Em gái khóc toáng mỗi khi anh trai lại gần, mẹ ngã ngửa khi biết sự thật
Thấy con trai luôn quấn quýt bên em gái, người mẹ rất hài lòng, nhưng khi biết được sự thật người mẹ vô cùng đau đớn.
Mới đây, trang Sohu vừa đăng tải một câu chuyện về tình cảm gia đình, đặc biệt là những đứa trẻ ruột thịt khiến nhiều người quan tâm chú ý.
Theo Saostar chia sẻ, cô Vương sống ở Trung Quốc có một gia đình êm ấm và hạnh phúc với người chồng yêu thương và cậu con trai 4 tuổi kháu khỉnh. Niềm vui của họ lại càng được nhân thêm khi gia đình biết tin cô Vương mang thai đứa thứ 2 ở tuổi 30. Có lẽ người vui nhất trước thông tin này chính là bố mẹ chồng của cô Vương. Họ dành rất nhiều thời gian để chăm sóc con dâu chu đáo. Để tập trung sinh con, cô Vương cũng xin nghỉ việc và ở n hà nội trợ.
Thời gian trôi nhanh, thấm thoắt cô Vương đã hạ sinh bé gái rất xinh xắn. Sự xuất hiện của “thiên thần nhỏ” đã mang lại niềm vui cho cả gia đình. Đặc biệt, người anh nhỏ cũng tỏ rất yêu em gái và thường xuyên bế em. Tuy nhiên, để ý kỹ cô Vương phát hiện một điều rất kỳ lạ. Chỉ cần con trai ở cùng với em, con bé sẽ khóc toáng lên. Thậm chí, ngay cả khi anh trai đứng cạnh cô, con bé cũng gào khóc.
Một ngày, cô Vương thay quần áo cho con gái thì phát hiện trên tay bé có vài vết hằn nhỏ và mờ. Lúc này, người mẹ mới hiểu ra nguồn cơn sự việc.
Hóa ra, con trai thực chất không thích có em gái, nên mới lén lút đánh, cấu véo người em. Cô Vương hoàn toàn gục ngã và buồn rầu không biết nên phân xử thế nào cho đúng.
Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội câu chuyện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, đa số đều cho rằng người mẹ nên dành nhiều hơn nữa thời gian cho con trai của mình. Sự “ghen tị” ở trẻ nhỏ là rất bình thường, vì thế cần lắm sự công bằng từ người lớn để con trẻ hiểu “bố mẹ đều yêu thương các con như nhau”.
Nói về vấn đề “xung khắc” giữa anh chị em trong gia đình, báo Tuổi trẻ đưa tin mọi sự gây gổ, ghen tị nhau đều có căn nguyên của nó. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cách ứng xử của chính cha mẹ.
Có thể do cha mẹ quá kỳ vọng vào một "thành viên nhí" trong gia đình.
Khi những đứa trẻ nhìn thấy sự mong đợi nhiều hơn của cha mẹ dành cho anh, chị/em của mình, sẽ thấy mình bị bỏ rơi, dẫn đến có những phản ứng từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ tùy theo tính cách, suy nghĩ, độ tuổi.
Vì thế cách cư xử thiếu khéo léo, tế nhị của cha mẹ sẽ làm ranh giới giữa các anh chị em càng xa ra (có khi chính cha mẹ không nhận thấy).
Tương tự, chỉ cần một đứa trẻ nào đó trong gia đình được bênh vực, quan tâm, chăm sóc nhiều hơn sẽ làm nảy sinh tính đố kỵ ở những đứa trẻ khác.
Cha mẹ đừng vội trách con ích kỷ, so đo với anh em trong nhà, mà cần thay đổi cách tác động với các con để đừng gieo vào đầu trẻ thơ ý nghĩ và thái độ nhỏ nhen khi bọn trẻ còn nhỏ.
Việc nuông chiều con út, hoặc so sánh các con, đề cao đứa này trước mặt đứa khác, hoặc sự phân chia việc nhà, phần thưởng giữa các trẻ thiếu công bằng... cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ xung đột.
Tinh tế dành riêng thời gian cho từng đứa cũng là cách cha mẹ làm cho con trẻ thấy mình quan trọng và luôn được cha mẹ yêu thương.
Nói với con một cách chân thành rằng dù cha mẹ có cách cư xử với từng đứa có lúc khác nhau nhưng tình yêu thương cha mẹ dành cho các con là không có sự phân biệt.
Để các con hòa thuận, cha mẹ có thể dùng vài "chiêu" như sau:
- Đánh lạc hướng: Nếu trẻ có xích mích, cha mẹ cần can thiệp trước khi cuộc cãi vã leo thang. Nếu cần, tách các trẻ ra cho tới khi chúng bình tĩnh và có thể giảng hòa.
- Để trẻ được nói ra vấn đề của mình: Sau khi trẻ đã dịu đi, gọi trẻ đến kể về những gì đã xảy ra.
Dạy các con tuân thủ nguyên tắc “người nói phải có người nghe, không ai được phép ngắt lời”. Cha mẹ giữ vai trò là trọng tài, cố vấn để làm sáng tỏ các vấn đề.
Việc làm này sẽ giảm bớt cảm xúc giận hờn nhau giữa các anh chị em, cũng là cơ sở để xử lý vấn đề một cách công bằng.
- Đồng cảm với mỗi đứa: Có thể xung đột vì do trẻ muốn được cha mẹ quan tâm mình nhiều hơn anh chị em, nên cha mẹ cần bộc lộ thái độ cảm thông với điều đã làm tổn thương đến tâm hồn trẻ, như “mẹ biết con bực mình vì con chưa được đi học tiếng Anh lần nào.
Từ từ, đến tuổi con sẽ đi học”. Tuyệt đối không so sánh kiểu “Tại sao con không bơi giỏi như anh Hai của con?”. So sánh giữa các con chỉ khiến chúng càng “xa” nhau hơn.
Hồng Anh (Tổng Hợp)