EU nhất trí áp đặt lệnh cấm vận một phần đối với dầu mỏ Nga
Lần đầu tiên, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ áp lệnh cấm vận với dầu của Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, qua đó đánh dấu một bước tiến lớn trong cuộc chiến kinh tế với Moscow – vốn là yếu tố gây tác động trên thị trường toàn cầu.
EU nhất trí áp đặt lệnh cấm vận một phần đối với dầu mỏ Nga
Tuy nhiên, lệnh cấm vận này sẽ không bao gồm dầu được vận chuyển từ Nga thông qua đường ống dẫn – vốn chiếm 1/3 lượng dầu EU mua từ Nga. Các quan chức EU cho biết, lệnh cấm sẽ diễn ra theo từng giai đoạn và tới cuối năm 2022 sẽ cấm tới 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Các quan chức cấp cao của EU được cho là sẽ họp lại trong ngày 01/06 để ký lệnh cấm vận này, theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Bên cạnh việc cấm dầu từ Nga, EU còn gỡ bỏ 3 ngân hàng Nga - bao gồm cả Sberbank - ra khỏi hệ thống giao dịch tài chính Swift, áp lệnh cấm với 3 đài phát thanh - truyền hình Nga do Nhà nước sở hữu, đồng thời áp lệnh trừng phạt với các quan chức quân sự và các quan chức hàng đầu khác của Nga.
“Đã tiến tới thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu từ Nga”, ông Michel cho biết trên Twitter trong ngày 30/05 (giờ địa phương). “Thỏa thuận này bao gồm cấm hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga”.
Các nhà lãnh đạo Nga họp cả đêm để nhất trí về các điều khoản chung của lệnh cấm vận. Tuy nhiên, họ va phải sự phản đối kịch liệt từ các quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu thô từ Nga, nhất là Hungary. Vì lẽ đó, EU đồng ý cho Hungary, quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu thô của Nga, ngoại lệ với lệnh cấm dầu của khối.
Phát biểu với báo giới, bà von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói: “Tôi vui mừng khi các nhà lãnh đạo EU có thể nhất trí trên nguyên tắc đối với gói trừng phạt thứ 6 này. Điều đó rất quan trọng. EC giờ đây sẽ có thể hoàn tất một lệnh cấm tới 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga trước cuối năm nay. Đó là bước tiến quan trọng”.
Chủ tịch EC von der Leyen cho biết thêm 10% sản lượng dầu mỏ nhập khẩu còn lại là chảy ra hệ thống đường ống tại Hungary và Slovkia. Lượng nhập khẩu này được miễn trừ trừng phạt.
Ngoài ra, bà von der Leyen cho hay EU “đang thảo luận về một cơ chế để cấp gói viện trợ tài chính vĩ mô trị giá tới 9 tỷ euro cho Ukraine”. Các nhà lãnh đạo EU cũng xúc tiến các cuộc đàm phán sâu về việc tái thiết Ukraine. Bà von der Leyen nhấn mạnh sự phối hợp giữa các nước thành viên EU là cần thiết để thực hiện điều này.
Trong 2 tháng qua, các quan chức EU tích cực bàn luận về cách thức hạn chế nhập khẩu dầu từ Nga. Được biết, mỗi tháng, EU phải chi hàng chục tỷ USD để mua dầu từ nước này. Các lãnh đạo châu Âu tuyên bố rất muốn ngừng nguồn tài trợ cho Chính phủ Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào dầu khí Nga của nhiều nước EU đã ngăn cản các nỗ lực đó.
Triển vọng EU cấm dầu từ Nga, cùng với việc Trung Quốc nới lỏng phong tỏa đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong 2 tháng, với dầu Brent vượt 120 USD/thùng.
Trong khi đó, số liệu của các công ty phân tích năng lượng ngày 24/5 cho thấy số lượng dầu thô Urals của Nga xuất cảng biển đang tăng mạnh, giữa lúc EU thúc đẩy lệnh cấm vận dầu mỏ nước này.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu của công ty phân tích năng lượng Vortexa cho biết gần 62 triệu thùng dầu thô Urals hàng đầu của Nga, một khối lượng kỷ lục, đang lênh đênh trên các con tàu chở dầu trên biển. Khối lượng dầu thô Urals xuất cảng cao gấp ba lần mức trung bình được ghi nhận trước ngày 24/2, thời điểm Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
"Số liệu cho thấy xuất khẩu của Nga vẫn tương đối mạnh… Lượng dầu thô của Nga trên biển đang tiếp tục gia tăng", nhà chiến lược trong lĩnh vực năng lượng Clay Seigle ở Houston nói. Các khách hàng khác có lẽ ngoảnh mặt với nguồn dầu thô Nga do lo ngại các lệnh trừng phạt trong tương lai.
Vũ Hạo (Theo WSJ)