Elon Musk liệu có phải hiện thân thời hiện đại của ông vua xe hơi Henry Ford?
Người đàn ông giàu nhất hành tinh đang ôm đồm quá nhiều thứ, từ quyền tự do ngôn luận, tiền số, trí tuệ nhân tạo, xe điện đến công cuộc chinh phục Hỏa tinh.
Người ta bắt đầu thấy Musk giống với ông vua xe hơi Henry Ford - người có công giúp nước Mỹ xóa sổ xe ngựa và dần chuyển sang kỷ nguyên ô tô. Tuy nhiên, đây không phải một lời khen, bởi nếu Musk tiếp tục sa đà vào vào những thứ nhỏ nhặt, thì Tesla, công ty giúp Musk làm nên tên tuổi, sẽ sớm mất ngôi vương giống như Ford Motor Company những năm 1920.
Henry Ford nổi tiếng với tầm nhìn xa trông rộng cùng sự giàu có vượt ngoài sức tưởng tượng. Ông không phải là người phát minh ra ô tô, nhưng lại góp công rất lớn trong việc thay đổi bộ mặt thế giới vào đầu giai đoạn đầu thế kỷ 20 - thời điểm xe ngựa vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu. Với ý tưởng trả lương 5$/ngày cho nhân công, Henry Ford đã trở thành người hùng của nước Mỹ, một người luôn tham vọng chiếm lĩnh thị phần và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Giống như Musk, hai lần thất bại liên tiếp khi mới chập chững vào ngành công nghiệp ô tô không làm Ford chùn bước. Với ông, “thất bại chỉ đơn giản là cơ hội để bắt đầu lại, một cách thông minh hơn”.
Samuel Marquis, một người bạn của Ford, từng kể rằng có thời điểm, công ty ô tô của Henry có mặt trên trang nhất của mọi tờ báo trong nước. Triết lý mới của Ford đã tạo ra niềm tin, rằng “việc trở thành tâm điểm của dư luận sẽ luôn là một điều gì đó tích cực’’.
Vào những năm 1920, tham vọng của Ford thu hút sự kinh ngạc tột độ. Ông đề xuất thuê Đập Wilson thuộc sở hữu của chính phủ trên sông Tennessee, với tham vọng biến vùng đất rộng lớn Alabama nghèo khó trở thành khu đô thị công nghiệp chạy bằng năng lượng thủy điện có quy mô như Detroit. Dự án được ông “bảo lãnh’’ bằng một loại tiền kỹ thuật số mới mang tên “USD năng lượng’’ được tạo ra bởi thủy năng.
Không may, kế hoạch này sau đó phá sản. Ford bắt đầu chuyển sang sản xuất máy bay và thành lập hãng hàng không thương mại quốc gia đầu tiên vào năm 1925. Ông còn đưa ra các sáng kiến giáo dục, trong đó có việc thành lập trưởng Thương mại Henry Ford.
Những ngày sau đó, Ford mở bảo tàng lịch sử ở quê hương Dearborn, Michigan, thậm chí rót tiền núi để xây một ngôi nhà chứa đầy những kỷ vật gắn liền với tuổi thơ ông. Ford cũng mua lại một tờ báo có tên Dearborn Independent, sau đó biến nó thành một tờ báo quốc gia với số lượng phát hành khổng lồ.
Việc ôm đồm quá nhiều thứ khiến Ford dần chệch hướng. Rất nhiều kỹ sư có năng lực trong lĩnh vực xe hơi bị sa thải. Thậm chí con trai Ford là Edsel cũng bị gạt sang một bên sau khi dự báo trước những thách thức mà công ty phải đối mặt.
Ford sau đó bị nhận xét là một người “thà tạo ra dư luận còn hơn sản xuất hàng triệu chiếc xe mỗi năm”. Điều này, cùng với sự xuất hiện của Alfred P.Sloan, vị kỹ sư nổi tiếng nắm quyền kiểm soát một các công ty xe hơi General Motors đã khiến “tượng đài’’ Henry Ford dần sụp đổ.
Sloan khi đó không quan tâm đến việc trở thành người của công chúng. Anh ta chỉ đơn giản muốn soán ngôi Ford bằng cách tái thiết lập lại thị trường. Thay vì chỉ có duy nhất dòng xe Model T như Ford, General Motors cho ra đời những “chiếc xe phù hợp với mọi túi tiền và mục đích”. Các giám đốc điều hành sẽ phụ trách từng bộ phận riêng biệt, chẳng hạn như Chevrolet, Buick hay Cadillac…
Sự khác biệt bắt đầu nhân lên từ đó. Những năm 1920, Ford theo đuổi chiến lược hợp nhất theo chiều dọc, mua các khu mỏ và một lượng lớn diện tích rừng để ổn định nguồn cung nguyên liệu. Trong khi đó, Sloan lại phụ thuộc linh hoạt hơn vào các nhà cung cấp để theo đuổi các khoản đầu tư lớn lao.
Ford rót vốn lớn xây dựng Fordlandia, một thành phố bên trong khu rừng nhiệt đới Brazil để giám sát quá trình sản xuất cao su, trong khi Sloan tập trung vào việc chế tạo những chiếc xe mang phong cách riêng với giá thành phải chăng. Ford tiếp tục mong đợi người mua trả tiền mặt, còn Sloan đi tiên phong trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Năm 1929, General Motors trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Henry Ford cố gắng đánh dấu sự trở lại với dòng xe Model A nhưng đã quá muộn, bởi khi đó, General Motors đã mở rộng vị thế dẫn đầu trong thời kỳ Đại suy thoái. Chỉ khi cháu trai của Ford lên nắm quyền vào cuối Thế chiến thứ hai và chiêu mộ những nhà quản lý hàng đầu, vận mệnh của công ty mới xoay chuyển.
Đối với Tesla, lịch sử đang một lần nữa lặp lại. Cái tên có thể vượt qua Tesla với tư cách là nhà sản xuất xe điện hàng đầu có thể là Ford, bằng lối chơi của riêng mình. Giám đốc điều hành hiện nay của Ford không có hàng chục triệu người theo dõi trên Twitter. Họ cũng không ôm mộng thay đổi thế giới hay khởi động các dự án kinh doanh mới. Nói cách khác, họ không giống Henry Ford, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới hiện thân của Ford thời hiện đại - tỷ phú Elon Musk.
Theo tờ Telegraph, có rất nhiều lý do để Elon Musk mua lại Twitter, thế nhưng đi đôi với đó là những mặt trái mà Tesla phải gánh chịu. Việc giành quyền kiểm soát mạng xã hội mới sẽ bòn rút thời gian, công sức và tiền bạc của Musk, trong bối cảnh ngành công nghiệp xe điện toàn cầu đang cần một sự bứt phá.
Bằng chứng là cổ phiếu hãng xe điện Mỹ chốt phiên giao dịch hồi cuối tháng trước đã giảm tới 12% do nhà đầu tư lo ngại Elon Musk bán bớt để hoàn tất thương vụ mua Twitter. Điều này khiến vốn hóa hãng xe điện bốc hơi tới 126 tỷ USD.
Như vậy, tính từ ngày 4/4 – thời điểm Musk công bố tăng cổ phần trong Twitter, vốn hóa hãng xe điện Tesla đã giảm tới hơn 275 tỷ USD chỉ sau 3 tuần, tương đương 23%.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế