E-magazine Bệnh đột quỵ mùa nắng nóng: Nhiều người may mắn thoát khỏi di chứng vì đến viện sớm, vào "giờ vàng"
VietTimes – Những ngày nắng nóng cao điểm đang diễn ra đã khiến nhiều người bị đột quỵ phải nhập viện. Trong số đó, nhiều người may mắn đến bệnh viện sớm trong khung giờ vàng nên đã nhanh chóng hồi phục, không để lại di chứng.
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, Bệnh viện Đa khoa (BV ĐK) Đức Giang - bệnh viện hạng I của Hà Nội - đã liên tiếp cấp cứu thành công nhiều bệnh nhân đột quỵ, mà nguyên nhân quan trọng là bệnh nhân đã tới bệnh viện trong “thời gian vàng”. Hơn một nửa số bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp nhập viện trong 4,5 giờ đầu và được điều trị tiêu sợi huyết đã hồi phục hoàn toàn, hoặc gần như hoàn toàn.
Để tìm hiểu thêm về căn bệnh đột quỵ, nhất là cách phòng tránh cũng như làm sao tránh di chứng do căn bệnh này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với BSCKII. Đoàn Văn Phúc - Trưởng Khoa Thần kinh BV ĐK Đức Giang - một bác sĩ có trình độ và giàu kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân đột quỵ.
* Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay, tình hình bệnh nhân đột quỵ nhập viện ở BV ĐK Đức Giang có tăng nhiều không, thưa bác sĩ?
BSCKII. Đoàn Văn Phúc: Nắng nóng liên quan đến đột quỵ tương đối nhiều. Vừa qua những đợt nắng nóng kéo dài khiến tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ vào Khoa Thần kinh của BV ĐK Đức Giang khá đông.
Nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến người cao tuổi, vì người cao tuổi thường có các bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, béo phì… Người cao tuổi ở thành phố dễ bị ảnh hưởng hơn ở nông thôn, vì môi trường nhiệt độ ở thành phố cao hơn, sức chịu đựng với nắng nóng kém hơn ở nông thôn, do bị bê tông hóa nhiều hơn.
Vì thế, để tránh bị đột quỵ, người cao tuổi cần hạn chế thấp nhất việc ra ngoài vào thời điểm nắng nóng, nhất là các cụ ở thành phố. Cũng không nên bật điều hòa quá lạnh. Người già thích nghi kém hơn người trẻ, nên nếu đang ở trong phòng điều hòa, thì trước khi ra ngoài, cần tắt điều hòa, ngồi một lát, để khi ra ngoài môi trường thân nhiệt không thay đổi quá đột ngột.
*Bác sĩ có thể chỉ ra những dấu hiệu sớm nhận biết của bệnh đột quỵ, vì rất nhiều người nhầm lẫn đột quỵ với bị cảm?
BSCKII. Đoàn Văn Phúc: Những biểu hiện của bệnh đột quỵ thường là đột ngột bị tê bì nửa người, liệt nửa người, đột ngột bị méo miệng (khi xúc miệng nước chảy ra ngoài không theo ý muốn), đột ngột rối loạn ngôn ngữ (không nói được hoặc không hiểu lời nói), đột ngột nhìn mờ 1 bên … Khi đó, phải nhanh nhất có thể đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Kinh nghiệm nhiều năm điều trị bệnh nhân đột quỵ cho thấy, rất nhiều người khi có dấu hiệu đột quỵ như tê người, méo miệng, vẫn nằm để xem sao, hoặc điện cho con cháu hỏi ý kiến, đợi con cháu về đưa đi khám, chỉ khi đã nặng hơn mới đi bệnh viện. Khi đó thì đã qua mất giờ vàng để có thể điều trị hiệu quả.
Vì thế, tôi đặc biệt khuyến cáo: Ngay khi thấy dấu hiệu đột quỵ, cần nhanh nhất có thể đến ngay bệnh viện, vì “ thời gian là não ”
*Bác sĩ vừa nói đến “giờ vàng trong điều trị đột quỵ”. Vậy giờ vàng để điều trị hiệu quả nhất là khi nào, thưa bác sĩ?
BSCKII. Đoàn Văn Phúc: Để điều trị đột quỵ hiệu quả, thì khung 4 -5 giờ đầu là tốt nhất và nay mở rộng hơn là 6h. Nhưng thực tế càng đến sớm càng tốt. Đến bệnh viện những khung giờ sau vẫn có thể xử lý được, nhưng chỉ định điều trị đã ngặt nghèo hơn đến sớm rất nhiều.
Đến sớm nhất để tiếp cận được những kỹ thuật, cũng như thuốc tốt nhất, tránh được khả năng di chứng do đột quỵ để lại, vì nếu đến muộn, dễ có nhiều di chứng, thậm chí, có thể liệt vĩnh viễn, bệnh nhân phải nằm một chỗ.
*Bác sĩ có thể nói thêm về những di chứng thường gặp của bệnh đột quỵ được chứ ạ?
BSCKII. Đoàn Văn Phúc: Đột quỵ phân ra từng vùng và tùy từng vùng tổn thương mà để lại di chứng khác nhau. Nếu tổn thương vùng bao trong thì bệnh nhân gần như liệt hoàn toàn, hay liệt rất nặng và hồi phục thường rất chậm. Nếu tổn thương ở thùy trán, thái dương thì di chứng nhẹ hơn nhưng về sau có thể bị rối loạn tâm thần, động kinh. Nếu bị tổn thương ở tiểu não hay cầu não, về sau, bệnh nhân sẽ đi lại khó khăn
Do đó, để tránh được di chứng bệnh đột quỵ, không có cách nào khác là khi có dấu hiệu là đến bệnh viện nhanh nhất có thể.
*Hiện nay, BV ĐK Đức Giang đã có nhiều kỹ thuật mới điều trị bệnh đột quỵ chưa, thưa bác sĩ?
BSCKII. Đoàn Văn Phúc: Trên thế giới, cũng như ở Việt Nam hay BV ĐK Đức Giang đã có nhiều tiến bộ trong điều trị đột quỵ. Ví như thuốc tiêu sợi huyết, như thuốc tiên, bệnh nhân đang tê, yếu, liệt sử dụng thuốc xong sẽ hết tê, yếu và liệt.
Ngoài ra còn có những can thiệp, dành cho những bệnh nhân đến vào giờ muộn hơn, như lấy huyết khối đường động mạch, tuy nhiên, nhưng khả năng hồi phục sẽ kém hơn.
*Nếu bệnh nhân đến trong giờ vàng thì thời gian điều trị có thể rút ngắn được bao nhiêu hay có thể hồi phục được hoàn toàn không, thưa bác sĩ?
BSCKII. Đoàn Văn Phúc: Nếu bệnh nhân được đưa đến trong giờ vàng mà lại đủ tiêu chí thì sử dụng được thuốc sẽ rất có hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh nhân đến trong khung giờ vàng vẫn có tiêu chí, chứ không phải là 100 % bệnh nhân đến trong giờ vàng là sử dụng được thuốc, song về cơ bản, chỉ có một số trường hợp không đạt tiêu chí.
Nếu sử dụng được thuốc và tổn thương không quá lớn thì hiệu quả sẽ nhìn thấy tức khắc, nghĩa là như tôi vừa nói, bệnh nhân đang tê, đang yếu, liệt có thể hết được.
*Vấn đề đột quỵ, nhất là vào mùa hè như bác sĩ vừa nói thì rơi nhiều vào người cao tuổi. Thế còn với giới tính thì sao ạ?
BSCKII. Đoàn Văn Phúc: Nghiên cứu của Việt Nam cũng như trên thế giới thì tỉ lệ đột quỵ ở nam giới gấp 4 lần nữ giới. Vấn đề giới không phải liên quan đến mùa, mà liên quan đến tỷ lệ bị bệnh nền ở nam giới cao hơn nữ giới. Ví như tỉ lệ bị cao huyết áp ở nam cũng cao hơn nữ, tỉ lệ bị đái tháo đường cũng thế và chế độ tuân thủ của nam giới thường kém hơn nữ giới, như nam giới có nhiều thói quen không lành mạnh như sử dụng bia rượu, hút thuốc… là những thứ mà phụ nữ Việt Nam có thể tránh được.
*Là người có thời gian công tác ở cái lĩnh vực thần kinh đã lâu, cũng như có kinh nghiệm trong điều trị bệnh đột quỵ, bác sĩ cho biết nguyên nhân do rượu, bia có chiếm tỷ lệ cao trong đột quỵ?
BSCKII. Đoàn Văn Phúc: Nguyên nhân trực tiếp do rượu, bia dẫn đến đột quỵ cũng chiếm một tỉ lệ khá cao.
Theo một nghiên cứu, những người uống trung bình trên 2 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ tăng hơn 34 % so với người không sử dụng hoặc sử dụng dưới nửa ly 1 ngày. Còn uống quá nhiều được định nghĩa là uống trên 5 ly mỗi ngày, ít nhất mỗi tháng 1 lần dẫn đến tỉ lệ đột quỵ tăng trên 39 %. Cũng theo báo cáo này cho thấy những người trung niên sử dụng nhiều bia rượu có nguy cơ dẫn đến đột quỵ sớm hơn 5 năm trong đời, bất kể yếu tố di truyền như thế nào.
Đặc biệt, trong nhóm này hay gặp nhất là xuất huyết não. Xuất huyết não ở những người sử dụng rượu, bia có tiền sử cao huyết áp có nguy cơ tử vong và những yếu tố nguy cơ khác cao hơn nhiều.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Liên tiếp các ca đột quỵ não được cấp cứu thành công
Những ngày vừa qua, Khoa Cấp cứu BVĐK Đức Giang đã liên tục cấp cứu thành công các ca đột quỵ giờ thứ 2 và giờ thứ 1.
Ông N.Đ.T 64 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội được đưa vào BVĐK Đức Giang trong tình trạng nói khó, liệt nửa người trái. Trước đó khoảng 2 tiếng, ông T. đột ngột xuất hiện tê bì nửa mặt trái, kèm theo yếu liệt nửa người trái, nói khó.
Sau khoảng 2,5h thì ông được người nhà đưa BVĐK Đức Giang. Kết quả chụp CT, xét nghiệm về đột quỵ cấp cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu não cấp với thang điểm quy đổi đột quỵ NIHSS 10 điểm.
Các bác sĩ lập tức cho bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu sợi huyết và sau khoảng 10 phút, cơ lực tay của bệnh nhân đã tốt lên. Chỉ sau 30p, gần như các triệu chứng đã được cải thiện, bệnh nhân tự đứng dậy đi lại được, điểm NIHSS từ 10 điểm giảm xuống còn 5 điểm. Bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh chóng và ra viện.
Vài ngày trước, ông D. 61 tuổi ở Lương Tài, Bắc Ninh cũng được đưa đến BVĐK Đức Giang do bị tê bì sau gáy, lan xuống tay, yếu liệt người trái, nói khó.
Các bác sĩ của Khoa Cấp cứu đã khẩn trương cấp cứu và xác định bệnh nhân bị đột quỵ não thể nhẹ và cho dùng thuốc kháng tiều cầu kép, kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu. Chỉ sau 30 phút, ông D đã nói được, tay và chân bên phải đã vận động được, ý thức tỉnh táo.
Được điều trị kịp thời, đúng phác đồ, nên ông D nhanh chóng phục hồi, trở lại sinh hoạt gần như bình thường
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng – Khoa Cấp cứu BVĐK Đức Giang - cho hay: “Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn phế ở người trưởng thành. Việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rt-PA) đang là phương pháp tối ưu trong điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp để giảm thiểu di chứng.
Tuy nhiên, thời gian là yếu tố quan trọng quyết định thành công và mang lại cơ hội sống cho người bệnh, vì thuốc tiêu sợi huyết khối đường tĩnh mạch chỉ có tác dụng tối ưu với những người bệnh nhồi máu cấp tính trong vòng 4 -5 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên.
Trong khi đó, nhiều người khi bị đột quỵ, người thân thường tự dùng thuốc hay dùng các biện pháp dân gian như: cạo gió, chích máu ngón tay,… thay vì đến các cơ sở y tế, vô tình bỏ lỡ khung giờ vàng quý giá để điều trị đột quỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phục hồi của người bệnh.
“Trường hợp ông T. và D đã rất may khi đến viện sớm và được cấp cứu kịp thời, tránh được những di chứng đáng tiếc khi quá giờ vàng - Bác sĩ Hùng khuyến cáo.