EU có thể cho phép Hungary và Slovakia tiếp tục mua dầu Nga

Chia sẻ Facebook
02/05/2022 23:42:42

Các nước EU đã chi 44 tỷ Euro nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga kể từ ngày 24/2 khi nước này phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.


Ủy ban châu Âu (EC) có thể cho phép Hu nga ry và Slovakia không phải chấp hành lệnh cấm vận đối với dầu Nga khi xét đến mức độ phụ thuộc của 2 nước này vào dầu thô của Nga, Reuters dẫn lời 2 quan chức EU cho biết hôm 2/5.

Thông tin trên được đưa ra sau khi kênh truyền hình ZDF của Đức đưa tin rằng Hungary, Slovakia và Áo đã rút lại quyền phủ quyết ngăn chặn các lệnh trừng phạt đối với dầu thô của Nga nhập khẩu vào EU.


Dẫn lời một quan chức cấp cao của EU, ZDF cho biết, việc Đức tuyên bố ủng hộ lệnh cấm vận đã làm thay đổi tình hình, với tất cả các nước EU hiện ủng hộ việc ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga, như một biện pháp trừng phạt để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.


Tuy nhiên, tin tức này đã bị Quốc vụ khanh phụ trách truyền thông quốc tế của Hungary Zoltán Kovács bác bỏ. Vị quan chức này đã tuyên bố trong một bài đăng trên Facebook rằng lập trường của Hungary liên quan đến các lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga không thay đổi. “Chúng tôi không ủng hộ chúng (các lệnh cấm)”, ông Kovács viết.

Tuần trước, tập đoàn dầu mỏ Hungary, MOL cho biết, sẽ mất tới 4 năm và tiêu tốn tới 700 triệu USD để thay thế lượng dầu nhập khẩu của Nga trong trường hợp châu Âu bị cấm vận hoàn toàn.

“Trung Âu và Hungary không có cách nào có thể thay thế dầu mỏ và các sản phẩm dầu thô của Nga trong một sớm một chiều. Điều này sẽ gây ra sự gián đoạn rất nghiêm trọng cho toàn khu vực”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành MOL Zsolt Hernadi phát biểu trước cuộc họp đại hội đồng thường niên của MOL.

“Nếu dầu của Nga không được vận chuyển đến vào ngày mai qua đường ống Hữu nghị (Frendship), thì chúng tôi không thể đảm bảo mức tiêu thụ hiện tại với các sản phẩm nhập khẩu từ nơi khác”, ông Hernadi nhấn mạnh.

EC dự kiến vào ngày 3/5 sẽ hoàn tất gói trừng phạt tiếp theo và là gói thứ sáu của khối này đối với Moscow, bao gồm lệnh cấm mua dầu của Nga.

Lệnh cấm của EU đối với dầu Nga vào cuối năm nay được đưa ra nhằm giúp các nước EU có thời gian tìm kiếm các nhà cung cấp khác.

Một nhà máy lọc dầu ở Tyumen, Nga. Ảnh: NTV

Sau sự phản đối ban đầu, Đức hiện đang ủng hộ lệnh cấm vận dầu mỏ. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế và khí hậu của Đức Robert Habeck tuyên bố mục tiêu của nước này nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu của Nga vào cuối mùa hè này là khả thi.

Tuy nhiên, Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, đã nhiều lần tuyên bố sẽ không ký các lệnh trừng phạt liên quan đến năng lượng. Slovakia cũng là một trong những nước EU phụ thuộc nhiều nhất vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Đưa ra sự miễn trừ cho Hungary và Slovakia có thể là một lựa chọn để duy trì sự thống nhất của khối 27 quốc gia. Dù sao thì lệnh cấm vận dầu mỏ cũng có thể được thực hiện theo từng giai đoạn, và chỉ có hiệu lực đầy đủ từ đầu năm sau, các quan chức EU cho biết.

Nếu EU đồng ý cấm vận dầu Nga, động thái này sẽ gửi làn sóng xung kích tới nền kinh tế thế giới.

Châu Âu là điểm đến của gần 1/2 sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu của Nga - mang lại cho Moscow một nguồn thu khổng lồ, từ đó tài trợ cho các hoạt động quân sự của họ ở Ukraine.

Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng trên là do giá năng lượng cao hơn chứ không phải là do khối lượng nhập khẩu nhiều hơn.


Nhìn chung, EU phụ thuộc vào Nga để đáp ứng 26% lượng dầu nhập khẩu, nhưng sự phụ thuộc là khác nhau giữa các quốc gia trong khối .


Minh Đức (Theo CEEnergy News, Reuters)

Chia sẻ Facebook