F0 có thể ngồi nhà khai báo, nhưng phần mềm còn lỗi, nhập tới nhập lui
Mặc dù được đánh giá là tiện lợi, tuy nhiên nhiều người dân vẫn chưa quen với việc khai báo y tế trực tuyến, hệ thống khai báo nhiều lỗi, người lớn tuổi không sử dụng được các thiết bị thông minh gặp nhiều khó khăn.
Khác với khung cảnh chen lấn, xếp hàng dài, tại TP.HCM với quy trình chuyển đổi số, người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ chỉ cần ngồi tại nhà khai báo để được công nhận mắc COVID-19 (F0), cấp giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà, không phải đóng phí dịch vụ.
Người già khó tiếp cận
Hơn 9h sáng, tại trạm y tế phường 14 (quận 11, TP.HCM) không còn cảnh người F0 chen chúc, xếp hàng dài đợi làm xét nghiệm, khai báo như những ngày đầu tháng 3. Nhiều nhân viên y tế đã bớt vất vả hơn khi chỉ cần ngồi một chỗ xử lý thông tin F0, cấp giấy hoàn thành cách ly. Tuy nhiên, nhiều người test dương tính vẫn đến trạm y tế để khai báo vì chưa nắm rõ quy trình.
Chị V.N.T. (31 tuổi, quận 11) cho biết ngày 14-3, chị có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19, thay vì phải đến tận trạm y tế chị chỉ cần ngồi nhà khai báo qua app công nhận F0 rất tiện lợi. Tuy nhiên, chị T. phải mất 15 phút để khai báo, nhập lại tổng cộng 5 - 6 lần, khi đó app mới thông báo khai báo thành công.
"Mặc dù là người trẻ rành sử dụng các thiết bị công nghệ, nhưng phải mất đến 15 phút tôi mới khai báo được. Ngày có kết quả dương tính là ngày 14 nhưng hệ thống không thể nhập được, cũng không cảnh báo trở lại từ đầu do đó phải nhập lại. Tôi hy vọng hệ thống sẽ hoàn thiện hơn, khi nhập thông tin bị thiếu hay sai sót gì thì nên cảnh báo liền", chị T. nói.
Còn chị C.N. (23 tuổi, quận Gò Vấp) cho biết khi phát hiện mình dương tính với COVID-19, dù mới chuyển đến khu trọ mới nhưng nhờ có phần mềm khai báo F0 của Sở Y tế vừa triển khai, chị có thể thực hiện khai báo với địa phương.
"Do mới chuyển qua, tôi không nắm cách liên hệ với y tế phường. Tôi gọi qua tất cả số của trạm và số đường dây nóng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cung cấp cũng không ai nghe máy. Mới khai báo qua phần mềm thì chỉ trong ngày đã được y tế phường thông báo nhận được thông tin khai báo. Các bước thực hiện cũng đơn giản với mình, nhưng chắc sẽ khó khăn với người cao tuổi, những người không tiếp xúc nhiều về công nghệ, vì phải chụp ảnh rồi tải file ảnh chụp kết quả xét nghiệm lên", chị N. chia sẻ.
Theo chị N., những điểm khiến thao tác lâu hơn là khi cần xác minh thông tin về việc tiêm chủng vắc xin, nếu có thể liên kết thông tin từ ứng dụng PC COVID qua thì người dân không phải khai báo lại nhiều thông tin rườm rà.
Xử lý trong 24 tiếng
Ông Ngô Phi Anh - trưởng trạm y tế phường 14 (quận 11, TP.HCM) - cho biết phần lớn người dân F0 khai báo online là người trẻ, rành các thiết bị thông minh. Người lớn tuổi thường hay gọi điện trực tiếp tới đường dây nóng của trạm y tế hoặc nhờ người thân khai báo qua app giúp.
Do mới triển khai nên nhiều người vẫn chưa biết đến, nhiều trường hợp vẫn đến trạm y tế, nhân viên phải hướng dẫn thêm. Trước đây khi chưa khai báo qua app, bệnh nhân thường gọi điện đến trạm y tế hoặc đến trực tiếp tại trạm khai báo rất vất vả.
Hiện tại người dân chỉ cần ngồi nhà khai báo không cần đến trạm y tế, có lợi cho cả người dân và nhân viên y tế.
"Đối với trường hợp là người F0 thuộc nhóm nguy cơ cao khi khai báo, hệ thống sẽ tự động báo tin nhắn về trạm y tế. Chúng tôi sẽ gọi điện thoại trực tiếp để hỏi thăm hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe và trạm y tế lưu động sẽ đến tận nhà khi cần thiết", ông Anh nói.
Ông Lương Phương Quân - phó chủ tịch phường 14 (quận 11) - cho hay ưu điểm lớn nhất khi khai báo online là F0 không phải xếp hàng dài trước trạm y tế để khai báo, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.
Khi người dân khai báo trên app, Sở Y tế sẽ tiếp nhận rồi chuyển về cho trạm y tế phường, trạm y tế phường và trạm y tế lưu động tiếp nhận thông tin và người dân sẽ được hướng dẫn điều trị, thăm khám, phát thuốc và quản lý. Khi tiếp nhận thông tin F0 trạm phải xử lý trong 24 tiếng. Phường đã chủ động in ra các tờ hướng dẫn để tuyên truyền cho người dân biết khi là F0 cần khai báo ra sao.
Lưu ý điền đủ triệu chứng bệnh
Bà Nguyễn Phương Liên - trưởng trạm y tế phường 4 (quận 3) - cho biết hiện trạm đã áp dụng tiếp nhận bệnh nhân khai báo qua phần mềm, tuy nhiên số lượng chưa nhiều bởi do thói quen của người dân ở phường trước đây đều khai báo trực tiếp với trạm.
Bản thân nhiễm bệnh phải cách ly tại nhà nhưng bà Nguyễn Thị Khánh Hòa, phó trưởng trạm y tế phường 3, quận Phú Nhuận, vẫn túc trực điện thoại và máy tính để tiếp nhận bệnh nhân F0 thuộc nhóm nguy cơ khai báo.
"Khi có bệnh nhân khai báo tổng đài 1022 sẽ gửi tin nhắn trực tiếp đến điện thoại của mình thông báo có ca bệnh, sau đó mở phần mềm lên sẽ thấy hiện cảnh báo màu đỏ nếu bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ. Sau khi tiếp nhận khai báo, việc thăm khám hướng dẫn cách ly và điều trị vẫn diễn ra như trước đây. Nhân viên y tế của trạm hiện nay có nhiều người nhiễm bệnh phải cách ly nên việc áp dụng khai báo qua phần mềm hỗ trợ rất nhiều về mặt nhân lực", bà Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, theo một số nhân viên y tế phụ trách tiếp nhận khai báo, trong quá trình điền thông tin về các triệu chứng bệnh, một số người đã bỏ qua thông tin khiến cho thông tin cảnh báo hiện lên đối tượng nguy cơ rất cao dù người đó chỉ ở mức độ bệnh nhẹ.
Giải quyết ngoài giờ hành chính cho người F0
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có văn bản khẩn yêu cầu Sở Y tế triển khai chi tiết quy trình chuyển đổi số trong việc khai báo F0 và cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà cho các phường, xã, thị trấn.
Các trạm y tế phải phân công nhân sự trực điện thoại để nhận tin nhắn SMS thông báo khi người F0 khai báo, tiếp nhận, chăm sóc, quản lý người F0 cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Chỉ đạo các bộ phận liên quan truyền thông đến từng người dân trên địa bàn khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 cần khai báo ngay cho trạm y tế phường, xã, thị trấn qua địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn/ để được tiếp nhận, chăm sóc và quản lý.
Các trung tâm y tế chịu trách nhiệm hỗ trợ nguồn lực cho việc triển khai chuyển đổi số bao gồm tiếp nhận thông tin ngoài giờ làm việc. Sở Thông tin - truyền thông phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, đường truyền thông suốt và không bị tắc nghẽn khi người dân sử dụng.
Trẻ em mắc COVID-19 thường có các triệu chứng phổ biến như sốt, ho, tiêu chảy. Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn điều trị chi tiết cho trẻ mắc COVID-19, tuy nhiên phụ huynh vẫn mắc nhiều sai lầm khi chăm sóc cho trẻ tại nhà.