Elon Musk, Mark Zuckerberg và những tỷ phú công nghệ tệ nhất năm

Chia sẻ Facebook
29/12/2022 23:33:22

Mark Zuckerberg, Elon Musk hay Sam Bankman-Fried bị đánh giá là những ông chủ công nghệ tệ nhất năm nay vì đã khiến công ty của mình gặp khó khăn hoặc sụp đổ.

Elon Musk, Mark Zuckerberg và những tỷ phú công nghệ tệ nhất năm


Trong một thập kỷ qua, CEO công nghệ luôn được nhắc tên với những thành tựu nổi bật hoặc có tầm ảnh hưởng lớn. Nhưng năm 2022, mọi thứ đã thay đổi.


Meta của Mark Zuckerberg và Amazon của Jeff Bezos đã sa thải hàng nghìn nhân sự sau giai đoạn tuyển dụng thần tốc. Elon Musk, vị tỷ phú được tung hô là thiên tài, đang phải loay hoay khi điều hành Twitter. Còn Sam Bankman-Fried, người từng được ca ngợi là thần đồng tiền số, lại đang đối mặt với tội danh lừa đảo và những án phạt tỷ USD .

Theo đánh giá của Guardian, dưới đây là những ông chủ công nghệ tệ nhất năm 2022, tính theo thang điểm 10.

Jeff Bezos (Amazon), Elon Musk (Twitter) và Mark Zuckerberg (Meta) là ba trong những CEO công nghệ tệ nhất năm 2022. Ảnh: Guardian.


1. Jeff Bezos - Amazon (4/10)


Trong làn sóng cắt giảm nhân sự hiện nay, Amazon cũng vừa tuyên bố sa thải khoảng 10.000 nhân viên, chủ yếu ở các bộ phận trung chuyển và kho bãi. Ngoài ra, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos đã từ chức CEO từ năm ngoái để tập trung cho dự án hàng không vũ trụ Blue Origin.

Tuy nhiên, theo Guardian, việc Jeff Bezos "cắt đứt" mọi thứ với Amazon và dành tiền cho các công việc khác giữa lúc công ty do mình sáng lập gặp khó khăn đã biến ông thành ông chủ tồi năm nay.

Trên thực tế, ngoài việc cắt giảm nhân sự, Amazon còn gặp nhiều khó khăn về những vấn đề phúc lợi cho nhân viên hay các sản phẩm chủ chốt như Amazon Alexa đang chịu thua lỗ.


2. Mark Zuckerberg - Meta (6/10)

Không chỉ Jeff Bezos, Mark Zuckerberg và Meta cũng gặp nhiều trở ngại khi phải cắt giảm chi phí và đã quyết định sa thải hàng loạt các nhân viên trong năm nay. Tháng 11 vừa qua, công ty này đã thông báo sa thải hơn 11.000 nhân viên và Zuckerberg phải thừa nhận sai lầm khi quá đầu tư cho Meta.


Trước đó, vào cuối năm 2021, Zuckerberg tuyên bố đổi tên công ty Facebook thành Meta để theo đuổi tham vọng metaverse và đầu tư hàng tỷ USD cho cả phần cứng lẫn phần mềm liên quan đến thực tế ảo và vũ trụ ảo. Nhưng kết quả là metaverse đã ngốn hàng tỷ USD , trong khi doanh thu và lợi nhuận của công ty đi xuống.


Vào tháng 2/2022, Meta đã gây sốc trên thị trường chứng khoán khi giá trị vốn hóa giảm 230 tỷ USD chỉ trong một ngày. Hiện tại, giá cổ phiếu của tập đoàn này đang ở mức 100 USD - thấp nhất kể từ 2016.

Mark Zuckerberg đã mất hơn 3/4 tổng tài sản trong năm nay. Ảnh: Reuters.


Bản thân Zuckerberg cũng thiệt hại nặng với định hướng chiến lược của mình. Tài sản của ông chỉ còn khoảng 38 tỷ USD , giảm sốc so với mức 142 tỷ USD vào tháng 9/2021. Trong năm nay, tài sản của nhiều người giàu nhất thế giới đều đi xuống, nhưng mức giảm của CEO Meta được đánh giá là cao nhất trong số đó.


3. Elon Musk - Twitter (7/10)


Vào tháng 4, Musk đã đề nghị mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD nhưng sau đó lại tìm mọi cách để hủy bỏ thương vụ nhưng không thành. Cuối tháng 10, ông chính thức tiếp quản mạng xã hội này và đã đưa ra hàng loạt thay đổi gây tranh cãi.

Việc đầu tiên ông làm là giải tán ban giám đốc của Twitter đồng thời cho thôi việc hơn 50% nhân viên. Hơn 1.000 người khác không chấp nhận cách điều hành của ông chủ mới và chủ động xin nghỉ. Chỉ trong hai tháng ngắn ngủi, Musk đã làm nội bộ Twitter xáo trộn hoàn toàn.

Mới đây, vị tỷ phú này còn đăng một khảo sát trên Twitter về việc ông có nên từ chức hay không và gần 60% phản hồi đều cho rằng Elon Musk nên nhường chỗ cho một người khác. Trong khi đó, hàng loạt cổ đông lâu năm của Tesla thì đang chỉ trích Musk vì đã quá tập trung vào công ty mới mà bỏ quên hãng xe điện với tình hình kinh doanh ngày một khó khăn.

Nhận xét về điều này, ông Ross Gerber - người đứng đầu công ty đầu tư Gerber Kawasaki - cho rằng Elon Musk nên để "ai đó am hiểu truyền thông trở thành bộ mặt mới của Twitter"


4. Parag Agrawal - Twitter (7/10)


Đây có lẽ là một năm khó khăn với Twitter khi đại diện thứ 2 cũng đến từ công ty này. Đầu năm nay, Parag Agrawal đã trở thành CEO sau khi nhận được sự ủng hộ từ hội đồng quản trị. Ông được kỳ vọng mang lại luồng gió mới cho mạng xã hội sau khi người đồng sáng lập Jack Dorsey từ nhiệm.

Tuy nhiên, Elon Musk xuất hiện và tuyên bố mua Twitter đã khiến Agrawal gần như không thể thực hiện được gì trong vai trò mới. Musk và Agrawal từng là bạn nhưng rồi lại nhanh chóng đối đầu trên chính nền tảng của mình.


Ngay khi tiếp quản Twitter, Musk đã sa thải Agrawal với khoản đền bù khoảng 50 triệu USD . Theo Guardian, vai trò mờ nhạt của Agrawal khiến ông trở thành một trong những lãnh đạo công nghệ tệ của năm.


5. Sam Bankman-Fried - FTX (10/10)

Sam Bankman-Fried là CEO công nghệ tệ hại nhất năm nay theo Guardian. Ảnh: New York Post.


Người nhận "điểm tuyệt đối" trong danh sách này là nhà sáng lập kiêm cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried. Đầu năm nay, Bankman-Fried được đánh giá là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất giới tiền số và có mối quan hệ thân cận với các chính trị gia. Nhưng kể từ tháng 11, mọi thứ đã hoàn toàn đảo lộn.


Ngày 2/11, CoinDesk công khai chi tiết bảng cân đối kế toán của Alameda Research - quỹ sân sau của FTX - và cho thấy quá nửa trong số tài sản 14,6 tỷ USD thực chất là token quản trị FTT chứ không có tài sản đảm bảo. Điều này dẫn đến một làn sóng rút tiền và phá vỡ lỗ hổng thanh khoản của sàn này.


Ngày 11/11, Bankman-Fried từ chức CEO thay vì tiếp tục đứng ra giải quyết vấn đề. FTX sụp đổ và nộp đơn phá sản kéo theo hơn 100 công ty liên kết. Hơn 8 tỷ USD tiền của khách hàng bị FTX nợ nhưng chưa được trả.


Bankman-Fried hiện đã bị bắt và dẫn độ về Mỹ chờ xét xử. Theo CNBC, hồ sơ điều tra cho thấy cựu CEO này đứng sau "một trong những vụ gian lận tài chính lớn nhất lịch sử nước Mỹ" và có thể đối mặt với án tù 115 năm.

Hằng Nga

Chia sẻ Facebook