Elon Musk không được tự đăng tin về Tesla trên Twitter
Việc đăng tải thông tin liên quan tới công ty ô tô điện Tesla sẽ vẫn được quản lý chặt chẽ dù tỷ phú Elon Musk sắp sở hữu Twitter.
Theo thỏa thuận được ông Musk cam kết năm 2018 với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), bất cứ nội dung nào được đưa lên mạng xã hội có liên quan tới Tesla phải do luật sư của công ty đưa, chứ không phải bản thân ông này.
Ông Musk có nhiều khả năng sở hữu mạng xã hội Twitter và đẩy mạnh ý tưởng tự do ngôn luận. Vì vậy, ông này đã yêu cầu được kết thúc bản thỏa thuận kể trên. Tuy nhiên, vị thẩm phán liên bang tại New York (Mỹ), người từng phán quyết vụ việc, vẫn khước từ.
Năm 2018, ông Musk từng đăng thông tin các nhà quản lý tài chính cho là "sai lệch và gây hiểu lầm", rằng "đang nghĩ tới việc tư nhân hóa Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu và các khoản vay đều được bảo lãnh".
Ngay sau đó, cổ phiếu của Tesla tăng hơn 6% giá trị, nhưng lại bị bán tháo vài tuần tiếp theo, gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà đầu tư. Ông Musk đã phải nộp phạt 20 triệu USD (tương đương 460 tỷ đồng). Bản thân ông cũng phải rời ghế chủ tịch trong 3 năm.
Bên cạnh việc khước từ yêu cầu của ông Musk, vị thẩm phán liên bang tại New York cũng cho rằng, ngay cả khi có quyền tự do ngôn luận và có sở hữu Twitter, ông Elon Musk vẫn không được phép đưa tin dẫn đến "hiểu sai hoặc lừa lọc" theo luật chứng khoán.
Còn đối với bản thân vị thẩm phán, báo chí Mỹ xác nhận là ông này cũng có đầu tư chứng khoán, nhưng thời điểm khi đưa ra các phán quyết trên, ông không nắm giữ cổ phiếu của Tesla.
Những tuyên bố của Elon Musk cho thấy mục tiêu chính trong thương vụ thâu tóm Twitter là để chuyển mạng xã hội này từ công ty đại chúng thành công ty tư nhân.