Em tôi khát sữa bú tay…

Chia sẻ Facebook
08/09/2023 07:25:15

Sữa mẹ từ xưa vẫn là huyền thoại siêu dinh dưỡng và trị bá bệnh(?). Khoa học đang từ từ giải mã, như mới đây tìm thấy chất α-lactalbulmin trong sữa mẹ, khi vào trong dạ dày, kết hợp với acid oleic tạo 1 phức chất gọi là HAMLET (Human alpha-lactalbulmin made lethal to tumor cells) có thể diệt tế bào ung thư.


Video clip ghi lại hình ảnh bà mẹ trẻ cười gượng gạo vén áo lên cho những đại gia (Trung Quốc) thừa tiền rững mỡ, bú sữa mẹ… trực tiếp để thọ tỉ Nam san. Rõ khổ! Bán thân chắc còn đỡ tủi hơn. Sao người lớn lại giành ăn với bé một cách bệnh hoạn thế! Hỡi bé thơ ơi, ở nhà bú tạm sữa bột pha nước đi con, không dính phải sữa melamine (**) là phước lớn rồi.


Vũ Thế Thành

Nếu liếc qua thành phần dinh dưỡng: đạm, béo, đường thì sữa mẹ kém hơn sữa bò, sữa dê, sữa ngựa,… Sữa mẹ có protein ít hơn, nhưng béo và đường lại nhiều hơn (chẳng hay ho gì). Khoáng và vitamin thì nghiêng ngửa, cái nhiều hơn, cái ít hơn. Nhưng coi vậy mà không phải vậy.

Thua xa, chứ không có chuyện gần giống với sữa mẹ

Lượng calcium trong sữa mẹ ít hơn, nhưng tính khả dụng sinh học (bioavailability) cao gấp đôi sữa bò, nên bé dễ hấp thu. Đặc biệt là lượng sắt ở sữa mẹ cao hơn và cũng dễ hấp thu hơn. Thiếu sắt dẫn đến bệnh thiếu máu.

Lượng protein trong sữa mẹ cũng ít, chưa được một nửa so với sữa bò, nhưng toàn hàng… độc (đáo). Nội các protein trong hệ miễn nhiễm thôi (lactoferrin, IgA, lysozyme,..) cũng đủ giúp bé chống nhiễm trùng, virus,… Sữa mẹ lại còn có thêm các enzyme giúp trẻ dễ tiêu hóa

Tỉ lệ protein whey/casein ở sữa mẹ cao hơn nhiều so với sữa bò, nên hệ tiêu hóa non nớt của bé hấp thu thoải mái.

Sữa mẹ còn có đường loại oligosaccharides. Bé không xài (tiêu hóa) được thứ này, nhưng dùng nó để nuôi mấy vi khuẩn có ích trong ruột, và tống những vi khuẩn có hại ra ngoài (theo phân).


Sữa non (colostrum) của mẹ, chứ không phải của bò, còn hiệu quả “khủng” hơn nữa.

Khoa học đã khám phá được khoảng hơn 200 chất có lợi trong sữa mẹ, trong đó có những chất khoa học phải bó tay, không thể làm “nhái” được, chẳng hạn bạch huyết cầu chống nhiễm khuẩn có trong sữa mẹ.

Tóm lại, sữa mẹ không chỉ nuôi ăn mà còn phòng chống bệnh cho bé, thậm chí còn có ích cho mẹ đang nuôi con bú nữa.


Về lợi ích của sữa mẹ thì nhiều, nhiều lắm. Mấy bà bầu nên đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để nghe họ “thuyết” về sữa mẹ, cả ngày cũng không hết. Bài này chỉ muốn nhấn mạnh rằng, không có loại sữa nào, dù là sữa bò, sữa dê, sữa chức năng, sữa công thức,… có thể sánh bằng sữa mẹ. Thua xa, chứ không có chuyện gần giống với sữa mẹ. Đừng tin vào quảng cáo… chui (quảng cáo công khai sữa trẻ em dưới 12 tháng tuổi đã bị cấm).

Ai cho bú thép ngàn ngày mang ơn…

Ở Việt Nam hồi trước, trẻ thiếu sữa mẹ thì đi bú rình, còn gọi là bú thép. Thời nay khác, do sữa mẹ có thể bảo quản ở dạng đông lạnh được vài tháng, nên ở nước ngoài có ngân hàng sữa mẹ. Những bà mẹ dư sữa hiến tặng sữa vào đó để chia sẻ với những em bé xui xẻo thiếu sữa.


Bên cạnh những dòng sữa nhân ái như thế cũng có chuyện hài ra nước mắt. Một ông chủ nhà hàng ở Thụy Sĩ quảng cáo đặc sản thịt hầm sữa mẹ và súp sữa mẹ (75%), rồi đăng báo tìm mua “nguyên liệu” sữa mẹ với giá khoảng 5 USD cho 400 ml sữa. Tay này cũng cho tờ The Telegraph (UK) biết, ông ta đã làm thử những món này sau khi vợ ông sinh con gái.

Chẳng lẽ nhân loại văn minh tới độ nuôi người… vắt sữa? Thế thì đau quá!


Vũ Thế Thành


Đăng lại từ  blog thanggianhome.wordpress.com
Mời tham khảo Facebook tác giả


Mời độc giả liên hệ tìm đọc các tác phẩm “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” và “Những thằng già nhớ Mẹ” của tác giả Vũ Thế Thành cùng một số tác phẩm khác.

Hơi mẹ bên dòng sữa


Chú thích :

(*) Ca dao Nam Bộ: Em tôi khát sữa bú tay / Ai cho bú thép ngàn ngày mang ơn.


(**) Scandal sữa bột trộn melamine xảy ra ở Trung Quốc năm 2008, làm gần 300.000 trẻ mắc bệnh, hơn 50.000 trẻ nhập viện và 3 trẻ tử vong vì suy thận. Melamine trộn vào sữa để làm tăng lượng đạm (giả). Vụ bê bối này còn dính líu tới nhiều hãng sữa, bánh kẹo nổi tiếng trên thế giới do nhập nguyên liệu từ TQ. Việt Nam cũng không thoát, nhưng chỉ một số công ty bị điểm mặt tế thần, còn những hãng lớn “thoát hiểm” một cách tài tình.

Chia sẻ Facebook