EU nên “thực dụng” hơn trong hợp tác với Trung Quốc
Trung Quốc và EU là đối tác chứ không phải đối thủ và “lợi ích chung vượt xa sự khác biệt”.
Trở về từ chuyến thăm hiếm hoi tới Mỹ, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã có cuộc hội đàm với ông Emmanuel Bonne, Cố vấn Đối ngoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại Bắc Kinh hôm 30/10.
Trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược Trung Quốc-Pháp lần thứ 24, hai bên đã thảo luận sâu về quan hệ Trung Quốc-Pháp, Trung Quốc-EU cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực.
Là các nước lớn độc lập, Trung Quốc và Pháp nên gánh vác trách nhiệm của mình, lấy sự đồng thuận giữa hai Nguyên thủ Quốc gia làm chỉ dẫn cơ bản và tuân thủ sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, trao đổi và học hỏi lẫn nhau, để xây dựng một chiến lược toàn diện. Quan hệ đối tác ổn định, cùng có lợi, dám nghĩ dám làm và năng động, Ngoại trưởng Vương Nghị nói.
Ông cho biết, mối quan hệ Trung Quốc-Pháp tích cực và năng động được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho mối quan hệ Trung Quốc-EU phát triển ổn định và bền vững vì sự đoàn kết và tiến bộ của cộng đồng quốc tế.
“Hy vọng rằng EU sẽ thực hiện hợp tác với Trung Quốc một cách thực dụng và hợp lý hơn, tránh sự can thiệp từ bên ngoài, luôn cởi mở với nhau và thúc đẩy sự phát triển ổn định của quan hệ song phương”, nhà ngoại giao hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết.
Đáp lại, cố vấn của Tổng thống Pháp cho biết Pháp rất chú trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, coi trọng vị thế và vai trò của Trung Quốc trên thế giới, tin tưởng vào nền kinh tế Trung Quốc và không có ý định hạn chế sự phát triển của Trung Quốc. Paris cũng cam kết thúc đẩy hợp tác EU-Trung Quốc. EU và Trung Quốc có thể tăng cường phối hợp trong các vấn đề điểm nóng quốc tế và cho thế giới thấy rằng cả hai bên có thể cùng đóng một vai trò quan trọng.
Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trong EU vào năm 2022, với tổng kim ngạch thương mại là 72,74 tỷ euro, chiếm 8,5% khối lượng thương mại Trung Quốc-EU.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Pháp sau EU và Mỹ, nhưng các công ty Pháp và EU đang ngày càng lo ngại rằng họ có thể bị cuốn vào làn sóng cạnh tranh ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh .
Minh Đức (Theo Reuters, CGTN)