E-magazine Phó TGĐ Deloitte: Gần 100% doanh nghiệp Việt Nam đang ở "điểm nghẽn" của quá trình chuyển đổi số
VietTimes – Khi đã vượt qua được điểm nghẽn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thành công trong việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, số doanh nghiệp có thể "lên đỉnh" chuyển đổi số là không nhiều.
"Điểm nghẽn" hay "hố sụt" là những thuật ngữ ám chỉ các doanh nghiệp loay hoay, không vượt lên được nấc thang mới của tiến trình chuyển đổi số. Điểm nghẽn có thể nằm đâu đó ở tư duy lãnh đạo, ở thói quen làm việc của nhân viên, hay nguồn lực tài chính v.v...
Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của Doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) thực hiện, cho thấy chỉ 2,2% doanh nghiệp đã làm chủ được công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh.
Như vậy, có thể thấy tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công là rất nhỏ và đang tồn tại những "điểm nghẽn", "hố sụt" khá lớn.
VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Danh Thanh, Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ Chuyển đổi số và Chiến lược Công nghệ Thông tin, Deloitte Việt Nam xung quanh chủ đề chuyển đổi số doanh nghiệp.
Qua thực tiễn tư vấn chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, ông nhận thấy điểm nghẽn lớn nhất trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp nằm ở con người hay công nghệ?
Ông Đỗ Danh Thanh : Trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, điểm nghẽn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nằm ở nguồn nhân lực. Thực tế, để chuyển đổ số thành công, cần phải tập trung vào 3 yếu tố quan trọng: con người, chiến lược, công nghệ. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt công nghệ rất nhanh. Họ cũng đã xây dựng được chiến lược phù hợp với mục tiêu phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề con người khá nan giải. Cụ thể, để tìm được con người đủ kỹ năng, năng lực vận hành công nghệ số là không dễ dàng. Hơn nữa, yếu tố con người lại liên quan đến vấn đề văn hóa - thói quen, cách thức làm việc từ trước đến nay.
Để thay đổi điều này cần có thời gian và có sự đào tạo, gọi là "awareness training", nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên và giúp họ chủ động nắm bắt công nghệ và tham gia vào quá trình chuyển đổi số để đạt được mục tiêu lớn nhất.
Một thông tin gần đây cho biết chỉ 2,2% doanh nghiệp hiện nay đã chuyển đổi số hoàn toàn. Theo ông nguyên nhân vì đâu mà lại có tỷ lệ ít ỏi như vậy?
Ông Đỗ Danh Thanh: Tôi nghĩ con số đó là hợp lý. Bởi nếu quá trình chuyển đổi số có 4 giai đoạn bao gồm: Bắt đầu, Phát triển, Ứng dụng, Chuyển đổi số hoàn toàn; thì tôi nghĩ gần 100% các doanh nghiệp hiện nay đang ở giai đoạn thứ 2 – điểm nghẽn. Họ đang nghẽn ở việc số hóa doanh nghiệp hơn là chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đòi hỏi phải thay đổi mô hình, phương thức hoạt động kinh doanh, ứng dụng công nghệ số trong quá trình vận hành. Tỷ lệ 2,2% thể hiện số lượng các doanh nghiệp đã thay đổi phương thức kinh doanh và ứng dụng công nghệ, trong khi phần lớn các doanh nghiệp khác chỉ mới đạt tới mức số hóa cơ bản mà thôi.
Dường như chỉ vài năm nữa chuyển đổi số không còn là từ khóa hot nữa, bởi công nghệ ngày nay phát triển quá nhanh, các doanh nghiệp không thể theo kịp. Một doanh nghiệp năm nay chuyển đổi số thành công nhưng ngay năm sau công nghệ mà họ áp dụng đã trở nên lạc hậu. Theo ông chuyển đổi số ở các doanh nghiệp có phải là một công việc liên tục hay không?
Ông Đỗ Danh Thanh : Khi doanh nghiệp đã đạt đến một mức độ phát triển, quá trình chuyển đổi số trở thành tất yếu và trở thành một vòng tròn xoắn ốc – càng ngày họ càng nâng cao công nghệ, giải pháp của mình để phục vụ khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Đó là một quá trình chứ không phải là một dự án hay một tiến trình với điểm bắt đầu và điểm kết thúc.
Còn chuyển đổi số là một quá trình mà doanh nghiệp sẽ luôn phải phát triển.
Tại sao chuyển đổi số lại “hot” là vì các doanh nghiệp cũng như cả xã hội không thể đứng ngoài được. Chuyển đổi số là cách nhanh nhất mà đất nước hay các doanh nghiệp của chúng ta nắm bắt kịp xu hướng của thế giới. May mắn là chính phủ đã có những chương trình, chính sách thúc đẩy thúc đẩy chuyển đổi số hết sức tích cực, chẳng hạn như có Ngày chuyển đổi số, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ít nhất phải có chiến lược chuyển đổi số, cho nên các doanh nghiệp họ làm rất nhanh.
Trong tương lai, chuyển đổi số sẽ không còn là một từ khóa "hot" nữa, vì ai cũng sẽ làm bởi đó là điều cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong chuyển đổi số có cấu phần về công nghệ và đây sẽ là lĩnh vực tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ví dụ như Trí tuệ nhân tạo với sự xuất hiện của ChatGPT. Các doanh nghiệp sẽ phải nghiên cứu để áp dụng công nghệ này vào quá trình chuyển đổi số của họ, nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng và nhân viên. Đó là mục tiêu hướng tới của chuyển đổi số.
Ông vừa nhắc đến việc nhà nước có những chương trình khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số. Theo ông những chính sách của nhà nước đã đủ chưa, và nếu chưa đủ thì cần thêm những gì để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số?
Ông Đỗ Danh Thanh : Nói là đủ hay chưa đủ thì cũng khó. Cần phải có một "benchmark" (tiêu chuẩn - PV) để so sánh. Nhưng có thể thấy nỗ lực rất lớn của chính phủ khi xây dựng được hành lang liên quan đến việc khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, vì họ thấy chỉ có chuyển đổi số thì các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt kịp được thế giới, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính phủ đã đưa ra được những điểm bắt đầu như vậy, để sau đó các doanh nghiệp tự mình xây dựng chiến lược và áp dụng chuyển đổi số để ngang tầm các doanh nghiệp khu vực và trên thế giới.
Như chúng ta đã biết, Thủ tướng chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tuyên bố 2023 là năm quốc gia về dữ liệu số, nhấn mạnh tầm quan trọng của lưu trữ, khai thác và mở dữ liệu. Theo ông hiện nay các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu chưa?
Ông Đỗ Danh Thanh : Thực ra dữ liệu là một trong bốn cấu phần chính của việc chuyển đổi số. Có dữ liệu thì mới hỗ trợ đưa ra được quyết định. Chúng ta có rất nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Từ hồi có máy tính thì chúng ta đã thu thập dữ liệu rồi. Bây giờ có dữ liệu lớn. Nhưng việc ứng dụng được dữ liệu đó như thế nào để mang lại giá trị, chuyển đổi thành giá trị cho doanh nghiệp; thành những thông tin mà chúng ta tận dụng được nó để đưa ra được quyết định nhanh nhất, thì rất quan trọng.
Tất cả doanh nghiệp Việt Nam đều đã nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu, nhưng để phân tích, ứng dụng chuyên sâu dữ liệu đó thì tôi chưa thấy nhiều doanh nghiệp làm thành công. Họ có dữ liệu nhưng mới chỉ sử dụng được ở mức độ thấp, chưa tận dụng được dữ liệu để đưa ra được những quyết định quan trọng. Họ nhận thức được nhưng chưa đầu tư cho dữ liệu ở mức độ xứng tầm. Bởi vì khi phân tích nâng cao dữ liệu thì không chỉ cần con người mà còn cả công nghệ. Các doanh nghiệp mới chỉ dừng ở việc thu thập, còn phân tích nâng cao, sử dụng thế nào để tối ưu, thì họ chưa đạt được.
Thực tế trên thế giới thì cứ 10 doanh nghiệp chuyển đổi số thì đến 8 doanh nghiệp thất bại. Nhưng tại sao thất bại mà họ vẫn phải chuyển đổi số?
Ông Đỗ Danh Thanh : Thực ra, khái niệm thất bại ở đây có thể lý giải là: các nước phát triển họ cho rằng khi đầu tư 10 đồng phải thu về 12 đồng thì mới thành công. Nhưng đó là định nghĩa về thất bại thôi, trong quá trình chuyển đổi số, chúng ta có thể chưa đạt được tỷ suất lợi nhuận như mong muốn, nhưng chúng ta đạt được thay đổi về thói quen, về cách làm việc, thay đổi về cách nhìn nhận, tiếp cận vấn đề của nhân viên cũng như ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của nhân viên và khách hàng. Như thế không thể gọi là thất bại.
Việc thất bại có thể là do doanh nghiệp tập trung ồ ạt nguồn lực mua sắm cho chuyển đổi số, mua những sản phẩm, giải pháp đắt nhất trên thị trường. Bản chất của chuyển đổi số không phải chúng ta cứ mua sản phẩm tốt nhất, đắt nhất là thành công, mà phải là sản phẩm phù hợp với doanh nghiệp của mình. Đó mới là yếu tố quan trọng mang lại thành công của chuyển đổi số.
Nếu được đưa ra lời khuyên cho một doanh nghiệp mà họ nói rằng chưa thấy cần thiết phải chuyển đổi số, ông sẽ nói gì?
Ông Đỗ Danh Thanh : Nếu được đưa ra lời khuyên, tôi sẽ nói CEO của họ nên tham gia mạng xã hội để thấy làn sóng ứng dụng công nghệ hay kênh số của thế hệ trẻ để thấy nó phát triển nhanh như thế nào. Trước đây là bán hàng trên Facebook, YouTube, bây giờ TikTok là kênh bán hàng lớn.
Doanh nghiệp không thể đứng ngoài guồng máy chuyển đổi số. Chúng ta phải tiếp cận và đáp ứng được nhu cầu hiện tại của khách hàng. Ví dụ, ngày nay, các bạn trẻ sẽ không dành thời gian đến ngân hàng để đăng ký tài khoản hay thực hiện các giao dịch – tất cả thứ đó đều làm online được. Nếu doanh nghiệp không chuyển đổi số, làm sao cung cấp những dịch vụ, công cụ hay giải pháp như vậy cho khách hàng.
Do đó, lời khuyên của tôi là doanh nghiệp phải đi theo hành trình của khách hàng. Họ muốn gì thì chúng ta phải cung cấp công cụ để họ tiếp cận nhanh nhất với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
PV : Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi rất thú vị này!