ESG - “chìa khóa” phát triển nông nghiệp bền vững

Chia sẻ Facebook
23/11/2022 13:09:43

Phát triển bền vững theo tiêu chí ESG là giải pháp để ngành nông nghiệp sản xuất ra nhiều hơn với chi phí ít hơn.

Xu hướng thực hành ESG ở các doanh nghiệp nông nghiệp


ESG là viết tắt của môi trường, xã hội và quản trị, những yếu tố có tác động lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Theo nghiên cứu của Scopeinsight, 85% nhà đầu tư xem xét các yếu tố ESG trong các khoản đầu tư của họ và 70% người tiêu dùng mua hàng dựa trên mối quan tâm về ESG. Bởi vậy, các doanh nghiệp nông nghiệp không thể nằm ngoài xu hướng thực hành ESG. Đồng thời, ESG cũng chính là chìa khóa để phát triển nông nghiệp bền vững.

Trang báo chuyên về Nông nghiệp thế giới AFN đã ví nông nghiệp như một người khổng lồ đang bị "xem nhẹ" trong cuộc trò chuyện về ESG. 17% là lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu từ nông nghiệp. 3.000 tỷ USD là chi phí môi trường toàn cầu ước tính để nuôi sống con người hiện nay, tính toán từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, nước ngọt và lượng khí thải ra môi trường. Do đó, nông nghiệp được xem là một trong những khoản đầu tư ESG hiệu quả nhất trên thế giới.

ESG là viết tắt của môi trường, xã hội và quản trị, những yếu tố có tác động lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay. (Ảnh: Iberdrola)


Mô hình mới về nông nghiệp xanh tại Việt Nam

Nắm bắt xu hướng chuyển đổi tất yếu của ngành nông nghiệp trên toàn cầu, một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu ngành của Việt Nam đã tiên phong đầu tư thực hành ESG, gắn các chiến lược phát triển với các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị.

Trong hội nghị toàn cầu về trách nhiệm xã hội CSR và các vấn đề của ESG lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam mới đây, nhiều doanh nghiệp Việt được ghi nhận là những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực này. Trong đó, Vinamilk được đánh giá cao khi mang tới tham luận về mô hình trang trại sinh thái Green Farm và chia sẻ lộ trình xây dựng ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững.

100% thức ăn dành cho các cô bò là ngô và cỏ được trồng theo chuẩn GlobalGAP, sử dụng năng lượng tái tạo, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học để bảo tồn tài nguyên nước và đất, đặc biệt giảm thiểu phát thải khí metan và mùi hôi bằng hệ thống biogas. Đây chỉ là một vài điểm khác biệt giữa hệ thống trang trại Green Farm so với trang trại nuôi bò thông thường.

"Những trang trại như thế này theo hướng phát triển bền vững sau này. Trong đó sử dụng nhiều công nghệ mới về năng lượng tái tạo, chống phát thải, cân bằng phát thải theo chủ trương của Chính phủ", Giám đốc Điều hành Vinamilk Trịnh Quốc Dũng cho biết.

Các chuyên gia trong Hội Nghị CSR và ESG toàn cầu 2022 đã nhận định mô hình Green Farm có sự đột phá và đã tiếp cận một cách toàn diện các khía cạnh bền vững.


"Những chương trình của họ luôn đổi mới, có sự cải tiến liên tục từ năm này qua năm khác, được xây dựng và quản lý một cách bài bản. Công ty cũng minh bạch trong việc công bố các thông tin về tác động của chương trình", Giáo sư, Tiến sĩ Geoffrey Williams, nhà sáng lập và Giám đốc của Williams Business Consultancy Sdn Bhd, cho hay.

Sau gần 2 năm áp dụng mô hình trang trại này, đại diện doanh nghiệp cho biết, ngoài những mức đầu tư ban đầu khá lớn, cần sự khéo léo áp dụng những tiêu chuẩn của thế giới để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cũng như văn hóa của Việt Nam.

"Chúng ta vừa làm, vừa cải tiến, vừa phát triển lên để tạo ra những mô hình hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, con người Việt Nam", ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Vinamilk, chia sẻ.


Theo các chuyên gia, sự chủ động, tiên phong của các doanh nghiệp đầu ngành không chỉ tạo ra giá trị cho chính doanh nghiệp đó, mà còn dẫn đầu xu hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh bền vững cho cả ngành, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020 theo đúng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu ngành của Việt Nam đã tiên phong đầu tư thực hành ESG.


"Đối với ngành nông nghiệp, quá trình sản xuất nông nghiệp hướng tới ứng dụng tri thức, vận dụng công nghệ để xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh", ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin.


Theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, vấn đề tại nhiều nơi trên thế giới là việc thực hành ESG hiện nay đang máy móc như kiểu tích vào các ô trống cho đủ chỉ tiêu, ở Việt Nam lại không như vậy.

Lời khuyên của chuyên gia quốc tế cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là số ít các nước nhìn nhận ESG theo hướng cố gắng hợp nhất nó vào hoạt động sản xuất kinh doanh và hiểu được bản chất mang lại giá trị lâu dài bền vững. Nhiều khuyến nghị cũng đã được đưa ra cho Việt Nam trong quá trình phát triển nông nghiệp bền vững.

"Đối với các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, có 2 cách chính để thực hành ESG, thứ nhất là thay đổi cách xử lý đất trồng trọt, giảm bớt tác hại đến đất và thứ hai là làm việc với cộng đồng nông dân, giúp những người này cải thiện cuộc sống của mình. Khi sản phẩm của họ tự nhiên và hữu cơ hơn, họ có thể đặt mức giá bán cao hơn. Các tổ chức nông nghiệp ở Việt Nam có thể kết nối doanh nghiệp với nhau, để người đi trước giúp người đi sau thiết lập cơ sở vật chất để chuyển đổi xanh", Giáo sư, Tiến sĩ Martin Blake, Cố vấn trong Hội đồng quản trị của Blake Advisory Pte Ltd, nhấn mạnh.

"Nếu muốn thu hút dòng tiền đầu tư, các bạn hãy nhớ các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến những dữ liệu ESG liên quan đến tài chính. Đối với các công ty lớn được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, các bạn nên phát triển các mục tiêu ESG theo những tiêu chuẩn quốc tế cụ thể đã được công bố trên toàn cầu. Các bạn có thể đầu tư vào các công nghệ trong nông nghiệp, khi các nhà đầu tư hiểu về sự thực hành ESG của công ty bạn, khả năng họ sẽ chọn công ty bạn cao hơn vì các bạn phát triển bền vững", ông Chris Cattermole, chuyên gia tư vấn ESG và người đứng đầu toàn cầu về giải pháp tại UL Solutions, nhận định.

Thành quả phát triển nông nghiệp bền vững của Ai Cập

Câu chuyện về thành quả nông nghiệp bền vững của Ai Cập tiếp thêm niềm tin về tiềm năng và lợi ích kinh tế từ phát triển nông nghiệp xanh.

Toàn bộ cây trồng tại trang trại Tulima đều được theo dõi tiến độ phát triển và tình trạng sâu bệnh một cách tự động theo từng phút một. Không những vậy, họ sử dụng kỹ thuật canh tác thủy canh và và sắp xếp giá trồng cây thẳng đứng để tối ưu hóa không gian và tăng năng suất so với cách làm truyền thống.

"Việc sử dụng hệ thống tưới nước theo vòng tròn khép kín giúp chúng tôi giữ được 90% lượng nước. Trong nhà kính này, tôi chỉ sử dụng 1/10 lượng nước cần nếu trồng ở ngoài trời. Thế nhưng, năng suất lại cao gấp 10 lần so với sản xuất truyền thống ở cùng một mảnh đất ngoài trời", ông Seif Salama, Giám đốc hoạt động tại trang trại Tulima, chia sẻ.


"Kỹ thuật canh tác thẳng đứng ở độ cao hơn 12 m này cho phép chúng tôi thu hoạch được từ khoảng hơn 10.000 m 2 cây trồng theo kiểu canh tác truyền thống. Việc chăm sóc cây được vận hành tự động, dùng năng lượng từ các tấm pin mặt trời nên nóc. Tôi có thể di chuyển các container này đến bất kỳ nơi nào thời tiết khắc nghiệt. Nó có thể hoạt động trong sa mạc hoặc tuyết giá lạnh", ông Zeina Mohamed Salama, Giám đốc sáng tạo tại trang trại Tulima, cho biết.

Chủ trang trại cho biết họ tuyệt đối tránh các hóa chất độc hại và việc không sử dụng thuốc trừ sâu đã giúp họ tiết kiệm được khoản chi phí lớn. Công nghệ sử dụng trong nông nghiệp đã giúp trang trại này sản xuất nhiều hơn gấp 10 - 15 lần trên cùng một mảnh đất với cùng số lượng công nhân, do đó chi phí sản xuất thấp hơn đáng kể.

Tư duy chuẩn của doanh nghiệp nông nghiệp sẽ giúp toàn ngành hướng đến mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ đạt trên 30%, tăng lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục được phép sử dụng lên 30%. Đây cũng chính là một phần quan trọng trong quyết tâm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ.

Sáng 22/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khởi động Sáng kiến thức đẩy thực hành Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong khối doanh nghiệp tư nhân.

Chia sẻ Facebook