E-magazine Bất ngờ trước tỉ lệ chấn thương ở môn thể thao “quý tộc” mà các doanh nhân thường chơi

Chia sẻ Facebook
26/05/2023 06:24:10

VietTimes – Sau một cú swing trên sân golf, doanh nhân người Nhật thấy đau nhói nơi mạng sườn. Khi đưa vào Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ cho biết ông đã bị gãy 2 xương sườn vì cú vặn quá đà.

Vị doanh nhân người Nhật chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân của môn “thể thao quý tộc” mà PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức, kiêm Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức - đã điều trị trong thời gian qua.

Với mong muốn đưa đến bạn đọc những thông tin về chấn thương thể thao - đặc biệt là những môn thể thao mà nhiều người “có tiền” hay chơi - VietTimes đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh - một trong các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về chấn thương thể thao và là bác sĩ điều trị thành công cho nhiều vận động viên bóng đá, bóng rổ quốc gia.


+ Mỗi ngày, BV Việt Đức tiếp nhận bao nhiêu ca chấn thương thể thao, thưa ông?


PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh: Ngày càng nhiều người quan tâm hơn đến chơi thể thao, để bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh béo phì, cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường… nên song hành, tỉ lệ chấn thương thể thao cũng ngày càng nhiều lên. Các phòng khám chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Việt Đức luôn rất đông, mỗi ngày khám và điều trị khoảng hơn 100 bệnh nhân chấn thương thể thao, có ngày tới gần 200 bệnh nhân, độ tuổi chủ yếu từ 15-30.

Đáng chú ý khi có nhiều bệnh nhân bị chấn thương từ môn thể thao trông khá nhẹ nhàng, thư thái, khoan thai như golf, tennis.


+ Ông có thể kể một số nguyên nhân gây chấn thương thường gặp trong khi chơi golf và tennis?


PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh: Golf, tennis là những môn thể thao khá phát triển những năm qua, đặc biệt là trong giới doanh nhân. Đây là môn thể thao cần nhiều thời gian, phù hợp cho các doanh nhân vừa chơi, vừa bàn công việc. Nhưng chỉ cần một chút sai sót là có thể dẫn đến những chấn thương nặng nề.

Thực tế, chúng tôi đã gặp nhiều doanh nhân bị chấn thương, rơi vào 2 nhóm: Người mới chơi golf và người chơi đã lâu.


Với nhóm mới chơi golf thường hay bị chấn thương ở cổ tay, cổ chân, vai, khớp khuỷu, thậm chí bị chấn thương cột sống và gãy xương sườn, đặc biệt là khớp vai. Nguyên nhân là do người mới chơi chưa có kỹ thuật, nên vận động không đúng kỹ thuật như vặn người quá đà sẽ khiến đau cột sống lưng, cột sống ngực.

Tôi đã từng điều trị cho không dưới 5 trường hợp bị gãy xương sườn do chơi golf không đúng kỹ thuật. Trong đó, có một vị doanh nhân người Nhật tư thế vụt swing sai nên đã bị gãy 2 xương sườn phải.

Những người chưa có kinh nghiệm chơi golf rất hay bị chấn thương cổ tay, chấn thương khớp khuỷu, hay bị đau khớp vai, đau vai gáy, do căn không chuẩn nên vụt gậy xuống đất và bị lực tác động dội ngược lại.


Với nhóm người chơi golf đã lâu (từ 6 tháng trở lên) gặp chấn thương thường là do không khởi động kỹ đã vào chơi, nên rất dễ bị đau lưng.

Một nhóm nữa là những người chơi lâu nhưng đã có tuổi mà vẫn chơi với cường độ mạnh, như chơi 2 trận golf một ngày, hay chơi quá độ tới 4-5 buổi/tuần, gây quá tải cho hệ thống cơ xương khớp.

Tennis là môn thể thao đã có hàng chục năm ở Việt Nam, nên tổn thương do chơi tennis rất nhiều, chiếm đến 20-30% những người chơi tennis. Có người do cố với quá đã bị đứt gân Achilles. Đặc biệt là nhiều người gặp hội chứng tennis elbow (hội chứng khuỷu tay tennis), do vận động cánh tay quá nhiều, khiến gân ở khu vực này chịu áp lực lớn và dễ bị viêm hơn. Điều trị bệnh này cũng khá khó khăn và phức tạp, vì bản chất là bệnh lý mãn tính.


+ Ông có thể chia sẻ thêm về những chấn thương dễ gặp ở một số môn thể thao khác được chứ?


PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh: Ngày trước chỉ có chạy bộ, đạp xe, bơi, đá bóng, bóng bàn và chủ yếu là các ca chấn thương khớp gối. Nhưng bây giờ bệnh nhân chấn thương khớp cổ chân, đứt dây chằng sên mác trước, vỡ sụn trong mặt khớp vv…khá nhiều. Chấn thương đa dạng do có nhiều môn thể thao hơn.

Nhóm chấn thương hay gặp ở tất cả các lứa tuổi là những người chơi các môn thể thao có sự va chạm trực tiếp giữa cầu thủ 2 đội, đặc biệt là trong đá bóng và bóng rổ; những bạn trẻ chơi kick boxing, Muay Thái phải vừa đấm, vừa đá… cũng hay gặp chấn thương.

Gần đây, chúng tôi còn tiếp nhận rất nhiều ca chấn thương của những người chơi các môn thể thao mạo hiểm, như đạp xe đạp trên địa hình phức tạp dốc cao, gồ ghề, zíc zắc; leo núi; phượt; nhảy Bungee hay nhiều người chơi trượt ván cũng bị trật khớp cổ tay, lật cổ chân do khi ngã, họ thường chống tay đỡ ngay.

Một chấn thương khá đặc trưng ở môn thể thao có sự va chạm trực tiếp như bóng chuyền, bóng rổ, kick boxing… là bị trật khớp vai tái diễn. Nguyên nhân do người chơi dùng lực quá nhiều vào khớp vai, dẫn đến trật khớp nhưng điều trị không đúng cách từ đầu.

Lẽ ra khi nắn được trật khớp vai thì phải nghỉ ngơi, bất động khoảng 3 tuần, để bao khớp lành, sụn viền bớt bị căng giãn, nhưng nhiều bạn nóng vội, thấy đỡ là tiếp tục chơi làm khớp trật trở lại. Có bệnh nhân bị trật khớp vai tới 30-40 lần. Những trường hợp này ban đầu còn đến bệnh viện điều trị, nhưng sau thì tự lắc để khớp vai vào. Chính sự chủ quan khiến khớp vai càng dễ bị trật hơn.


+ Hiểu biết về các chấn thương trong thể thao của bệnh nhân rất quan trọng, vì sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn. Với kinh nghiệm thực tế, ông thấy các bệnh nhân đã có kiến thức về điều này để đến bệnh viện kịp thời hay chưa?


PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh: Tỉ lệ bệnh nhân đến khám muộn chiếm 60- 70%, còn lại là những bệnh nhân có ý thức đến khám sớm hoặc do quá đau, không thể không đến bệnh viện. Chính vì thế, số phải phẫu thuật chiếm 30-40%.

Trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị do chấn thương thể thao thì những bệnh nhân là vận động viên chuyên nghiệp có kiến thức tốt hơn trong việc điều trị. Ngay sau khi chấn thương, họ biết phải bất động, không cố chạy và chườm lạnh ngay vùng tổn thương rồi khẩn trương đi khám chuyên khoa, hoặc đơn vị chuyên ngành thể thao.

Nhưng đa phần bệnh nhân chủ quan, chỉ khi bị tổn thương quá rõ như đứt dây chằng không thể đi lại được, hoặc quá đau mới tìm đến bác sĩ. Còn những chấn thương bị đau nhẹ hơn thì người bệnh cho rằng không sao, nên hôm sau lại tiếp tục chơi khiến bệnh tái phát.

Có những bệnh nhân còn rất trẻ, mới 25-30 tuổi, nhưng nội soi khớp gối thì thấy đã giống như của người 70-80 tuổi vì gối mất vững do đứt dây chằng, gối- cổ chân lỏng, nhưng bệnh nhân vẫn hoạt động mạnh. Có rất nhiều trường hợp đáng tiếc khi quá đau mới đến khám thì đã muộn vì thoái hóa khớp, hay rách sụn trong khớp, hoặc vỡ mặt sụn khớp, khe khớp hẹp vv…Những chấn thương này đa phần là đã bị trên 10 năm.

Có những bạn bị chấn thương từ 15-16 tuổi, khi còn là học sinh cấp 3, nhưng sau 10 năm quay trở lại khám thì khớp gối đã tổn thương rất nhiều. Có những bệnh nhân khoảng 45-50 tuổi, thường đá bóng “phủi” và rất ham chơi, không chịu đi điều trị khi bị chấn thương, nên khi đến khám thì khớp gối đã tổn thương quá nặng, mòn hết sụn khớp, khe khớp hẹp, sụn rách, dây chằng đứt. Lúc này thì mổ nội soi cũng chỉ điều trị triệu chứng, điều trị giảm nhẹ chứ không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Vì thế, các bác sĩ chỉ còn cách tư vấn vài năm sau quay lại để thay khớp gối.

Nhiều bệnh nhân 45-50 tuổi nhưng khi bị chấn thương thì chủ quan, tiếp tục chơi thể thao lại rất sớm. Bị đau thì họ bó gối chạy, đến khi đau quá mới đến bệnh viện thì đã quá muộn.


+ Là chuyên gia hàng đầu về điều trị chấn thương thể thao, ông có thể khuyến cáo với những người thường xuyên chơi thể thao điều gì?


PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh: Chấn thương do thể thao khác với chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động. Chấn thương thể thao có nhiều mức độ khác nhau và không thể hiện rõ ra ngoài như người bị gãy xương, trật khớp hay máu tụ trong não, hoặc đau ruột thừa. Chấn thương do thể thao nhìn ngoài thì không có gì rõ nét nhưng bên trong đã tổn thương rồi, như giãn dây chằng trong khớp, rách sụn viền bao khớp vai, rách sụn chêm khớp gối…

Nhưng nhiều người không có kiến thức chuyên môn nên chủ quan và thường đến khám muộn. Khi đó thì việc giúp bệnh nhân lấy lại 100% phong độ như trước là rất khó khăn. Những trường hợp đến khám sớm, có hướng điều trị chính xác thì sau điều trị thường rất tốt, có thể chơi thể thao bình thường.

Vì thế, chúng tôi khuyến cáo là khi đã bị chấn thương, bệnh nhân nên đến khám bác sĩ sớm dù nặng hay nhẹ, để được phục hồi tốt nhất. Không nên chủ quan nghĩ là phải gãy xương, trật khớp mới phải đến viện.

Vì với những người đã trật khớp 30-40 lần như tôi nói ở trên, thì việc chơi thể thao lại là rất khó khăn, do khi chơi hoặc cử động mạnh là khớp lại trật ra, ảnh hưởng đến cả sinh hoạt hằng ngày, thậm chí, đưa tay ra sau để chải đầu hay với cuốn sách khớp cũng bị trật…


+ Người chơi thể thao cần chú ý những điều gì cụ thể, thưa ông?


PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh: Việc chơi thể thao việc gặp chấn thương là khó tránh, vì nhiều tình huống bất khả kháng hoặc do sự va chạm giữa các cầu thủ, ham cứu bóng (đối với người chơi tennis), ham theo bóng…

Để hạn chế chấn thương thể thao, trước hết phải do ý thức của người chơi, không cố gắng quá mức trong khi chơi. Đã có trường hợp những người chơi bóng rổ phải nhảy cao, cố cứu bóng khiến đứt dây chằng, đứt gân gót… Do đó, người chơi cần biết môn thể thao mình chơi có nguy cơ ra những chấn thương nào, thường gây chấn thương trong tình huống nào, để tránh. Không nên thực hiện động tác quá khó, không nên gây chấn thương cho đối phương của mình, trước khi chơi cần khởi động kỹ, như người chơi golf nếu không khởi động kỹ sẽ dễ bị đau lưng, hoặc xoắn/vặn quá mức dễ bị chấn thương cổ tay, thậm chí gãy xương sườn.

Trang phục, dụng cụ phải phù hợp với bộ môn thể thao mình chơi (ví dụ chạy đường dài thì giày phải khác với giày đá bóng, giày phải mềm, ôm cổ chân để giảm lực dội ngược từ nền lên; hoặc mới chơi tennis nhưng lại để mặt vợt căng quá mức thì mặt vợt sẽ phản lực lớn nên phải căng cho vừa với lực của tay; chơi xe đạp địa hình thì xe cũng phải vừa với khổ người của mình). Đặc biệt khi bị chấn thương cần tạm dừng cuộc chơi bởi nếu cố thì những tổn thương sẽ trầm trọng hơn.

Có người bị chấn thương ở bắp chân nhưng cố chạy nên máu tụ trong khối cơ ngày càng to. Nếu biết thì có thể bất động để nghỉ ngơi chờ máu tụ tiêu đi, nếu không tiêu thì cũng loãng ra và chọc hút. Đã có trường hợp máu tụ khối cơ to, điều trị sai cách và búi cơ bị xơ hóa.

Nguyên tắc điều trị là phương pháp RICE - từ viết tắt của 4 bước sơ cứu khi gặp chấn thương thể thao: Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm đá), Compression (băng ép) và Elevation (kê cao vị trí chấn thương).


+ Cám ơn ông đã trao đổi!


Thanh Hằng (thực hiện)

Chia sẻ Facebook