EU đạt được thỏa thuận về quy định tiền điện tử, CBDC sẽ thắng thế?

Chia sẻ Facebook
03/07/2022 16:17:37

Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được thoả thuận liên quan đến siết quy định về tiền điện tử và stablecoin, bên cạnh việc CBDC được dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng hệ thống tiền tệ tương lai.


Quy định được thiết lập

Theo thông tin từ Bloomberg, Nghị viện và Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận tạm thời (TFR), để buộc các nhà cung cấp tiền điện tử phải cung cấp thông tin nhận dạng về tất cả các giao dịch tài sản kỹ thuật số. Mặc dù trước đó, hơn 40 công ty tiền điện tử đã gửi thư cho các Bộ trưởng Bộ Tài chính của EU vào tháng 4 để phản đối quy tắc này, với quan điểm rằng nó vi phạm quyền riêng tư và an toàn của người dùng.


Quy định này nhằm tìm cách tăng cường các yêu cầu chống rửa tiền để đảm bảo rằng, các giao dịch chuyển tiền điện tử luôn có thể được truy vết và các giao dịch đáng ngờ sẽ bị chặn. Điều đó cũng đồng nghĩa là các sàn giao dịch phải lấy thông tin và dữ liệu cá nhân người dùng trên tất cả các giao dịch chuyển tiền điện tử bất kể quy mô và cung cấp thông tin đó cho các cơ quan chức năng nếu được yêu cầu.

Vào ngày 30/6, Nghị viện, Hội đồng và Ủy ban Châu Âu cũng tổ chức vòng đàm phán cuối cùng về Quy định Thị trường Tài sản Tiền điện tử (MiCA) của khối để loại bỏ bất kỳ vướng mắc cuối cùng nào.

Ernest Urtasun, một báo cáo viên của TFR, người có mặt trong cuộc tranh luận ngày 29/6 cho biết, hai quá trình này đan xen vào nhau khi EU đang tìm cách thực hiện các phán quyết của mình về tiền điện tử, có nghĩa là một số định nghĩa nhất định được sử dụng trong TFR sẽ không được áp dụng tại MiCA. “Chúng tôi sẽ chấm dứt tình trạng ẩn danh của các giao dịch tiền điện tử, vốn là một lỗ hổng lớn khi nói đến cuộc chiến chống rửa tiền và tội phạm”, ông nói.

Các cuộc thảo luận xung quanh MiCA và TFR đã diễn ra trong vài năm, với các công ty tiền điện tử ở các khu vực pháp lý khác như Vương quốc Anh đang thúc đẩy nhiều cách tiếp cận hơn để ban hành quy tắc.

Stefan Berger, thành viên của Nghị viện châu Âu và báo cáo viên cho quy định MiCA – người được chỉ định để báo cáo về các thủ tục liên quan đến dự luật đã đưa tin trên Twitter rằng, một thỏa thuận về sự “cân bằng” đã được thực hiện, điều này khiến EU trở thành châu lục đầu tiên có quy định về tài sản tiền điện tử.


Siết quản lý stablecoin

Cũng trong thời điểm này, trưởng đại diện của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) Châu Á Siddharth Tiwari đánh giá, sự sụp đổ gần đây về giá trị của stablecoin cho thấy chúng không phù hợp với tư cách là một dạng tiền. Những nỗ lực cõng giá trị từ tiền của các ngân hàng trung ương phát hành đã không mang lại cho chúng sự ổn định như tên gọi.

Quy định của MiCA nhằm mục đích bảo vệ người dùng bằng cách yêu cầu các nhà phát hành stablecoin xây dựng một lượng tài sản dự trữ đủ thanh khoản

“Các sự kiện lùm xùm vừa qua cho thấy stablecoin không đạt được hiệu ứng đầy đủ mà chúng ta thường mong đợi về một loại tiền kỹ thuật số ổn định, nhưng sự đổi mới mà họ mang lại rất quan trọng đối với chúng tôi và có thể hữu ích cho việc thiết kế các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương”, vị trưởng đại diện bày tỏ.

Có thể thấy, stablecoin khác với các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum ở chỗ giá trị của chúng được gắn với một tài sản khác, thường là tiền tệ fiat hoặc hàng hóa khiến chúng không bị biến động giá. Tuy nhiên, trong trường hợp stablecoin thuật toán như TerraUSD, liên kết với giá trị của tài sản cơ bản bị sụp đổ gần đây đã chứng minh sự mong manh về gía trị.

Về lý thuyết, TerraUSD (UST) được thiết kế để giữ tỷ lệ 1:1với USD bằng cách có thể chuyển đổi thành Luna trị giá 1 USD và ngược lại, thông qua một liên kết thuật toán với đồng Luna, tuy nhiên đồng tiền này cũng bị rơi tự do hàng nghìn lần giá trị và không được bảo đảm bằng bất kỳ tài sản nào trong thế giới thực. Trong khi đó, các stablecoin được hỗ trợ bởi các tài sản thực như Tether (USDT) và USD Coin (USDC), có giá trị được chốt 1:1 với dự trữ đô la Mỹ không bị ảnh hưởng.

Do đó, quy định của MiCA nhằm mục đích bảo vệ người dùng bằng cách yêu cầu các nhà phát hành stablecoin xây dựng một lượng tài sản dự trữ đủ thanh khoản. Trong một bài đăng trên Twitter, Ernest Urtasun, một thành viên của Nghị viện Châu Âu giải thích rằng, các khoản tài sản dự trữ sẽ phải được tách biệt và cách ly về mặt pháp lý và vận hành, đồng thời phải được bảo vệ đầy đủ trong trường hợp mất khả năng thanh toán. Giới hạn đối với các stablecoin là 200 triệu Euro trong các giao dịch mỗi ngày. “MiCA cũng sẽ quản lý tất cả những hình thức lạm dụng thị trường liên quan đến bất kỳ loại giao dịch hoặc dịch vụ nào, đặc biệt là hành vi thao túng thị trường và giao dịch nội gián”.

Các nhà cung cấp dịch vụ tài sản tiền điện tử sẽ phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt nhằm bảo vệ người dùng và cũng có thể phải chịu trách nhiệm nếu họ làm mất tài sản tiền điện tử của nhà đầu tư.


CBDC sẽ chiếm ưu thế...

Trao đổi với SCMP, ông Siddharth Tiwari đã đưa ra quan điểm của mình về tình trạng của thị trường tiền điện tử, được nêu trong báo cáo kinh tế hàng năm của BIS đã công bố tuần trước. Báo cáo dự đoán các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) sẽ tạo thành một kế hoạch quan trọng của hệ thống tiền tệ trong tương lai. Nhiều sáng kiến nghiên cứu khác nhau đang được tiến hành tại các ngân hàng trung ương khi họ chạy đua để phát triển các loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền của riêng mình.

Các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) sẽ tạo thành một kế hoạch quan trọng của hệ thống tiền tệ trong tương lai

Đáng chú ý là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã có vị trí dẫn đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về việc triển khai. Định chế này đã tham gia cùng các ngân hàng trung ương của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thái Lan và Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) trong việc phát triển một nền tảng đa quốc gia có tên “mBridge” (cầu tiền tệ).

“Hiện Trung tâm đổi mới BIS đang làm việc trên các nguyên mẫu tương tự do các ngân hàng trung ương của Singapore, Malaysia, Úc và Nam Phi xây dựng. Lý tưởng nhất là chúng tôi muốn có một nền tảng chung, nơi các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể tương tác và giao dịch, nhưng chúng tôi chưa ở giai đoạn đó.

Các ngân hàng trung ương có vị thế tốt hơn để cung cấp cốt lõi của hệ thống tiền tệ tương lai, với vai trò cơ bản của họ trong việc đảm bảo tính cuối cùng của các khoản thanh toán, bằng cách sử dụng bảng cân đối kế toán của họ như một trung gian đáng tin cậy”, ông Tiwari cho biết.

Tiwari, người sẽ rời tổ chức tài chính đa phương vào tháng 8 tới đây sau hơn ba năm đảm nhiệm công việc này cũng nhận xét về những thách thức mà người kế nhiệm phải đối mặt. “Những thách thức mà BIS phải đối mặt là làm thế nào để giúp các quốc gia thị trường mới nổi ở châu Á có thể đối phó với tình trạng lạm phát cao trong chu kỳ tài chính mà chúng ta đang ở, với nợ cao và lỗ hổng gia tăng”, ông nói.

Mặc dù vẫn chưa quyết định về bước đi tiếp theo trong sự nghiệp của mình, nhưng ông cho biết mối quan tâm sâu sắc trong việc xây dựng kiến trúc tài chính sẽ vẫn là trọng tâm và sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số và quản trị để sử dụng dữ liệu.

Ví dụ, HKMA đang tung ra một sàn giao dịch dữ liệu thương mại, một nền tảng cho phép các ngân hàng truy cập vào các dữ liệu kinh doanh khác nhau được cung cấp bởi các nguồn như liên kết thương mại, thiết bị đầu cuối điểm bán hàng và các công ty điện lực để cho phép họ để đưa ra các quyết định tín dụng tốt hơn cho khách hàng vay của doanh nghiệp. Đổi lại, các công ty cũng sẽ kiểm soát tốt hơn việc sử dụng dấu vết dữ liệu của họ.

“Chúng tôi đã xây dựng các khuôn khổ về thương mại, dòng vốn và đầu tư, nhưng tất cả những điều này đang ngày càng bị thay thế bởi dữ liệu. Mỗi quốc gia cần có một hệ thống quản trị về dữ liệu”, ông khuyến nghị.

Chia sẻ Facebook