Facebook, Google có thể phải thay đổi mô hình kinh doanh

Chia sẻ Facebook
08/07/2022 23:02:22

Giới chức EU vừa thông qua một số quy tắc mang tính bước ngoặt nhằm kiềm chế sự bành trướng của những gã khổng lồ công nghệ như Alphabet - công ty mẹ Google, Amazon, Apple, Facebook hay Microsoft. Tuy nhiên theo Reuters, việc thực thi bộ quy tắc mới có thể bị giới hạn do nguồn lực các cơ quan quản lý còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, các nhà lập pháp EU đã phê duyệt 2 quy định mới dành cho các hãng công nghệ lớn, gồm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) nhằm kiểm soát các nội dung bất hợp pháp. Quy định này theo đó sẽ khiến các hãng công nghệ lớn buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh, ít nhất là tại châu Âu.

Theo Reuters, các Big tech sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu hàng năm nếu vi phạm quy tắc DMA và 6% nếu vi phạm quy tắc DSA. Ủy ban châu Âu đã thành lập một đội 80 quan chức để điều tra, xử phạt các hãng công nghệ nếu vi phạm quy định. Một gói hỗ trợ trị giá 12 triệu euro (12,3 triệu USD) cũng đã được đưa ra hồi tháng trước nhằm phục vụ công tác điều tra trong khoảng thời gian bốn năm.

Thierry Breton, Ủy viên Thị trường nội bộ EU cho biết đội ngũ giám sát sẽ tập trung vào từng vấn đề khác nhau như đánh giá rủi ro, khả năng tương tác của các dịch vụ nhắn tin và truy cập dữ liệu trong quá trình thực hiện 2 quy tắc. Các cơ quan quản lý cũng sẽ thành lập Trung tâm minh bạch thuật toán châu Âu với các chuyên gia về dữ liệu và thuật toán để hỗ trợ những công ty công nghệ thực thi.

"Chúng tôi đã bắt đầu vai trò mới, bao gồm việc chuyển đổi các nguồn lực hiện có, đồng thời tăng cường đội ngũ nhân lực bao gồm 100 người làm việc toàn thời gian vào năm tới và năm 2024 để thuận tiện cho việc giám sát", ông Breton nói.

Trước đó, Tổ chức Người tiêu dùng Châu Âu (BEUC) đã bày tỏ sự quan ngại về những giới hạn của cơ quan lập pháp.

"Chúng tôi đã đưa ra cảnh báo vào tuần trước rằng nếu Ủy ban không thuê thêm các chuyên gia để giám sát hoạt động các Big Tech, việc thực thi bộ quy tắc mới có thể bị cản trở", phó Tổng giám đốc BEUC Ursula Pachl cho biết.

Được biết DMA được đưa ra nhằm khiến các công ty công nghệ thiết lập lại dịch vụ nhắn tin với khả năng tương tác cùng ứng dụng khác, đồng thời cho phép người dùng truy cập vào dữ liệu của họ. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể quảng cáo sản phẩm cạnh tranh và giao dịch với khách hàng ngoài nền tảng.

Đặc biệt, các công ty này sẽ không được phép ưu tiên dịch vụ của mình hoặc ngăn cản người dùng gỡ bỏ phần mềm hoặc ứng dụng cài đặt sẵn. Hai quy tắc mới được cho là sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Google và Apple.

Trong khi đó, DSA cấm hành vi quảng cáo nhắm mục tiêu vào trẻ em dựa trên các dữ liệu nhạy cảm như tôn giáo, giới tính, chủng tộc và quan điểm chính trị. Những thủ thuật lừa người dùng cung cấp dữ liệu cá nhân cũng bị cấm hoàn toàn.

Apple và Google trước đó đã có động thái đáp trả quyết liệt nhằm ngăn chặn DMA và DSA được thông qua.

"Chúng tôi lo rằng DMA sẽ tạo ra lỗ hổng bảo mật quyền riêng tư không cần thiết cho người dùng. Một số điều khoản còn không cho phép chúng tôi kiếm tiền từ các tài sản trí tuệ vốn được đầu tư rất nhiều trước đó", đại diện Táo khuyết cho biết hồi tháng 3.


Theo: Reuters

Chia sẻ Facebook