Fecon thoát lỗ nhờ thoái vốn Dự án Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6

Chia sẻ Facebook
08/02/2023 09:45:14

Bất chấp các chi phí gia tăng, Fecon vẫn báo lãi 49 tỷ đồng nhờ ghi nhận doanh thu tài chính đột biến 123 tỷ đồng do thoái vốn Dự án Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6.


Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần giảm 34% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 838,5 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu nên lãi gộp đạt 62,1 tỷ đồng - giảm 45% so với quý IV/2021.


Chi phí tài chính tăng 35% khiến doanh nghiệp phải chi ra hơn 65,2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận ở mức 9,1 tỷ đồng và 73,1 tỷ đồng, tăng lần lượt 49% và 14% so với cùng kỳ.


Điểm sáng của doanh nghiệp là ghi nhận doanh thu tài chính đột biến 123 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 343 triệu đồng nhờ thoái vốn Dự án Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 vào tháng 10/2022. Ngoài ra, khoản lợi nhuận khác ghi nhận 25,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 247 triệu đồng do thu nhập từ việc chia sẻ đường dây điện ở dự án Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.


Kết quả, Fecon báo lãi sau thuế gần 49 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ gánh lỗ 272,2 triệu đồng. Đây cũng là quý có lãi cao nhất trong 2 năm gần đây của Fecon.


Luỹ kế năm 2022, FCN ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đạt mức 3.043 tỷ đồng và 51,3 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 27% so với năm tài chính 2021. Đồng thời, 2022 là năm thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận đi lùi.


Doanh thu tài chính có sự tươi sáng hơn khi đạt gần 161,4 tỷ đồng, cao gấp 8,5 so với cùng kỳ. Dù vậy, mức tăng của chi phí tài chính cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn bị bào mòn.


Theo kế hoạch đề ra đầu năm, ban lãnh đạo FCN đã đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng và có lãi sau thuế 280 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp này mới hoàn thành 61% chỉ tiêu doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận cả năm.


Về tình hình tài chính, cuối năm 2022, tổng tài sản doanh nghiệp đạt hơn 7.566 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Chủ yếu đến từ khoản phải thu của khách hàng với 1.690 tỷ đồng và hàng tồn kho với 1.675 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản phải thu dài hạn của Fecon tăng 7 lần lên 394 tỷ đồng.


Đồng thời, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của công ty giảm mạnh 55% từ mức 312,4 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn gần 171 tỷ đồng.


Ở chiều ngược lại, nợ phải trả đạt 4.103 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm chủ yếu nhờ giảm hai khoản phải trả người bán ngắn hạn người mua trả tiền trước ngắn hạn. Tuy nhiên, nợ vay tài chính ngắn hạn tăng 9% so với đầu năm ở mức 1.564 tỷ đồng.


Vốn chủ sở hữu của Fecon đạt trên 3.463 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Khoản tăng đến từ lợi ích của cổ đông thiểu số đạt 815 tỷ đồng, gấp 3 lần so với đầu năm.

Diễn biến thị giá cổ phiếu FCN (Nguồn: TradingView).


Là một nhà thầu thi công nền móng và công trình ngầm, Fecon đang lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Chỉ trong hơn 1 tháng gần đây, Fecon l iên tiếp đón nhận tin vui từ lĩnh vực đầu tư dự án.


Hai doanh nghiệp thuộc Fecon được công bố là chủ đầu tư là CTCP Fecon Phổ Yên Dự án Khu đô thị Nam Thái với phần diện tích 24,68 ha và CTCP Fecon Hiệp Hòa với Dự án Cụm khu công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái tại Bắc Giang.


Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên ngày 7/2 mã FCN giảm nhẹ còn 11.100 đồng/cổ phiếu .

Chia sẻ Facebook