EVN lo mất cân đối tài chính nếu không tăng giá điện

Chia sẻ Facebook
21/12/2022 19:08:03

EVN đã lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng và kiến nghị Bộ Công Thương cho phép tăng giá điện. Nếu giá điện giữ nguyên, doanh nghiệp lo mất cân đối tài chính nghiêm trọng.

EVN lo mất cân đối tài chính nếu không tăng giá điện


Khó khăn trong sản xuất, cung ứng điện và đảm báo cân đối tài chính là những chủ đề nóng tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ) sáng 21/12. Doanh nghiệp đề xuất Bộ Công Thương sớm cho phép tăng giá điện để giảm bớt áp lực về tài chính trong năm 2023.


Có thể phải đàm phán lại với nguồn điện giá cao


Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia, cho biết trong năm 2022, giá than đã tăng chóng mặt từ mức 120- 140 USD /tấn lên 400 USD /tấn. Điều này đẩy chi phí phát điện lên khoảng 1.864 đồng/kWh. Thậm chí, có nhà máy phải phát điện với giá khoảng 1.900-2.000 đồng/kWh, có tổ máy lên đến 3.000-4.000 đồng/kWh.

“Nhiều tổ máy than nhập gần như không được vận hành vì giá quá cao. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, tập đoàn vẫn phải chạy để đảm bảo cung ứng điện”, ông Ninh nói.

Nhiều nhà máy nhiệt điện có chi phí giá quá cao không được huy động trong năm 2022. Ảnh: EVN.

Trong năm 2022, không chỉ vấn đề nguồn cung cấp và giá than gây khó khăn cho các nhà máy nhiệt điện, vấn đề cung cấp khí cũng có những ảnh hưởng lớn. Hiện nguồn cung cấp khí cho các nhà máy điện ở Đông Nam Bộ chỉ đạt khoảng 54-74%. Có những lúc A0 phải huy động các tổ máy chạy dầu DO, làm tăng chi phí.


Năm 2022 cũng là năm kỷ lục tập đoàn khai thác sản lượng thủy điện đạt khoảng 95-96 tỷ kWh. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, các hồ miền Bắc thủy văn về rất thấp. Từ tháng 7 trở đi về lại càng kém hơn. Tuy vậy, EVN đã xả hơn 10 tỷ m3 nước, tương đương tổng thủy điện xả 2 tỷ kWh.

“Sản lượng thủy điện tăng nhưng tỷ trọng chỉ đạt 36%. Than và năng lượng tái tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, khi giá nhiên liệu thế giới biến động, làm chi phí tăng rất cao”, ông Ninh chia sẻ.


Theo vị này, A0 đã và sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp tối ưu nguồn thủy điện và tăng nguồn giá rẻ, hạn chế nguồn giá cao. Thậm chí tính đến khả năng tăng mua điện của Trung Quốc, Lào và Campuchia. Trong thời gian tới còn tính đến việc đàm phán lại các nhà máy giá điện cao, kể cả nhà máy BOT và dùng than ngoại nhập để hài hòa lợi ích các bên.


Lương nhân viên còn 62% năm ngoái


Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, thì ví năm 2022 “khó khăn vài chục năm mới có, không chỉ khó khăn cung ứng điện, mà còn yếu tố khách quan”. Doanh nghiệp này đã phải mua điện giá tăng cao. Nếu so sánh với đơn giá điện kế hoạch mà EVN giao thì giá tăng 685 đồng/kWh, chi phí tăng thêm 3.700 tỷ đồng .

Khó khăn thứ hai là tăng trưởng điện thương phẩm thấp kỷ lục. Thậm chí mức tăng sản lượng điện thương phẩm năm 2022 thấp nhất trong 15 năm qua (nếu không tính năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19), ở mức 5,42%.

Nhiều doanh nghiệp điện phải cắt giảm chi phí lương nhân viên. Ảnh: EVN.

“Sự suy giảm của sản xuất công nghiệp khiến chúng tôi mất đi sản lượng điện thương phẩm nhanh chóng. Các nhà máy sản xuất thép, sản xuất xi măng hay thậm chí là điện tử cũng cắt giảm, sản xuất cầm chừng”, bà Ánh nói.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn về giấy tờ thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng. Các dự án điện từ bước khởi công đến đóng điện là rất khó.

Hiện tại, doanh nghiệp đang trả lương cho cán bộ, công nhân viên chỉ bằng mức 62% năm ngoái do khó khăn và tiết kiệm chi phí.


Dự kiến lỗ hơn 31.000 tỷ


Theo EVN , quy mô hệ thống điện đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện (đã COD) toàn hệ thống đạt 77.800 MW, tăng 1.400 MW so với năm 2021. Trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165 MW chiếm tỷ trọng 26,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.


Năm 2022, EVN đối mặt với giá nguyên liệu thế giới tăng cao. Giá than thế giới tăng cao, nguồn than nhập khẩu hạn chế nên TKV và Tổng công ty Đông Bắc không nhập khẩu đủ than để sản xuất than trộn cấp cho các nhà máy điện. Các tháng cuối năm Đông Bắc cấp than pha trộn hoàn toàn cho các nhà máy điện và dừng cấp than cho các nhà máy điện Nghi Sơn 1, Thái Bình nên tồn kho than rất thấp.


Than nhập khẩu thì có giá biến động mạnh, trong đó chỉ số NEWC với chủng loại than nhiệt trị 6.000 kCal/kg bình quân 355 USD /tấn, tăng 2,6 lần so với năm 2021 và tăng gần 6 lần so với năm 2020. Chỉ số giá Indonesia Coal Index 3 (ICI3) bình quân là 129 USD /tấn, tăng 1,35 lần so với năm 2021 và tăng 3 lần so với năm 2020. Nên khối lượng than nhập khẩu cho các nhà máy điện sử dụng than nhập thấp.


Vì chi phí tăng cao, EVN thực hiện mạnh việc tiết giảm chi phí. Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí là 33.445 tỷ đồng . Tuy vậy, số tiết kiệm vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao. Năm 2022, dự kiến EVN sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng .

Hiếu Công


Zing.vn

Chia sẻ Facebook