Everything Everywhere All at Once: Khi mọi thứ dần trở nên vô nghĩa, hãy tử tế!

Chia sẻ Facebook
01/07/2022 01:40:34

Everything Everywhere All at Once: Khi mọi thứ dần trở nên vô nghĩa, hãy tử tế!


Hãng A24 luôn biết cách tạo nên những tựa phim độc đáo, nguyên bản, và Everything Everywhere All at Once (hay Mọi Thứ Mọi Nơi Cùng Một Lúc ) chính là đỉnh cao mới của màn ảnh Hollywood trong vài năm trở lại đây. Kể về nữ chính Evelyn (Dương Tử Quỳnh) - chủ một tiệm giặt ủi bỗng một ngày được khai sáng về đa vũ trụ, Everything Everywhere All at Once không chỉ là cuộc phiêu lưu "xuyên không" đơn thuần, mà đằng sau đó là cả một bức tranh muôn màu về cuộc sống, sự tồn tại và về chính bản thân mỗi chúng ta.

Thành Vũ


Rõ ràng có chung đề tài với Endgame hay Doctor Strange 2 , song Everything Everywhere All at Onc e lại chính là điểm sâu nhất của hành trình khai thác đa vũ trụ của màn ảnh Hollywood mà có lẽ về sau này sẽ không có tác phẩm nào vượt qua được.


"Cái bẫy" của đa vũ trụ


Trước hết, Everything Everywhere All at Once không phải là bộ phim đơn giản, ngược lại có thể được hiểu ở mọi khía cạnh kiến thức. Bất kì ai xem phim cũng sẽ bị hấp dẫn vì mọi vấn đề trong phim đều đủ sức nặng, đủ sâu sắc và đáng suy ngẫm.

Với người nghiên cứu triết học, phim tập trung khai thác chủ nghĩa hư vô (xem vạn vật là vô nghĩa), cũng là điều khiến cô bé Joy trở thành Jobu Tupaki. Với những ai nghiên cứu Phật giáo, phim gây ấn tượng với Chánh niệm, sự giác ngộ cao nhất mà nữ chính Evelyn có được ở đoạn kết. Phim cũng gần gũi với giới khoa học khi ẩn ý về hội chứng ADHD - rối loạn tăng động khiến một người không thể tập trung, bị "phân mảng" ý thức. Cuối cùng, phim còn mô tả rạch ròi về thuyết đa vũ trụ, về sự vô tận của không gian, thời gian và sự nhỏ bé của con người, của Trái Đất so với "ngoài kia".


Dễ thấy, Everything Everywhere All at Once đã tập hợp mọi khía cạnh, mọi hiệu ứng giác quan, mọi thể loại, mọi thứ vào trong một bộ phim, và để chúng diễn ra cùng một lúc nhưng không chồng chéo, gây mâu thuẫn. Nó cũng giống như quy luật của vũ trụ: vạn vật đều có nằm trong một quỹ đạo tuần hoàn, không có bắt đầu cũng không có kết thúc nhưng vẫn liên quan đến nhau mật thiết.

Thế nhưng suy cho cùng, phim vẫn quy về con người, về cách mà chúng ta biểu hiện và phản ứng với sự bao la, vô tận của vũ trụ - một bộ phim về sự lựa chọn. Liệu ta sẽ chấp nhận buông xuôi vì sau cùng, tất cả đều vô nghĩa? Hay ta sẽ sống cho hiện tại, bởi vì bất kì thứ gì, bất kì ai cũng đều đáng giá dù chỉ là chấm nhỏ trên "sa mạc" ngân hà?


May thay, Everything Everywhere All at Once có lời giải.


Để chiến thắng "cái bẫy" của vũ trụ, hãy tử tế


Everything Everywhere All at Once gợi mở hằng hà sa số những triết lý mà bất kì ai cũng có thể bắt gặp trong cuộc sống. Nhưng hiện tại hãy nói về cuộc sống của nữ chính Evelyn - một mẫu số điển hình của người châu Á theo đuổi giấc mơ Mỹ, để rồi bị thực tế đánh gục. Evelyn tự mình làm tất cả, để rồi tự tách mình khỏi những mối quan hệ với bố, người chồng Waymond và cô con gái Joy. Từ lâu ở Evelyn đã tồn tại cảm giác "bị đánh bại" hoàn toàn, cho đến khi chuỗi sự kiện đa vũ trụ và Jopu Tupaki xuất hiện.

Thực chất cuộc đời của Evelyn và Joy khá giống nhau. Cả hai đều lạc lõng, dần buông xuôi với thực tại và tiến đến chủ nghĩa hư vô - "chẳng còn gì quan trọng nữa". Evelyn đã suýt nữa trở thành như con gái mình, hướng đến chiếc bánh vòng để thoát khỏi "bể khổ". Thế nhưng ngay lúc Evelyn buông bỏ, một tia sáng đã xuất hiện. Tia sáng của sự tử tế.

Nhân vật Waymond của nam diễn viên gốc Việt Quan Kế Huy tỏa sáng

Thực chất chiến binh thực thụ của phim không chỉ có Evelyn, mà còn có Waymond. Một người chồng yếu ớt, loay hoay nhưng mang trong mình chiến lược không ai nghĩ tới: be kind (hãy tử tế). Thay vì dùng một "hố đen" để hút đi mọi buồn phiền trần thế như Joy, Waymond đã truyền cho Evelyn tình yêu và sự vị tha, rằng hi vọng vẫn luôn tồn tại. Ở mọi vũ trụ, dù cho Evelyn có trở thành kiểu người thế nào thì Waymond vẫn mang trong mình tình yêu, tinh thần tích cực và không bỏ cuộc. Nhờ vậy, Evelyn mới có thể thoát khỏi chủ nghĩa hư vô, dùng sự tử tế để "chữa lành" tất cả mọi người, bao gồm cả Joy.

Khoảnh khắc Evelyn dán con mắt nhựa mà Waymond hay dùng lên trán đã chứng tỏ cô đã đạt đến cảnh giới "giác ngộ", nhận ra mục đích thật sự của việc sống và tồn tại trong sự vô tận của vũ trụ.


Một bộ phim "đao to búa lớn", tầm vóc vũ trụ như Everything Everywhere All at Once sau cùng mang lại duy nhất 1 thông điệp đơn giản dành cho mọi khán giả: sự tử tế sẽ giúp giải thoát bản thân và những người xung quanh khỏi lầm than và khổ ải. Evelyn đã để Joy tự quyết định số phận của mình thay vì ép buộc, sau đó Joy đã chủ động bước ra từ hố đen.


Evelyn sau cùng tiếp thu toàn bộ các phiên bản của mình ở đa vũ trụ, chấp nhận những bản thể điên rồ nhất và tôn trọng chúng, thay vì cảm thấy tất cả đều vô nghĩa như Jopu Tupaki. Sự tử tế đã giúp Evelyn có thể ngồi ngay ngắn tại quầy khai thuế, cùng gia đình đắp xây lại hạnh phúc, giúp bản thân cô tốt hơn xưa rất nhiều.


Chấm điểm: 5/5


Everything Everywhere All at Once thực chất xứng đáng với một số điểm vô tận, khó lý giải và cụ thể hóa giống như vũ trụ bao la ngoài kia vậy. Phim có kinh phí chỉ 25 triệu USD nhưng đã trở thành tác phẩm đại diện cho thập kỷ, đạt đến tột đỉnh trong lý giải về vũ trụ và con người trong cuộc sống. Thế nhưng phim vẫn có chỗ cho tính giải trí với loạt cảnh hành động mãn nhãn, những chi tiết hài hước đến vô lý, hàng loạt màn phô diễn hình ảnh và âm thanh sống động, loá mắt và đã tai. Như vậy, Everything Everywhere All at Once mang đến nhiều sự lựa chọn cho khán giả, bỏ về vì quá khó hiểu và rắc rối, hay nán lại vì những tình tiết bông đùa gây sốc, hoặc chìm đắm trong những triết lý sâu cay và gần gũi bất ngờ.


Để rồi dù cho lựa chọn của bạn ra sao thì sau khi bước ra khỏi rạp, Everything Everywhere All at Once chắc chắn sẽ tác động đến bạn, bằng cách này hay cách khác. Vì cuộc sống là những lựa chọn, "quá khứ là lịch sử, còn ngày mai là một bí sử", phải lựa chọn thì bạn mới thật sự đang sống cho bây giờ.


Nguồn ảnh: Tổng hợp

Chia sẻ Facebook