F-16 của Mỹ và Su-35 của Nga: Chiến đấu cơ nào làm chủ bầu trời?

Chia sẻ Facebook
09/05/2024 04:00:23

So sánh Su-35 của Nga và F-16 của Mỹ là không hề dễ dàng. F-16 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 trong khi Su-35 được coi là một phần của thế hệ 4.5.


Bầu trời Ukraine có khả năng trở thành “võ đài” cho một trong những cuộc đấu tay đôi kịch tính nhất trong nhiều thập kỷ giữa một máy bay phản lực cũ kỹ nhưng mạnh mẽ của phương Tây và một trong những chiến đấu cơ tiên tiến nhất của Nga : Trận chiến giữa F-16 Fighting Falcon và Sukhoi Su-35.


Theo Popular Mechanics, Tạp chí lâu đời về khoa học và công nghệ có trụ sở tại New York, Mỹ, đây sẽ không chỉ là một cuộc đụng độ của các máy bay chiến đấu. Đây sẽ là cuộc chiến về triết lý, giữa quan niệm của Nga về máy bay chiến đấu được tối ưu hóa cho không chiến và quan niệm của phương Tây về máy bay phản lực thành thạo trong chiến đấu không đối không và không đối đất.


Đó cũng là cuộc chiến giữa cái cũ và cái mới. Những chiếc F-16 được chuyển giao cho Ukraine được thiết kế từ những năm 1970, dù được nâng cấp rất nhiều trong những năm qua. Trong khi đó, S-35 được phát triển từ thiết kế của Liên Xô nhưng do Nga sản xuất và được đưa vào sử dụng từ năm 2014.


So sánh một số thông số của F-16 và S-35 (Theo Popular Mechanics)

  F-16 Fighting Falcon Sukhoi Su-35
Nhiệm vụ chính Tiêm kích không đối không và không đối đất đa năng Tiêm kích không đối không và không đối đất đa năng
Sải cánh 32 feet, 8 inch (10 m) 50 feet, 2 inch (15,2 m)
Chiều dài 49 feet, 5 inch (15 m) 71 feet, 10 inch (22 m)
Chiều cao 16 feet (4,9 m) 19 feet, 4 inch (5,9 m)
Trọng lượng (không tính nhiên liệu) 19.700 pounds (9.000 kg) 41.888 pounds (19.000 kg)
Tốc độ 1.500 MPH (Mach 2) = 2.410 km/h (Gấp 2 lần tốc độ âm thanh) 1.726 MPH (Mach 2,25) = 2.778 km/h (Gấp 2,25 lần tốc độ âm thanh)
Tầm chiến đấu 575 dặm (925 km) 990 dặm (1.600 km)
Chi phí 63 triệu USD 85 triệu USD


Su-35 lần đầu thực chiến trong chiến dịch quân sự của Nga ở Syria năm 2016. Cuộc xung đột ở Ukraine, bắt đầu từ tháng 2/2022, được cho là có nhiều khả năng đánh dấu cuộc đọ súng thực sự giữa Su-35 và một đối thủ đáng gờm được trang bị tên lửa phòng không hiện đại của phương Tây.


F-16 Fighting Falcon


Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon (thường được gọi là “Viper” và đôi khi được gọi là “Lawn Dart”), là một trong những máy bay phản lực hiện đại nhất, với hơn 4.600 chiếc được chế tạo từ năm 1976, được 25 quốc gia sử dụng và ngày càng phát triển. Nó cũng đã tham chiến nhiều hơn hầu hết các máy bay chiến đấu hiện nay, đặc biệt là của lực lượng không quân Mỹ và Israel.


Viper dài khoảng 50 feet (15 m) với sải cánh dài 33 feet (10 m) và nặng gần 10 tấn. Nó có thể đạt tốc độ Mach 2 (gấp đôi tốc độ âm thanh), có khả năng cơ động cao và được trang bị pháo 20 mm cũng như 11 giá treo vũ khí và thùng nhiên liệu phụ, cùng với các thiết bị gây nhiễu radar và xác định mục tiêu mặt đất cho các loại đạn dẫn đường chính xác.


Vũ khí chính xác đi kèm những chiếc F-16 được chuyển giao cho Ukraine sẽ phụ thuộc vào loại đạn dược mà Mỹ và châu Âu đồng ý gửi, nhưng F-16 cũng mạnh mẽ không kém trong các nhiệm vụ không đối không và không đối đất.

Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon của Mỹ. Ảnh: Flickr


Ngoài tên lửa dẫn đường radar AIM-120 tầm trung và tên lửa tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder, nó có thể mang bom lượn JDAM, tên lửa chống bức xạ HARM và có thể cả tên lửa tầm xa của châu Âu như Storm Shadow của Anh. Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120, hay còn gọi là AMRAAM, đặc biệt đáng chú ý.


Không giống như các tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar hiện tại của Ukraine, đòi hỏi máy bay phải liên tục “khóa” radar vào mục tiêu, AMRAAM được trang bị một radar thuộc loại “fire and forget” (bắn và quên) có khả năng tự động định vị mục tiêu.


Nhưng một thứ đa-zi-năng có nghĩa là nó sẽ kém chuyên môn hơn. “Các vị có thể sử dụng F-16 để không chiến nhưng nó không tốt bằng F-15”, ông Brynn Tannehill, một chuyên gia quốc phòng và cựu phi công Hải quân Mỹ, nói với Popular Mechanics.


“Các vị có thể sử dụng nó để hỗ trợ tầm gần, nhưng nó không tốt bằng A-10. Nó có thể tấn công mặt đất nhưng không tốt bằng F-15E Strike Eagle… Tóm lại, F-16 là một chiếc máy bay tốt ở hầu hết mọi phương diện, nhưng nó không phải là chiếc máy bay tốt nhất ở bất kỳ phương diện nào”.


Sukhoi Su-35


Chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 có một lịch sử phức tạp. Nó có nguồn gốc từ Su-27 (mã NATO: “Flanker”) vào cuối những năm 1970, một loại máy bay chiếm ưu thế trên không được thiết kế để chiến đấu không đối không. Nó được cho là câu trả lời của Liên Xô cho F-15. Cũng giống như F-15, Su-35 cũng là máy bay 2 động cơ, trong khi F-16 chỉ có 1 động cơ.


Su-35 được hình thành vào đầu những năm 1980 như một phiên bản cơ động hơn của Su-27 Flanker. Do đó Su-35 còn được gọi là “Flanker-E” hoặc “Super Flanker”. Sau khi hãng Sukhoi thử nghiệm nhiều nguyên mẫu khác nhau thời Liên Xô và sau đó là Nga, Su-35 hiện tại đã thành hình vào đầu những năm 2000 dưới dạng Su-27 cải tiến với một số khả năng không đối đất khiến nó giống loại máy bay chiến đấu-ném bom như F-16 hơn.


Nhưng Su-35 “to con” hơn F-16. Với chiều dài 72 feet (22 m) và sải cánh 50 feet (15,2 m), Su-35 lớn hơn F-16 khoảng 50%; nặng gần 19 tấn, gần gấp đôi trọng lượng của “Viper”. Su-35 được trang bị pháo 30 mm cũng như hàng chục giá treo có khả năng phóng một loạt vũ khí không đối không và không đối đất.

Chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của Nga. Ảnh: Flickr


Điều đặc biệt khiến Ukraine và phương Tây lo lắng là tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar R-37 và R-77, là loại vũ khí “fire and forget”, có thể tiêu diệt máy bay Ukraine ở ngoài tầm bắn của tên lửa không đối không Ukraine.


Hiện tại, máy bay Sukhoi Su-35 của Nga đang kiềm chế các máy bay chiến đấu của Ukraine ở khu vực tiền tuyến Avdiivka thuộc vùng Donetsk khiến đối phương không thể cất cánh từ căn cứ, vì bất kỳ mục tiêu trên không nào cố gắng cất cánh đều ngay lập tức bị phát hiện và tiêu diệt.


“Điều thực sự quan trọng là radar, reach, khả năng kết nối mạng và khả năng quan sát thấp (tàng hình)”, ông Tannehill cho biết. “Radar xác định thời điểm bạn nhìn thấy anh chàng kia. Reach cho phép bạn xác định khi nào bạn có thể bắn. Khả năng quan sát thấp cho phép bạn tiến lại gần mục tiêu hơn”.


Quả thực, đây là motif quen thuộc trong xung đột Nga-Ukraine. Lo sợ các tên lửa đất đối không tiên tiến như S-400 của Nga và Patriot của Mỹ, cả máy bay Nga và Ukraine đều ở lại phía chiến tuyến của mình, thay vì xâm nhập không phận đối phương. Ngay cả khi Su-35 thực sự có khả năng siêu cơ động, điều này hầu như vẫn chưa được chứng minh trong thực chiến .


Minh Đức (Theo Popular Mechanics, Simple Flying)

Chia sẻ Facebook