EU kiện Trung Quốc 2 vụ tại WTO
Sau khi hai tranh chấp thương mại với Trung Quốc không được giải quyết thông qua các kênh song phương, EU đã thực hiện bước tiếp theo.
Sau khi hai tranh chấp thương mại với Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) không được giải quyết thông qua các kênh song phương, Liên minh Châu Âu (EU) đã thực hiện bước tiếp theo. EU đã kiện ĐCSTQ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các hạn chế thương mại trả đũa đối với Litva. Ngoài ra, EU cũng kiện Trung Quốc vì đã hạn chế khả năng của những người nắm giữ bằng sáng chế công nghệ cao của EU trong việc tìm kiếm sự bảo vệ tài sản trí tuệ của họ tại các tòa án nước ngoài.
Ủy ban châu Âu đã đưa ra một tuyên bố vào thứ Tư (ngày 7/12) nói rằng EU đã yêu cầu thành lập hai nhóm trọng tài chuyên gia tại WTO để giải quyết các tranh chấp giữa EU và ĐCSTQ.
EU đã nộp đơn khiếu nại không quá chính thức lên WTO vào đầu năm nay về hai vấn đề, yêu cầu tiến hành trao đổi kỹ lưỡng với Bắc Kinh tại WTO về những gì EU coi là cách làm thương mại mang tính phân biệt đối xử, nhưng không có kết quả khả quan. Ủy ban châu Âu, cơ quan giám sát các chính sách thương mại của 27 quốc gia thành viên, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng trong cả hai trường hợp, các biện pháp của Trung Quốc đã gây ra “tổn hại vô cùng lớn” cho các công ty châu Âu. Ngoài ra, các biện pháp phân biệt đối xử của Trung Quốc đối với Litva đã ảnh hưởng đến thương mại, chuỗi cung ứng, và hoạt động của thị trường nội khối EU, bao gồm cả việc buộc phải điều chỉnh thị trường. Loại bỏ các biện pháp này là vì lợi ích kinh tế và chiến lược của EU.
ĐCSTQ thực hiện phân biệt đối xử thương mại với Litva
Vào tháng 11/2021, Litva trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép Đài Loan thành lập văn phòng đại diện tại quốc gia này với tên gọi “Đài Loan “, khiến ĐCSTQ vô cùng tức giận. Sau đó, ĐCSTQ đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva và áp đặt các hạn chế thương mại nghiêm trọng đối với Litva, bao gồm cả việc hải quan của ĐCSTQ từ chối thông quan hàng hóa của Litva và gây áp lực lên các công ty EU yêu cầu hàng xuất khẩu của họ sang Trung Quốc không chứa các thành phần, linh kiện của Litva.
Trong một tuyên bố hôm thứ Tư, EU cho biết kể từ tháng 12/2021, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế và phân biệt đối xử đối với hàng xuất khẩu từ Litva và các sản phẩm của EU có chứa các thành phần của Litva.
Tuyên bố cũng đề cập đến việc Trung Quốc (ĐCSTQ) bất ngờ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu toàn diện đối với rượu, thịt bò, các sản phẩm từ sữa, gỗ tròn và than bùn từ Litva với lý do kiểm dịch thực vật. Khi được yêu cầu giải thích thêm, phía Trung Quốc đã không chứng minh các lệnh cấm là hợp lý. Thống kê của Hải quan ĐCSTQ cho thấy từ tháng 1 đến tháng 10/2022, thương mại từ Litva sang Trung Quốc đã giảm 80% so với năm trước.
“Bằng cách kêu gọi thành lập hội đồng trọng tài của WTO, EU đang bảo vệ các quốc gia thành viên của mình khỏi các biện pháp phân biệt đối xử của phía Trung Quốc mà EU cho rằng vi phạm các quy tắc của WTO,”
EU cho biết.
Bộ Thương mại ĐCSTQ cho biết họ lấy làm tiếc về quyết định của EU. Trong một tuyên bố, phía Trung Quốc nói họ sẽ xử lý vấn đề theo thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO và sẽ “kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình” .
ĐCSTQ sử dụng ‘lệnh cấm phản tố’ để tước đoạt quyền lợi bảo vệ bằng sáng chế của các công ty châu Âu
Một vụ kiện khác của EU đối với Trung Quốc là nhắm vào việc ĐCSTQ hạn chế năng lực của những người nắm giữ bằng sáng chế công nghệ cao của EU trong việc khởi kiện bên ngoài Trung Quốc để bảo vệ tài sản trí tuệ của họ.
EU cho biết trong một tuyên bố rằng bắt đầu từ tháng 8/2020, các tòa án Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành phán quyết “lệnh cấm phản tố”, ngăn cản các công ty có bằng sáng chế công nghệ cao bảo vệ một cách hiệu quả công nghệ của họ tại các tòa án không phải của Trung Quốc, bao gồm cả tòa án EU. Những “lệnh cấm phản tố” này hạn chế một cách quá mức khả năng của những người nắm giữ bằng sáng chế công nghệ cao. Ví dụ, một công ty châu Âu có công nghệ điện thoại di động, không cách nào đến tòa án của EU để giải quyết tranh chấp có thể (ví dụ, với một nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc) về các điều kiện cấp phép bằng sáng chế. Việc vi phạm các “lệnh cấm phản tố” này của tòa án của ĐCSTQ có thể dẫn đến khoản phạt lên tới 130.000 euro mỗi ngày.
EU cho biết các công ty châu Âu nắm giữ một số lượng lớn bằng sáng chế công nghệ cao mang lại lợi thế về công nghệ cho khối này. Các biện pháp của ĐCSTQ đã tước đi khả năng thực hiện và thực thi các quyền bằng sáng chế của các công ty công nghệ cao châu Âu tại EU hoặc tại bất kỳ tòa án nào khác bên ngoài Trung Quốc.
EU cũng nói rằng “Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu sẽ quyết định” nếu đó là vấn đề về quyền sáng chế của EU. Trong trường hợp của các nhà sản xuất Trung Quốc, họ sử dụng các lệnh cấm phản tố này để gây áp lực lên những người nắm giữ bằng sáng chế để có được quyền tiếp cận công nghệ châu Âu với giá rẻ hơn.
“EU cho rằng các biện pháp của Trung Quốc không phù hợp với Hiệp định của WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Thông qua các lệnh cấm phản tố này, Trung Quốc (ĐCSTQ) đơn phương áp đặt các quy tắc vì lợi ích của chính các công ty của mình, làm suy yếu hệ thống đa phương của WTO trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bằng cách yêu cầu thành lập hội đồng chuyên gia của WTO trong trường hợp này, EU tìm cách đảm bảo rằng các ngành công nghiệp công nghệ cao của mình có thể thực hiện hiệu quả các quyền bằng sáng chế của họ để bảo vệ đầu tư vào đổi mới,”
EU cho biết.
EU cho biết trình tự tố tụng có thể kéo dài tới 18 tháng.
Theo Trương Đình, Epoch Times
Cứ điểm cuối cùng của Bitcoin
Trong bối cảnh sụp đổ lan tỏa trên thị trường tiền số sau cú sập đầy kịch tính của đế chế FTX, chúng ta hãy thử nhìn lại vị trí của Bitcoin.