EVN muốn chuyển nhiệt điện khí Ô Môn 3,4 sang PVN làm chủ đầu tư
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết Dự án điện khí Ô môn 3 và 4 sẽ được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư. Nguyên nhân vì EVN đang gặp khó khăn về tài chính, khó triển khai dự án.
Theo đó, các dự án này bị chậm tiến độ đã nhiều năm, chưa thống nhất nội bộ về khai thác, vận chuyển và sử dụng khí trong suốt vòng đời dự án.
Tập đoàn EVN – chủ đầu tư của hai dự án này lại đang gặp khó khăn lớn trong sử dụng vốn ODA cho dự án Ô Môn 3 và huy động vốn vay thương mại cho dự án Ô Môn 4.
Ngoài ra, vướng mắc về cơ chế huy động điện lên lưới để bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng khí cung cấp, trong khi giá thành sản xuất điện khí đang cao hơn giá bán điện của EVN.
Theo phân tích, PVN đang có điều kiện thuận lợi về huy động nguồn vốn, năng lực thực hiện, cũng như có thể quản lý thống nhất, vận hành đồng bộ hạ tầng dùng chung của chuỗi dự án, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Mỏ khí lô B là dự án trọng điểm cung ứng khí cho sản xuất điện khu vực phía Nam với trữ lượng khoảng 107 tỷ m3 khí trong 20 năm. Khí lô B khi đi vào vận hành, đón dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026 sẽ cấp 3,8 – 5 tỷ m3 khí mỗi năm cho các nhà máy điện tại khu vực Ô Môn (Cần Thơ) và Kiên Giang.
Trước đề xuất nêu trên, Điện khí Ô Môn 3 do Tập đoàn EVN làm chủ đầu tư là một trong số dự án thuộc Trung Tâm Điện lực Ô Môn sẽ sử dụng khí từ mỏ lô B. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 25.240 tỷ đồng, trong đó 70% là vay ODA (17.670 tỷ đồng) và vốn đối ứng hơn 9.920 tỷ đồng. Điện khí Ô Môn 3 là dự án trong danh mục vay vốn tín dụng ưu đãi Chính phủ Nhật Bản năm 2012.
Theo công hàm ký giữa hai nước, vốn vay từ Chính phủ Nhật Bản là hơn 27,9 tỷ yen, lãi suất 1,15% một năm trong vòng 30 năm, gồm 10 năm ân hạn. Phía Nhật Bản cam kết xem xét tài trợ dự án này lên tới 85%.
Địa điểm thực hiện Dự án tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Thời hạn hoạt động của Dự án là 31 năm kể từ ngày Quyết định cho thuê đất (2021 – 2052).
Việc thực hiện các thủ tục vay vốn ODA từ Nhật của dự án Ô Môn 3 vẫn vướng mắc, nguy cơ ảnh hưởng tới cả chuỗi dự án và dự án này khó kịp đón dòng khí lô B đầu tiên vào cuối 2026.
Đức Minh
Năm 2022, Tập đoàn EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng nhưng công ty con báo lãi lớn
Tuy Tập đoàn Điện lực (EVN) báo lỗ lên tới hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 nhưng một số công ty con của tập đoàn này lại báo lãi 2.500 - 3.700 tỷ đồng.