FDI dịch chuyển về 'vùng trũng'
Nhiều địa phương vốn được coi là "vùng trũng", ít nhận được sự quan tâm, nay cũng thu hút được nhiều vốn FDI.
Ông Đoàn Duy Hưng, tổng giám đốc Cổng thông tin bất động sản công nghiệp VN, cho hay ở khu vực phía Bắc, bên cạnh những địa phương nổi bật về thu hút đầu tư FDI thời gian qua như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên... thì Thái Bình có nhiều triển vọng trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư FDI.
Nguyên nhân do tỉnh Thái Bình có sự cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư, vị trí gần cụm cảng biển nước sâu Lạch Huyện (TP Hải Phòng), tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Thái Bình đang gấp rút xây dựng...
Chỉ trong năm 2021, Khu công nghiệp dịch vụ đô thị Liên Hà Thái (Thái Bình) đã thu hút được 4 dự án đầu tư lớn, với tổng vốn đầu tư trên 440 triệu USD, ông Hưng cho biết thêm.
Một số chuyên gia cũng cho rằng đang có sự dịch chuyển đầu tư FDI từ hai trung tâm lớn là khu vực quanh Hà Nội và khu vực TP.HCM về "vùng trũng" miền Trung vì lợi thế có nhiều cảng nước sâu, giá thuê đất rẻ, khoảng 40-50 USD/m2, bằng một nửa, thậm chí 1/3 hai trung tâm lớn, nhân công giá rẻ nên đang hút những nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng nhiều lao động, diện tích đất lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sớm hay muộn thì cũng sẽ có sự phân bổ lại nền công nghiệp trong thời gian tới. Những "vùng trũng" cũ, khi môi trường đầu tư được cải thiện, hạ tầng tốt lên, gần cảng biển... sẽ có sự bứt phá trong thu hút đầu tư FDI.
Đáng lưu ý, tình trạng dịch chuyển lao động từ trung tâm kinh tế lớn như khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về các tỉnh miền Trung trong đại dịch vừa qua, nhiều lao động chưa trở lại cũng đang định hình lại xu hướng đầu tư FDI để hạn chế những rủi ro khan hiếm lao động.
"Dịch bệnh đã định hình lại xu hướng đầu tư trong và ngoài nước, giờ địa phương nào có sẵn nguồn lao động sẽ là một lợi thế thu hút đầu tư", ông Đoàn Duy Hưng nhấn mạnh.
* Ông Nguyễn Văn Toàn
(phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài):
Không để "sốt đất" trong các khu công nghiệp
Muốn thu hút đầu tư nhiều cần chuẩn bị quỹ đất tốt, đặc biệt là đất trong khu công nghiệp. Thị trường bất động sản khu công nghiệp là thị trường đặc biệt nên cần có sự quản lý sát sao của Nhà nước.
Đặc biệt cần có chính sách điều tiết phù hợp để hạn chế tình trạng tăng giá thuê đất khu công nghiệp đột biến hoặc tệ hơn là "sốt đất" trong các khu công nghiệp. Không nên để cơn sốt đất nền ảnh hưởng tới đất đai khu công nghiệp. Nếu để xảy ra cơn "sốt đất" khu công nghiệp sẽ bất lợi cho cả hai phía, nhà đầu tư không yên tâm khi vào Việt Nam, và ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư trong nước.
Hiện Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI trong bối cảnh có tới hơn 14.100 doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh thua lỗ và một số vấn đề khác.