EU, Mỹ tăng thêm trừng phạt, Nga hoan nghênh kết quả trưng cầu dân ý
Đề xuất vòng trừng phạt mới của EU vẫn “để lọt” một mặt hàng, trong khi Thượng viện Nga có thể xem xét sự gia nhập của các vùng lãnh thổ mới vào ngày 4/10 tới.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 28/9 đã đề xuất một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga để phản ứng với các cuộc trưng cầu dân ý ở 4 khu vực ly khai Ukraine.
Nói với các phóng viên ở Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, gói trừng phạt này được thiết kế để “khiến Điện Kremlin phải trả giá” vì làm leo thang xung đột với cái mà bà gọi là những cuộc bỏ phiếu “giả tạo” trên các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine.
Theo đề xuất trừng phạt mới nhất của EC mà tờ Politico.eu nhìn thấy, EU đang nhắm đến việc cấm nhập khẩu một số sản phẩm thép từ Nga và các mặt hàng được coi là tạo ra thu nhập đáng kể cho Moscow, bao gồm các sản phẩm làm đẹp, trang điểm, các loại kem dưỡng trước và sau khi cạo râu, mỹ phẩm khử mùi cơ thể, cũng như xà phòng và giấy vệ sinh.
Đề xuất cấm nhập khẩu các mặt hàng như vậy từ Nga dự kiến sẽ tước đi thêm 7 tỷ Euro (6,7 tỷ USD) doanh thu của Moscow.
Tuy nhiên, theo Politico, một mặt hàng vẫn bị loại khỏi danh sách trừng phạt lần này là kim cương Nga, điều sẽ khiến Bỉ và ngành công nghiệp kim cương phát triển mạnh mẽ của nước này hài lòng.
Thay vào đó, EC muốn cấm nhập khẩu “một số nguyên liệu được sử dụng trong ngành công nghiệp đồ trang sức như đá và kim loại quý”. Cơ quan điều hành EU cũng muốn trừng phạt Alrosa, công ty khai thác kim cương lớn nhất của Nga.
Lần này, EC cũng đề xuất áp trần giá dầu Nga, vốn trước đó đã được các nước G7 đồng ý. Ngoài ra, gói trừng phạt này cũng đề xuất cấm xuất khẩu đối với công nghệ quan trọng được sử dụng cho quân đội như linh kiện hàng không, linh kiện điện tử, các chất hóa học cụ thể, chip bán dẫn... cũng như cấm cung cấp các dịch vụ kiến trúc - kỹ thuật, tư vấn pháp lý và tư vấn CNTT cho các công ty và người dân ở Nga hoặc chính phủ Nga.
Gần 30 cá nhân và 8 công ty Nga cũng nằm trong diện bị đề xuất trừng phạt, bao gồm nhà chiến lược và triết học cánh hữu Alexander Dugin và ca sĩ Nikolay Rastorguyev, cũng như ông Alan Lushnikov - cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất vũ khí Kalashnikov.
Đề xuất trừng phạt vẫn cần phải nhận được sự ủng hộ của 27 quốc gia thành viên EU thì mới có thể được thông qua.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2, EU đã thực hiện nhiều vòng trừng phạt nhắm vào các cá nhân, thực thể, hàng xuất khẩu, công nghệ và lĩnh vực ngân hàng của Nga, cũng như lệnh cấm vận đối với hầu hết các hoạt động xuất khẩu dầu và than từ Nga.
Trong một diễn biến tương tự, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 28/9 cho biết, Mỹ sẽ áp thêm trừng phạt “trong những ngày tới” để gây áp lực lớn hơn nữa đối với Nga cũng như các cá nhân và thực thể đang hỗ trợ nỗ lực của Moscow nhằm sáp nhập các vùng lãnh thổ ly khai - chiếm khoảng 15% diện tích Ukraine.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố, Mỹ sẽ không công nhận các khu vực do Nga sáp nhập.
Trước đó, tối hôm 27/9, giới chức chính quyền địa phương do Điện Kremlin bổ nhiệm ở các khu vực Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk, đã tuyên bố chiến thắng trong các cuộc trưng cầu dân ý. Họ cho biết thêm rằng tỉ lệ phiếu bầu ủng hộ việc gia nhập Nga ở 4 tỉnh dao động từ 87% đến 99,2%.
Kết quả đã được hoan nghênh ở Nga khi bà Valentina Matviyenko, người đứng đầu Thượng viện Nga, cho biết họ có thể xem xét việc gia nhập Liên bang Nga của các vùng lãnh thổ trên vào ngày 4/10 tới. Còn cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người đồng thời là một đồng minh của ông Putin, cho biết trên Telegram: “Kết quả đã rõ ràng. Chào mừng trở về nhà, về với Nga”! .
Minh Đức (Theo Reuters, Politico.eu)