Fed đánh tiếng tạm ngừng nâng lãi suất trong tháng 6
VietTimes – Giới chức Fed sẽ giảm nhịp độ nâng lãi suất để đánh giá dữ liệu kinh tế và hoạt động cho vay của ngân hàng.
Thống đốc Fed Philip Jefferson (Ảnh: Getty)
Giới chức Fed đánh tín hiệu rằng họ có thể giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng này, nhưng sẽ tiếp tục nâng vào cuối mùa Hè.
Trong những ngày gần đây, các nhà đầu tư dự đoán rằng Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 13 và 14/6, điều này khiến cho 2 nhà hoạch định chính sách trong hôm thứ Tư vừa qua phải công khai khẳng định rằng họ sẽ không nâng lãi suất trong đợt này.
Chiến lược này sẽ cho phép các quan chức Fed có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng về động kinh tế của 10 đợt nâng lãi suất trước đó, cũng như bất ổn trong hệ thống ngân hàng, bằng cách giãn bớt nhịp độ nâng lãi suất. Fed đã nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022 để chống lạm phát , gần đây nhất là vào ngày 3/5, nâng lãi suất tham chiếu trong khoảng 5%-5,25%, mức cao nhất 16 năm.
"Quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp sắp tới không nên được hiểu là lãi suất đã đạt đỉnh trong chu kỳ này", Thống đốc Fed Philip Jefferson nói trong bài diễn thuyết tại Washington vào ngày 31/6. "Thực tế là, việc ngừng nâng lãi suất trong cuộc họp tới sẽ cho phép chúng tôi thu thập thêm dữ liệu trước khi đưa ra quyết định về việc siết chặt thêm chính sách".
Chủ tịch Fed Philadelphia, Patrick Harker, một thành viên tham gia bỏ phiếu của FOMC trong năm nay, cũng ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất trong tháng 6. “Tôi cho rằng chúng ta có thể tạm ngừng đôi chút. Và nói thẳng là, nếu chúng tôi sắp phải bước vào một giai đoạn siết chặt hơn chính sách, chúng tôi có thể làm điều đó trong mọi cuộc họp khác”, ông nói trong một cuộc họp báo ngày 31/5 ở Philadelphia.
Ông Patrick Harker, Chủ tịch Fed Philadelphia (Ảnh: CNN)
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong ngày 19/5 cũng đã đề cập tới việc ngừng nâng lãi suất.
“Chúng tôi đã đi được một chặng đường dài trong chu kỳ thắt chặt chính sách, và chúng tôi đang phải đối diện với sự bất trắc do tác động trễ (của các đợt nâng lãi suất trước) và về quy mô của thắt chặt tín dụng do khủng hoảng ngân hàng mới đây”, ông nói. "Với việc đã đi xa như vậy, chúng tôi có thể xem lại dữ liệu và đưa ra các phân tích cẩn thận để đánh giá tình hình."
Một số quan chức ngân hàng trung ương, bao gồm 2 thành viên được bỏ phiếu và 2 thành viên không bỏ phiếu, mới đây đã đánh tín hiệu ủng hộ việc tiếp tục nâng lãi suất bởi lạm phát và các hoạt động kinh tế vẫn chưa giảm đáng kể.
2 thành viên khác trong hội đồng lại cho rằng họ cởi mở với cả hai phương án nâng và không nâng. “Tôi có thể ủng hộ cả hai lựa chọn”, Chủ tịch Fed Minneapolis, Neel Kashkari phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 19/5. "Tôi không đồng ý với bất kỳ tuyên bố nào cho rằng chúng tôi đã dừng việc tăng lãi suất."
Kỳ vọng của thị trường thay đổi ra sao?
Các nhà đầu tư đã bắt đầu kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất trong tháng 6, bắt đầu từ cuối tuần trước, do xuất hiện một số bình luận của các quan chức ủng hộ việc nâng lãi suất và do dữ liệu kinh tế cho thấy chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng cao trong tháng 4. Hiện các nhà đầu tư đặt cược 35% rằng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 6, sau khi ông Jefferson và Harker có bài phát biểu hôm 31/5, giảm từ 70% so với trước đó, theo CME Group.
"Thị trường có thể quá tập trung vào một số người thay vì tin tưởng vào những gì người lãnh đạo đang nói, đặc biệt là từ Chủ tịch Powell,", Jan Hatzius, trưởng kinh tế gia đến từ Goldman Sachs, cho hay. “Điều mà chúng tôi nghe được từ ông Powell (ngày 19/5) là Fed sắp sửa ngừng nâng lãi suất”.
Những bình luận trong hôm thứ Tư xuất hiện chỉ vài ngày trước giai đoạn mà Fed thường giữ im lặng để chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới. Trong giai đoạn này, các nhà hoạch định chính sách thường tránh đưa ra nhận định của họ về viễn cảnh kinh tế và chính sách.
Những bình luận này cũng cho thấy Fed không hài lòng trước việc các nhà đầu tư kỳ vọng về đợt nâng lãi suất trong tháng 6. Việc bỏ qua một đợt tăng lãi suất có thể mang lại rủi ro, vì nó gửi đi một tín hiệu sai lầm rằng Fed không còn quyết tâm trong cuộc chiến chống lạm phát.
Tính toán của Fed bị thay đổi do khủng hoảng ngân hàng Mỹ (Ảnh: CNBC)
Những tín hiệu hỗn loạn
Những tín hiệu hỗn loạn gần đây đã cho thấy những cuộc thảo luận khó khăn về "chiến thuật" của FOMC trong thời gian tới.
Đầu tháng 3, dữ liệu về một nền kinh tế khỏe mạnh bất ngờ đã khiến ông Powell và nhiều quan chức khác phải đánh tín hiệu rằng họ sẽ nâng lãi suất lên ít nhất là 5,5% mới có thể giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2%. Tuy nhiên, một vụ rút tiền đồng loạt tại Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ngày 10/3 khiến ngân hàng này – và sau đó là 2 ngân hàng khác – sụp đổ đã làm hỏng tính toán của Fed.
Các quan chức Fed lúc bấy giờ lại đưa ra một kết luận khác hẳn, rằng họ có thể không cần phải nâng lãi suất lên quá cao, do tình trạng cạn tín dụng tiềm ẩn có thể gây ra tác động tương tự như một đợt nâng lãi suất của Fed.
Khủng hoảng trong ngành ngân hàng đã được xoa dịu trong những tuần gần đây, và hoạt động kinh tế cũng không có dấu hiệu chịu ảnh hưởng từ các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn.
Chủ tịch Fed Cleveland, Loretta Mester, người không tham gia bỏ phiếu về chính sách tiền tệ trong năm nay, tỏ ý hoài nghi về việc ngừng nâng lãi suất, bởi đã có lần bà nói rằng lãi suất cao hơn là điều cần thiết để làm chậm nền kinh tế.
“Tôi sẽ phản đối việc “chờ đợi cho đến khi chúng tôi có thêm thông tin” này, bởi thông tin lúc nào cũng sẵn có”, bà phát biểu tại một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước.
Trong hôm 31/5, ông Harker cho hay ông đã thấy bằng chứng sự bất cân bằng trong thị trường lao động giảm nhẹ và lạm phát đang đi đúng hướng. “Chúng ta không thể cố gắng hãm phanh quá nhanh, theo quan điểm của tôi,” ông nói. "Đôi khi, chúng ta cần ngồi yên một lúc".
Theo các dự báo được công bố sau cuộc họp của Fed vào giữa tháng 3, phần lớn ý kiến cho rằng Fed có thể duy trì lãi suất ở mức hiện tại, trong khi một số đánh giá dự đoán rằng lãi suất có thể được tăng cao hơn./.
Theo Wall Street Journal