FDI tiếp tục đổ vào ASEAN

Chia sẻ Facebook
06/07/2022 00:19:13

Mặc dù những bất ổn địa chính trị toàn cầu và tình hình dịch bệnh, dòng vốn đầu trực tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ vào các thị trường Đông Nam Á (ASEAN).

Những cải cách trong khuôn khổ pháp lý dành cho FDI tại từng quốc gia ASEAN trong những năm gần đây dự báo sẽ giúp thu hút thêm nguồn vốn đầu tư đáng kể.


Thống kê của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển cùng HSBC cho thấy, nhóm ASEAN-6 (gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines) đang thu hút khoảng 13% tổng số vốn FDI trên toàn thế giới. Con số này tăng nhanh hơn trong giai đoạn căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hạ tầng đang được các nước ASEAN xem là "chìa khóa" thu hút vốn đầu tư FDI chất lượng cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)


Bên cạnh đó, môi trường chính sách FDI cải thiện được cho là điểm quyết định. Trong đó Indonesia và Việt Nam đã có những thay đổi lớn nhất, bao gồm nới lỏng các hạn chế đầu tư, quản lý tài khóa tốt hơn…

"Có một điều quan trọng cần lưu ý rằng, không phải tất cả các nền kinh tế ASEAN đều hưởng lợi như nhau từ đợt bùng nổ FDI này. Việt Nam đang chuyển mình thành trung tâm sản xuất công nghệ, Indonesia lại tập trung vào chuỗi cung ứng xe điện. Do đó chính sách thu hút vốn FDI cũng điều chỉnh linh động. Tuy nhiên, để cạnh tranh với những nền kinh tế khác, Việt Nam vẫn cần nhiều cải cách hơn nữa, bao gồm cả nâng cao tay nghề của lực lượng lao động và cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, để có thể nắm bắt nhiều cơ hội", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định.

"Cách đây 5 năm hầu như các công ty cung cấp nhân sự tại ASEAN không có hẳn một bộ phận riêng để tuyển nhân viên công nghệ chất lượng cao, nhưng giờ thì có. Điều này cho thấy nhu cầu rất lớn. Số lượng nhân tài công nghệ tại các nước như Việt Nam cũng đang tăng dần, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Đây cũng là một phần lý do thu hút các doanh nghiệp FDI đến đây", ông Andree Mangels, Tổng giám đốc ManpowerGroup Vietnam, đánh giá.

Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia, hạ tầng đang được các nước ASEAN xem là "chìa khóa" thu hút vốn đầu tư FDI chất lượng cao. Do đó các mô hình thành phố thông minh đa kết nối được tập trung xây dựng và triển khai.


Tại Đông Nam Á, thành phố Bình Dương của Việt Nam là đại diện diện duy nhất của ASEAN nằm trong top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2022 do Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF) vinh danh.

"Chạy đua sở hữu một hạ tầng thông minh từ chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong sản xuất với các nhà máy thông minh sẽ là điều các nền kinh tế ASEAN phải làm nếu muốn hút được dòng vốn FDI công nghệ cao. Một gợi ý cho Việt Nam đó doanh nghiệp nội địa cần phát triển mảng dịch vụ khu công nghiệp để bán cho khách thuê, thay vì chỉ thu được tiền thuê đất của các công ty nước ngoài", ông Louis Zacharilla, Đồng sáng lập Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF), cho hay.


Các chuyên gia cũng cho rằng, các nước ASEAN cần có chiến lược riêng, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nội địa, qua đó thâm nhập sâu vào chuỗi công nghiệp phụ trợ. Đây mới là hướng đi bền vững nếu muốn dòng vốn FDI chất lượng cao tiếp tục duy trì.

Theo HSBC, dù COVID-19 gây ảnh hưởng đến nền kinh tế tài chính toàn cầu, nguồn vốn FDI đổ vào ASEAN vẫn ổn định. Trong đó, Việt Nam là một câu chuyện thành công điển hình.

Chia sẻ Facebook