nhà kinh tế lo ngại việc nâng lãi suất sẽ đẩy Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2023, hay tệ hơn là lạm phát trì trệ, kết hợp giữa lạm phát kéo dài và tỉ lệ thất nghiệp cao, kinh tế giảm sút. Với tình hình dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc và cuộc chiến ở Ukraine, giới phân tích cũng cho rằng các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của FED có thể phá hoại mục tiêu trên và đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Trong tuyên bố ngày 4-5, ông Powell tin rằng FED có thể tạo ra cú "hạ cánh mềm", đưa lạm phát về mức 2%. Tuy nhiên, các chuyên gia Alex Domash và Lawrence Summers của Trường Harvard Kennedy cho rằng lịch sử cho thấy điều này không mấy khả quan. Cho rằng động thái của FED dường như đã quá muộn, hai chuyên gia này nói: "Chúng tôi nhận thấy mỗi khi FED "đạp thắng mạnh" để giảm lạm phát một cách có ý nghĩa thì nền kinh tế đã rơi vào suy thoái rồi".
Trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19, với dự đoán lạm phát chỉ diễn ra trong ngắn hạn, FED dường như ưu tiên phát triển việc làm và ổn định kinh tế trước khi bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3-2022.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng FED có thể lèo lái nền kinh tế nước này "hạ cánh mềm" và phát triển ổn định vào năm sau. "FED sẽ cần phải khéo léo và cả may mắn nữa, nhưng tôi tin rằng hoàn toàn có thể kết hợp hai điều đó" - bà Janet Yellen nói với báo Wall Street Journal ngày 4-5, vài giờ trước khi FED công bố lãi suất mới.
Ngày 4-5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 2000 với mức tăng nửa điểm phần trăm, để kiềm chế lạm phát đang tăng vọt của Mỹ.