EVN: Kéo điện ra Côn Đảo bằng cáp ngầm có giá thành tốt hơn điện gió

Chia sẻ Facebook
18/11/2022 07:51:11

Tập đoàn EVN cho biết sau khi nghiên cứu, mỗi kWh điện gió có giá thành hơn 6.000 đồng, trong khi sử dụng cáp ngầm vượt biển giá thành 2.140 đồng/kWh.

Về việc đầu tư mạng lưới điện ở  Côn Đảo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sau khi nghiên cứu, kết quả cho thấy mỗi kWh điện gió có giá thành hơn 6.000 đồng, trong khi đầu tư tuyến cáp ngầm vượt biển thì giá thành điện năng sẽ khoảng 2.140 đồng/kWh.

Kiên Giang: Đưa vào vận hành đường dây vượt biển trên không dài hơn 80 km

EVN đề nghị lựa chọn phương án kéo cáp ngầm vượt biển ra Côn Đảo để nâng cấp mạng lưới điện. (Ảnh: Evgenii mitroshin/Shutterstock)

Tập đoàn EVN vừa có báo cáo gửi Bộ Công thương về việc lựa chọn phương án cấp điện cho Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), bổ sung thêm nội dung nghiên cứu các phương án cấp điện.

Theo đó, EVN nêu ra 5 phương án cấp điện cho Côn Đảo gồm:

– Phát triển nguồn nhiệt điện tại chỗ.

– Phát triển nguồn điện mặt trời và gió trên mặt đất.

– Phát triển điện gió ngoài khơi.

– Phát triển nguồn điện gió ngoài khơi kết hợp hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) hoặc Diesel.

– Đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển.

Sau khi nghiên cứu, EVN cho hay nếu như đầu tư điện gió, mỗi kWh có giá thành là 6.016 đồng, khi tích hợp với hệ thống BESS sẽ đội giá lên là 7.476 đồng/kWh.

Trong khi đó, phương án đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển thì giá thành điện năng sẽ là 2.142 đồng/kWh, Điện lực Việt Nam cho biết.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ hơn 16.580 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022

Theo tính toán, chi phí đầu tư xây dựng dự án điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2025 – 2029 là 2,91 triệu USD/MW (trước VAT) và sau đó giảm về khoảng 2,71 triệu USD/MW kể từ năm 2030.

EVN cho biết kết quả so sánh các phương án chỉ ra việc đầu tư điện gió có giá thành điện năng cao hơn nhiều so với đầu tư tuyến cáp ngầm vượt biển.

Ngoài nhiệm vụ cấp điện, phương án này còn góp năng lực thông tin viễn thông cho huyện đảo thông qua việc tích hợp tuyến truyền dẫn cáp quang.

Về tiến độ hoàn thành, EVN cho rằng phụ thuộc vào thời tiết biển, nên có thể việc khảo sát tính bằng năm.

Do đó, Tập đoàn EVN kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, thông qua phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho Côn Đảo bằng tuyến đường dây 110kV kết hợp cáp ngầm vượt biển.

Trước đó, EVN có tờ trình về dự án với tổng mức đầu tư hơn 4.950 tỷ đồng. Do cấp điện từ hệ thống lưới điện quốc gia, giá bán điện sẽ được tính toán theo giá bình quân gia quyền cho các loại phụ tải, với mức 2.429,6 đồng/kWh.


Đức Minh

Tập đoàn EVN: Đề xuất gần 5.000 tỷ đồng kéo điện lưới ra Côn Đảo

Tập đoàn EVN đề xuất dự án cấp điện lưới ra Côn Đảo dự kiến gồm hơn 102 km đường dây 110kV với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 4.950 tỷ đồng.

Chia sẻ Facebook