EVN lại tiếp tục đề xuất tăng giá điện
Trong hội thảo về cơ chế, chính sách giá điện mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Chính phủ, bộ ngành cho phép họ sớm được điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính. Trong đó, có kiến nghị tăng giá bán lẻ điện theo biến động các thông số đầu vào nhằm đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh. Ảnh: EVN
Theo các chuyên gia, đề nghị này được EVN đưa ra trong bối cảnh sản xuất kinh doanh tiếp tục lỗ khiến họ gặp khó khăn về dòng tiền từ tháng 7 đến hết năm.
EVN vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, đã được Deloitte kiểm toán với khoản lỗ hơn 20,7 nghìn tỉ đồng.
Theo báo cáo sau kiểm toán, tổng số lỗ năm 2022 của công ty mẹ EVN là hơn 26,5 nghìn tỉ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất, EVN lỗ 20,7 nghìn tỉ đồng.
Năm 2022, nếu doanh thu hợp nhất của EVN là hơn 463 nghìn tỉ đồng thì doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%: trên 456 nghìn tỉ đồng.
Doanh thu bán điện năm 2022 của công ty mẹ EVN là 372,9 nghìn tỉ đồng. Thế nhưng, giá vốn điện lại lên tới hơn 402,6 nghìn tỉ đồng. Điều này có nghĩa, EVN bán thấp hơn giá vốn tới 29,7 nghìn tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2021 giá vốn điện của EVN chỉ là 331,6 nghìn tỉ đồng.
Như vậy, năm 2022, EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra, dẫn đến số lỗ kể trên. Điều này không xảy ra trong năm 2021.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính. Trong đó, có kiến nghị tăng giá bán lẻ điện theo biến động các thông số đầu vào nhằm đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Đơn vị này lý giải, nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì từ tháng 7 đến tháng 12/2023, dự kiến EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền. Hiện tại, doanh nghiệp đang nợ tiền của các đơn vị phát điện nhằm đảm bảo dòng tiền thanh toán chi phí mua than, dầu, khí phục vụ sản xuất điện.
Giai đoạn 2020 - 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cắt giảm chi phí sửa chữa theo định mức từ 10-50% do không cân đối được nguồn vốn. Năm 2023, EVN tiếp tục cắt giảm do không cân đối được tài chính. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện.
Năm 2023 kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là hơn 94.800 tỉ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN sẽ gặp những rủi ro như không thể trả nợ đúng hạn, đồng thời các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quyết định số 24 về quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; có hướng dẫn cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho Tập đoàn vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện; cho phép EVN tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp với khả năng tài chính cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, EVN mong muốn Chính phủ và các Bộ chấp thuận khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 và 2023 của EVN là 'do thực hiện chính sách'.
Trước đó, EVN đã tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3% từ ngày 4/5/2023, giá điện bán lẻ bình quân là hơn 1.900 đồng/kWh.
Theo phân tích của các chuyên gia, theo Luật Giá năm 2012, ngành điện đã đủ mọi điều kiện để đầu tư và tái phát triển, kể cả cuộc sống của những người làm trong ngành điện. Vì tất cả chi phí đều được tính vào giá thành. Ngoài giá thành, Nhà nước còn tính định mức hợp lý cho số lãi để cho ngành điện phát triển và đảm bảo phúc lợi.
Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017, trong đó, thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh tác động kép của việc tăng giá điện vào cuối năm. Hiện nay, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh, bứt tốc thực hiện các đơn hàng để hoàn thành kế hoạch của mình. Do vậy, việc tiếp tục tăng giá điện cần được đánh giá một cách tổng quát, tránh ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bộ Công Thương đang đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất EVN sẽ được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ từ 1% đến dưới 5% mỗi quý một lần. Cụ thể, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân để xây dựng phương án điều chỉnh tăng, giảm. Nếu giá thành điện giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải điều chỉnh giảm theo. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Đối với việc tăng giá điện, thẩm quyền điều chỉnh cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể, mức tăng từ 3% đến dưới 5% sẽ do EVN được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ ngành liên quan. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với mức tăng trên 10%, các bộ ngành, đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến. Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán. Nếu vi phạm trong điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá. |