EU nhất trí với những quy định mới quản lý các ông lớn công nghệ

Chia sẻ Facebook
26/03/2022 14:12:07

Sau phiên thảo luận kéo dài gần 8 giờ giữa các đại diện của Nghị viện và Hội đồng châu Âu, các nghị sĩ Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về các điều khoản nhằm hạn chế quyền lực của các nền tảng online lớn.

Bà Margrethe Vestager và ông Thierry Breton, hai quan chức hàng đầu của EU góp phần thúc đẩy Luật các thị trường số để quản lý các ông lớn công nghệ - Ảnh: AFP

Theo trang web của Nghị viện châu Âu, tối 24-3, các nghị sĩ EU đã nhất trí được các điều khoản mới trong Luật các thị trường số (Digital Markets Act - DMA) nhằm ngăn chặn các ông lớn công nghệ sử dụng những cách thức riêng để giành ưu thế trong thị trường số, thậm chí là độc quyền, từ đó đảm bảo cạnh tranh công bằng hơn và người dùng có thêm nhiều lựa chọn hơn.

Những điều khoản mới của DMA nhắm tới các công ty lớn đang cung cấp "các dịch vụ nền tảng lõi" có xu hướng thiên về những hoạt động kinh doanh không công bằng, như các mạng xã hội hay các công cụ tìm kiếm, có giá trị vốn hóa thị trường từ ít nhất 75 tỉ euro hoặc thu nhập hằng năm khoảng 7,5 tỉ euro.

Các công ty này cũng phải là những đơn vị cung cấp các dịch vụ cụ thể như công cụ trình duyệt, ứng dụng nhắn tin hay mạng xã hội có ít nhất 45 triệu người dùng mỗi tháng tại EU và 10.000 người dùng doanh nghiệp hằng năm.

Trong cuộc thảo luận kéo dài 8 tiếng đã nêu, các nghị sĩ EU nhất trí là các dịch vụ nhắn tin lớn như WhatsApp, Facebook Messenger hay iMessage phải cởi mở và hợp tác với các nền tảng nhắn tin nhỏ hơn nếu được yêu cầu như vậy.

Theo đó, người dùng các nền tảng nhắn tin online dù lớn hay nhỏ đều có thể trao đổi tin nhắn, gửi file hoặc gọi thoại video trên tất cả các ứng dụng nhắn tin, và theo đó có thêm nhiều lựa chọn.

Nghị viện châu Âu cũng sẽ đảm bảo việc thu thập dữ liệu cá nhân người dùng để phục vụ mục đích quảng cáo sẽ chỉ được thực hiện khi có sự cho phép rõ ràng từ người dùng. Cơ quan này cũng sẽ đưa vào yêu cầu buộc các hãng công nghệ phải cho phép người dùng được tự do lựa chọn trình duyệt, phần mềm trợ lý ảo hay công cụ tìm kiếm online.

Nếu các hãng công nghệ không tuân thủ quy định, Ủy ban châu Âu có thể áp mức phạt lên tới 10% tổng thu nhập toàn cầu của họ trong năm tài chính trước đó, và nâng mức phạt lên 20% trong trường hợp tái phạm. Nếu những sai phạm diễn ra một cách có hệ thống, Ủy ban châu Âu có thể cấm các ông lớn công nghệ thâu tóm các công ty khác trong một thời gian nhất định.

"Chúng tôi đã đạt được một điều chưa có tiền lệ, điều luật sẽ mở đường cho các thị trường số mở, công bằng, tự do cạnh tranh, để ai cũng có cơ hội công bằng để thành công", bà Margrethe Vestager, phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh, chia sẻ trên Twitter sau khi luật mới đạt được đồng thuận.


Báo New York Times nhận định với việc đạt được đồng thuận về luật mới này tại EU, có thể thấy trong thời gian tới, những hoạt động của các kho ứng dụng online, quảng cáo online, thương mại điện tử, dịch vụ nhắn tin và các công cụ số khác sẽ có thay đổi.

Quyết định thay đổi cài đặt quyền riêng tư trên điện thoại iPhone của Apple đã làm bốc hơi khoảng 9,85 tỉ USD doanh thu của Snapchat, Facebook, Twitter và YouTube.

Chia sẻ Facebook