EU mang thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
07/12/2023 03:52:40

Các nhà lãnh đạo hàng đầu EU sẽ tìm cách trấn an các nhà lãnh đạo Trung Quốc về kế hoạch giảm thiểu rủi ro của khối này.


Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sẽ tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) vào ngày 7/12.


Theo Bloomberg, trong Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên với Trung Quốc sau 4 năm, các nhà lãnh đạo hàng đầu EU sẽ gửi một thông điệp cứng rắn: Không còn nhiều thời gian để Bắc Kinh giải quyết những bất đồng về kinh tế trước khi khối 27 quốc gia này buộc phải phản ứng.


Tất nhiên thương mại EU-Trung Quốc sẽ đứng đầu chương trình nghị sự. EU dự kiến rằng Bắc Kinh sẽ nêu lên mối quan ngại về cuộc điều tra chống trợ cấp đang diễn ra đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc trên thị trường châu Âu và chiến lược an ninh kinh tế của khối.


Thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc đã tăng lên hơn 400 tỷ USD vào năm ngoái và khối này mong muốn tiếp tục cách tiếp cận chiến lược coi Bắc Kinh là đối tác và đối thủ.


Vấn đề này có tầm quan trọng đặc biệt đối với EU, vốn coi Bắc Kinh là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất và đặc biệt đối với Đức, quốc gia mà Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho các nhà sản xuất ô tô bao gồm cả Volkswagen.


Ngoài ra, Brussels cũng sẽ yêu cầu nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn Moscow lách các lệnh trừng phạt khi Trung Quốc bị nghi ngờ là con đường chính để các công nghệ bị cấm và hàng hóa lưỡng dụng vào Nga.


Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu không trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg, còn Hội đồng châu Âu từ chối bình luận.

Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc qua liên kết video, ngày 22/6/2020, đầu cầu Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua


Bà Von der Leyen và ông Michel sẽ tìm cách trấn an các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng kế hoạch giảm thiểu rủi ro của EU là nhằm giảm sự phụ thuộc vào các ngành như dược phẩm, điện tử và quốc phòng.


Đó là một quyết định khó khăn vì nó cũng có nghĩa là không khuyến khích đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng trên lục địa, nhưng nó làm giảm khả năng bí quyết và công nghệ tiên tiến của châu Âu bị các đối thủ sử dụng cho mục đích quân sự.


Xét về nguồn cung trong các lĩnh vực đó, lượng nhập khẩu của EU từ Trung Quốc lên tới 90%. Bắc Kinh gần đây đã hạn chế xuất khẩu gallium, germanium và một phần than chì vì lý do an ninh.


Hai vị quan chức cấp cao của EU sẽ nhắc lại rằng ngoài việc nỗ lực nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực quan trọng, EU đã xác định danh sách các công nghệ nhạy cảm có thể bị kiểm soát trong tương lai.


Về phần mình, Trung Quốc đã cởi mở hơn trong việc đối thoại với khối, không muốn làm ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ kinh tế quan trọng trị giá 900 tỷ USD.


Trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm 4/12 với các Đặc phái viên Ngoại giao EU tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) cho biết chính sách của Trung Quốc đối với châu Âu vẫn ổn định.


Bắc Kinh hy vọng sẽ tăng cường quan hệ với Brussels tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, với sự tập trung vững chắc vào hợp tác thực tế trước những tình huống phức tạp và thách thức nghiêm trọng, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã (Xinhua) dẫn lời ông Vương cho biết.


“Trung Quốc và EU không hoàn toàn giống nhau về quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực, và chỉ bằng cách tuân thủ liên lạc và phối hợp, chúng ta mới có thể đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định thế giới và giải quyết các thách thức toàn cầu”, Ngoại trưởng Vương nói .


Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)

Chia sẻ Facebook