EU muốn dùng tài sản tịch thu của Nga để tái thiết Ukraine
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) bà Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách sử dụng tài sản bị đóng băng của giới tài phiệt Nga cho Quỹ tái thiết Ukraine sau chiến tranh.
Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình ZDF ngày 19-5, bà nói: "Các luật sư của chúng tôi đang nỗ lực làm việc để tìm ra các khả năng có thể sử dụng tài sản bị đóng băng của giới tài phiệt Nga cho việc tái thiết Ukraine. Tôi nghĩ Nga cũng nên có sự đóng góp của họ".
Bà Von der Leyen cho biết bà ủng hộ việc kết hợp quá trình tái thiết lâu dài của Ukraine với những cải cách cần thiết để nước này gia nhập Liên minh châu Âu.
"Chúng tôi sẽ phải tài trợ đồng thời việc tái thiết Ukraine (và cải cách chính sách). Việc cải cách - như chống tham nhũng hoặc xây dựng các điều khoản luật pháp, diễn ra đồng thời là hợp lý", bà nói.
Theo bà Von der Leyen, có nhiều tiêu chuẩn Ukraine cần phải đáp ứng nếu muốn trở thành thành viên của EU. Theo Hãng tin Reuters, một số tiêu chuẩn liên quan đến pháp luật, kinh tế và chính trị.
"Quá trình gia nhập (EU) phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng cử viên hành xử và những gì họ làm. Việc Ukraine muốn gia nhập EU bằng bất cứ giá nào có nghĩa là nước này có động lực rất lớn để thực hiện các cải cách cần thiết", bà nói.
Việc tịch thu tài sản của các tài phiệt Nga hoặc chính quyền Nga và trưng dụng chúng để tái thiết Ukraine không phải là vấn đề pháp lý đơn giản ở các nước. Ngày 18-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng pháp luật Mỹ không cho phép việc thu giữ tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga.
Bà xác nhận xung đột quân sự đang tàn phá Ukraine và quốc gia này sẽ cần số tiền khổng lồ để tái thiết. Dù phương Tây sẽ muốn yêu cầu Nga chịu trách nhiệm một phần nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng "sẽ là không hợp pháp nếu Chính phủ Mỹ thu giữ tài sản bị đóng băng của Nga. Đó không phải là điều mà pháp luật ở Mỹ cho phép".
Hơn thế, bà Yellen cho rằng biện pháp này có thể tạo ra tiền lệ xấu và làm xói mòn lòng tin của các quốc gia khác trong việc lưu giữ tài sản của ngân hàng trung ương của họ tại Mỹ.
Nhiều quan chức châu Âu đang vận động để EU, Mỹ và các đồng minh tịch thu một khoản nào đó trong số tài sản ngoại tệ trị giá 300 tỉ USD của Ngân hàng Trung ương Nga. Số tài sản này hiện đang bị đóng băng do các lệnh trừng phạt. Mặc dù được lưu giữ ở nước ngoài, các tài sản này thuộc quyền sở hữu của Nga.
Liên minh châu Âu (EU) đưa thêm 146 thượng nghị sĩ và 14 tài phiệt của Nga vào danh sách trừng phạt. Tuy nhiên châu Âu vẫn chia rẽ về thời gian ngừng nhập năng lượng hóa thạch từ Nga.