Eurozone có thể thiệt hại hơn 71 tỷ USD vì rủi ro khí hậu

Chia sẻ Facebook
10/07/2022 11:37:45

Giá khí thải carbon tăng đột ngột cùng với những đợt lũ lụt và hạn hán trong năm nay có thể khiến các ngân hàng lớn nhất tại Eurozone thiệt hại hơn 71 tỷ USD.

Đây là cảnh báo do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra vào ngày 8/7.


ECB nhấn mạnh, ước tính trên được đưa ra thông qua một bài kiểm tra đầu tiên về các hậu quả của rủi ro khí hậu gây ra cho các thể chế tài chính. Tuy nhiên, con số thiệt hại thực tế của 41 ngân hàng tham gia đánh giá còn có thể cao hơn do bài kiểm tra mới chỉ chú trọng tới tín dụng và rủi ro thị trường mà không tính tới các tác động gián tiếp như suy thoái kinh tế.

Bài kiểm tra của ECB cũng chỉ ra rằng, hầu hết các ngân hàng thuộc Eurozone không có khung pháp lý để lập mô hình rủi ro khí hậu, cũng như thường không phải tính tới yếu tố này khi cấp các khoản vay mới.

Chủ tịch Ban Giám sát ECB, ông Andrea Enria, cho rằng, các ngân hàng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải gấp rút đánh giá và quản lý rủi ro khí hậu, thu hẹp chênh lệch dữ liệu hiện hành cũng như tiếp tục tuân thủ các quy tắc đang phát huy hiệu quả hiện nay.

Theo ECB, con số ước tính nói trên sẽ không tác động tới lượng vốn mà các ngân hàng cần có. Thay vào đó, ước tính sẽ chỉ cung cấp số liệu cho công tác giám sát của ECB từ quan điểm định tính.

(Ảnh: AP)


Hiện ngân hàng này cũng đang thực hiện một đánh giá riêng về sự tiến bộ của các ngân hàng trong việc lồng ghép những cảnh báo về rủi ro khí hậu và rủi ro môi trường vào hoạt động kinh doanh của họ. ECB kỳ vọng, các ngân hàng này có thể đạt được mục tiêu đề ra ít nhất là vào cuối năm 2024.

Năm 2021, Ngân hàng trung ương Pháp là ngân hàng đầu tiên trong các ngân hàng trung ương thực hiện bài đánh giá về khả năng chống chọi với các rủi ro khí hậu của các ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Hiện các ngân hàng và công ty trong nhiều lĩnh vực đang chịu áp lực ngày càng gia tăng khi những cổ đông cùng tổ chức hoạt động vì môi trường kêu gọi phải nhanh chóng hành động nhằm giảm lượng carbon thải ra trong các hoạt động của họ.

Thái Lan, Campuchia, Philippines, El Salvador và Pakistan là 5 quốc gia chịu tác động nhất từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2011.

Chia sẻ Facebook