Elon Musk cảnh báo Nhật Bản sẽ ‘không còn tồn tại’ nếu tỷ lệ sinh tiếp tục giảm
Hiện Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới với 29% tổng số người dân có độ tuổi trên 65.
Theo tờ The Guardian, tỷ phú Elon Musk mới đây đã đăng tải trên Twitter cảnh báo về việc Nhật Bản có thể "không còn tồn tại" nếu tỷ lệ sinh của nước này liên tục giảm như hiện nay, qua đó hối thúc chính quyền Tokyo tăng cường chấp nhận người nhập cư nhằm cân bằng thị trường lao động.
"Nguy cơ hiện nay khá rõ ràng. Trừ phi có thứ gì đó khiến tỷ lệ sinh vượt số người chết, bằng không Nhật Bản có thể không còn tồn tại nữa. Đây sẽ là một mất mát lớn cho thế giới", nhà sáng lập Tesla đăng tải trên Twitter vào cuối tuần trước.
Động thái của tỷ phú Elon Musk diễn ra sau khi số liệu chính thức của Nhật Bản cho thấy dân số nước này giảm kỷ lục 644.000 người trong năm 2021, tức năm thứ 11 giảm liên tiếp và cũng là lần giảm mạnh nhất kể từ năm 1950.
Gây tranh cãi
Những lời tuyên bố về tỷ lệ sinh đẻ tại Nhật Bản là một trong những động thái gây tranh cãi mới nhất của tỷ phú Elon Musk sau khi mua lại mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD. Thông thường những bình luận gây tranh cãi như thế này của Elon Musk nhiều khả năng sẽ bị Twitter kiểm duyệt.
Với sức ảnh hưởng của mình, bài đăng của nhà sáng lập Tesla đang tạo nên sự tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. Một số phản đối vì cho rằng không riêng gì Nhật Bản, nhiều nền kinh tế phát triển cũng đang chứng khiến đà suy giảm dân số. Trái lại những người ủng hộ Musk lại cho rằng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang chưa thực sự hiệu quả trong chiến dịch kích thích sinh đẻ.
Dân số Nhật Bản đạt đỉnh năm 2008 và từ đó đến năm 2021 đã giảm khoảng 125 triệu người bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm kích thích sinh đẻ. Trong khi đó, tỷ phú Musk từng nhiều lần bày tỏ sự lo lắng về việc suy giảm dân số toàn cầu đang đe dọa tới nền văn minh nhân loại, nhất là khi những nền kinh tế như Nhật Bản đóng vai trò quan trọng cho chuỗi cung ứng.
"Đăng tải những bài viết như vậy trên Twitter để làm gì? Trong khi đó mục đích chính của việc nghiên cứu nhân khẩu học Nhật Bản không phải là xác định liệu quốc gia này có "còn tồn tại hay không" mà là nhắm đến những tác động kinh tế, xã hội liên quan đến thách thức suy giảm dân số", chuyên gia Tobias Harris của Trung tâm CAP tại Mỹ nhận định.
Tờ The Guardian cho biết một số người thì kêu gọi chính phủ Nhật Bản nên nới lỏng thêm các quy định nhập cư sau khi kế hoạch nhận thêm tới 500.000 lao động nước ngoài vào năm 2025 đã bị phá sản vì đại dịch.
Trong khi đó, số khác thì đề nghị nên có chính sách hỗ trợ để phụ nữ sau sinh có thể trở lại làm việc dễ dàng hơn.
"Họ cứ nói rằng tỷ lệ sinh đi xuống nhưng chẳng có động thái hỗ trợ nào rõ ràng. Trong tình hình hiện nay thì bất kỳ ai nói muốn sinh con thì tôi chắc chắn người đó không sống ở Nhật", một người dùng Twitter bình luận.
Tờ The Guardian cho biết các chuyên gia nhận định nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sinh tại Nhật đi xuống là do chi phí nuôi dạy trẻ em tăng mạnh, thiếu các chương trình hỗ trợ chăm sóc trẻ em cho các bà mẹ cũng như tình trạng làm việc kéo dài gây ức chế cho người lao động.
*Nguồn: The Guardian
Băng Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế