F Talk số #1: Điểm đến của dòng tiền những tháng cuối năm
Làm thế nào đón biết dòng tiền để chọn ra kênh đầu tư thông minh trong bối cảnh hiện nay? Lãi suất ngân hàng, thị trường chứng khoán, bất động sản sẽ diễn biến ra sao? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp tại số đầu tiên của series F TALK vào 16h ngày 28/8.
"Thời kỳ tiền rẻ đã qua" là cụm từ liên tục được giới đầu tư và chuyên gia nhắc đến thời gian gần đây. Lãi suất huy động tăng mạnh từ đầu năm 2022 được cho là một trong những yếu tố khiến dòng tiền chuyển hướng. Thay vì đổ tiền nhàn rỗi vào chứng khoán, bất động sản, người dân đã gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng để lấy lãi.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuối tháng 6/2022, tiền gửi từ dân cư tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt kỷ lục gần 5,62 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với đầu năm. Người dân đã gửi ròng vào ngân hàng khoảng 320.000 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, gần gấp đôi mức tăng ròng của cả năm 2021.
Trong khi đó, sau 2 năm bùng nổ, thị trường chứng khoán và bất động sản trong 4 tháng gần đây đã trở nên ảm đạm rõ rệt.
VnIndex có lúc rớt xuống dưới 1.150 điểm vào đầu tháng 7, dù sang tháng 8 có hồi phục nhưng hiện vẫn chỉ quanh 1.260 điểm.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch thị trường lập đỉnh cuối năm 2021 và sau đó bắt đầu điều chỉnh mạnh. Giai đoạn tháng 11/2021-3/2022, giá trị giao dịch toàn thị trường đều đạt quanh mốc 30.000 tỷ đồng/phiên, cá biệt có phiên lên trên 56.000 tỷ đồng. Nhưng con số này đã giảm mạnh kể từ tháng 4 và về mức thấp nhất trong tháng 7 vừa qua.
Theo số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 7 chỉ đạt 11.502 tỷ đồng/phiên, giảm 20,84% so với tháng 6/2022 và giảm tới khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Giao dịch trên thị trường bất động sản cũng không mấy tích cực. Theo báo cáo "Thị trường bất động sản quý II/2022" của Hội môi giới bất động sản (VARS), 6 tháng đầu năm, tổng nguồn cung trên thị trường có 22.769 sản phẩm nhưng chỉ giao dịch trên 14.392 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ 50,9%.
Thanh khoản trên thị trường địa ốc đang có xu hướng đi xuống, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa cuối năm trước và đầu năm nay. VARS dự báo, trong nửa cuối năm 2022, giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng như lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Cùng với đó, thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ sẽ không còn, các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.
Một lý giải khác cho việc thanh khoản thị trường chứng khoán và bất động sản xuống thấp là bởi nền kinh tế đã hoàn toàn mở cửa trở lại sau đại dịch, từ đó thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp dành nhiều nguồn lực hơn cho sản xuất kinh doanh. Nhu cầu về vốn do đó cũng tăng mạnh, dễ nhận thấy nhất là tăng trưởng tín dụng đến 15/8 đã đạt 9,62%, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 6,68%.
Xu hướng này liệu có còn tiếp tục trong thời gian tới? Đặc biệt bối cảnh nền kinh tế hiện nay còn nhiều điều khó dự báo, đó là áp lực lạm phát, ảnh hưởng từ làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu và những thay đổi trong chính sách quản lý thị trường bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu.
Những câu hỏi này sẽ được giải đáp tại số đầu tiên của series F TALK với chủ đề: "Điểm đến dòng tiền những tháng cuối năm".
Chương trình với khách mời là chuyên gia Nguyễn Duy Thành – Trưởng phòng Phân tích khách hàng doanh nghiệp của công ty chứng khoán Pinetree sẽ được phát trực tiếp trên fanpage của CafeF vào 16h ngày 28/8.''