EU đối mặt nguy cơ khủng hoảng khí đốt vào mùa Đông
IEA cảnh báo các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể phải đối mặt với một mùa Đông rất khó khăn nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt còn lại cho châu Âu.
Các nước thành viên EU sẽ phải đối mặt với khả năng thiếu hụt khí đốt trong trường hợp mùa đông năm nay lạnh giá và việc cung cấp khí đốt từ Nga tiếp tục giảm. Đây là cảnh báo mà Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra mới đây.
Báo cáo mới nhất của IEA cho biết, ngay cả khi các kho chứa khí đốt của EU được lấp đầy gần 100% công suất từ giữa tháng 9 thì cũng “không có gì đảm bảo” rằng châu Âu sẽ tránh được những căng thẳng thị trường trong tương lai.
Cảnh báo của IEA nhấn mạnh sự gián đoạn tiềm ẩn từ một cuộc xung đột năng lượng mới với Nga, dù giá khí đốt đã giảm mạnh kể từ tháng 12/2022.
“Các mô phỏng của chúng tôi cho thấy một mùa Đông lạnh giá, cùng với việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt hiện tại cho EU nhiều khả năng sẽ gây ra đợt biến động mới về giá trên thị trường năng lượng”, IEA nêu rõ trong báo cáo thị trường khí đốt hàng năm được công bố ngày 17/7.
Báo cáo nhấn mạnh, sự sụt giảm mạnh gần 80 tỷ m3 (bcm) trong hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga tới EU, tương đương 15% thương mại LNG toàn cầu, đã gây ra "áp lực chưa từng có" đối với thị trường khí đốt thế giới vào năm 2022.
Cú sốc nguồn cung khí đốt đã dẫn đến việc cấu hình lại các dòng LNG toàn cầu, đẩy giá khí tự nhiên hóa lỏng lên mức cao nhất mọi thời đại và đòi hỏi phải điều chỉnh lại nhu cầu sử dụng. Mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên toàn cầu ước tính giảm khoảng 1,5% vào năm 2022, tương tự như mức giảm vào năm 2020 sau đợt phong tỏa đầu tiên do dịch Covid-19 .
Theo báo cáo, một mùa đông lạnh giá có thể làm tăng nhu cầu khí đốt tự nhiên trong các khu dân cư và thương mại của EU thêm 30 bcm so với mùa sưởi ấm 2022 - 2023.
"Với những bất ổn về địa chính trị, không thể loại trừ sự sụt giảm hơn nữa trong việc cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga tới Liên minh châu Âu. Nếu nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga ngừng hoàn toàn từ ngày 1/10/2023, điều đó sẽ dẫn đến mức thiếu hụt tổng cộng 10 bcm", IEA cho biết.
Các nước EU đã giảm lượng lớn khí đốt nhập khẩu từ Moscow kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự hồi tháng 2/2022. Nga hiện vẫn cung cấp khoảng 10% lượng khí đốt nhập khẩu của EU, phần lớn được cung cấp dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Theo Cơ sở hạ tầng khí châu Âu (GIE), các kho dự trữ khí đốt ở EU hiện đạt trên 80% công suất, cao hơn gần 20% so với mức trung bình trong 5 năm trước đó.
Các nhà phân tích đã kỳ vọng các địa điểm lưu trữ (có thể chứa khoảng 100 tỷ mét khối khí đốt) sẽ đạt 90% trước tháng 11 theo mục tiêu chính thức của EU.
Tuy nhiên, trong một kịch bản có sự kết hợp của mùa Đông lạnh giá, đường ống dẫn khí đốt của Nga ngừng hoạt động hoàn toàn và lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẵn có thấp, IEA cho biết kho chứa khí đốt của EU có thể dự trữ chỉ 20% vào tháng 4/2024, một mức sẽ đe dọa gián đoạn nguồn cung.
Các kho dự trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu đang ở mức cao và có thể được lấp đầy sớm hơn kế hoạch. Điều này gia tăng kỳ vọng rằng cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái sẽ không lặp lại. Các kho dự trữ cũng tăng lên, tạo thêm niềm tin cho các chính phủ trước mùa đông. Tính đến ngày 12/7, các kho chứa khí đốt trên khắp EU đã đầy 80,3%.
Theo Morgan Stanley, EU đã đặt mục tiêu đạt được 90% kho chứa khí đốt đầy đủ vào ngày 1/11. Họ không chỉ đạt được mục tiêu đó trước thời hạn mà còn có thể lấp đầy các bể chứa tới 100% vào đầu tháng 9.
Giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn hiện chỉ bằng 1/10 so với mức kỷ lục vào mùa hè năm ngoái khi Nga cắt giảm nguồn cung đường ống dẫn tới châu Âu.
Tuy nhiên, biến động vẫn có thể xảy ra do giá và nhu cầu khí đốt trước và trong mùa Đông sắp tới sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của EU: thời tiết và sản lượng của các nguồn năng lượng tái tạo vốn phụ thuộc thời tiết.
Trong năm 2022, nhờ thời tiết mùa Đông ôn hòa hơn nên mức tiêu thụ khí đốt của EU giảm. Nhu cầu tiêu thụ trong công nghiệp cũng giảm vì chi phí đắt đỏ. Châu Âu đã vượt qua mùa đông 2022/2023 mà không xảy ra tình trạng thiếu khí đốt hoặc phải áp định mức khí đốt.
Trong mùa Đông 2023/2024, châu Âu chỉ có thể đặt hy vọng vào thời tiết ôn hòa hơn mà không có nhiều đợt lạnh kéo dài dẫn đến tăng vọt nhu cầu năng lượng để sưởi ấm và phát điện.
Minh Hoa (t/h theo VTV, Kinh tế & Đô thị)