ECB nâng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm nhằm ứng phó với lạm phát
ECB đã nâng lãi suất tiêu chuẩn thêm 0,5%, nhằm đưa lạm phát tại khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng Eurro trở lại mức mục tiêu 2% trong trung hạn.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của khu vực đồng Euro, mới đây đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 11 năm. Đây là một trong các nỗ lực của ECB nhằm kiểm soát lạm phát cao đang lan rộng trong nền kinh tế.
ECB đã nâng lãi suất tiêu chuẩn thêm 0,5%, đưa l ãi suất tiền gửi đạt 0%. Động thái này được cho là đã gây bất ngờ cho thị trường, bởi trước đó c ác nhà giao dịch dự báo mức tăng lãi suất của ECB sẽ nhỏ hơn 0,25%, theo hãng tin CNBC.
ECB tuyên bố rằng hội đồng thống đốc ngân hàng đánh giá việc thực hiện tăng lãi suất lớn hơn so với các tín hiệu đã đưa ra tại các cuộc họp trước là phù hợp với tình hình hiện tại. ECB cho biết động thái nâng lãi suất lần này nhằm đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% trong trung hạn.
Nói về việc tăng lãi suất ở mức lớn hơn, Chủ tịch ECB Christine Lagarde chia sẻ: “Lạm phát tiếp tục ở mức cao và dự kiến sẽ duy trì trên mức mục tiêu của chúng tôi trong một thời gian nữa. Dữ liệu mới đã cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại, làm mờ đi triển vọng kinh tế trong nửa cuối năm 2022 và còn hơn thế nữa".
Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, giá tiêu dùng tại khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng Euro trong tháng 6 vừa qua đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhảy vọt so với mức kỷ lục trước đó là 8,1% ghi nhận trong tháng 5.
Hồi tháng 6, ECB đã đưa ra dự báo mức lạm phát cả năm 2022 của khu vực đồng Euro sẽ đạt 6,8%, sau đó giảm về 3,5% vào năm 2023 và còn 2,1% vào năm 2024.
Đồng Euro đã tăng lên trong phiên 21/7 khi có tin tức về việc ECB tăng lãi suất mạnh, giao dịch ở mức 1,0257 USD. Lợi tức trái phiếu của Italy kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên theo tin tức này, kéo dài mức tăng sau khi Thủ tướng Italy Mario Draghi đệ đơn từ chức hôm 21/7.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định “Cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài là rủi ro đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế, đặc biệt nếu nguồn cung năng lượng từ Nga bị gián đoạn đến mức phải phân chia năng lượng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình ”.
Hôm 20/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tự nguyện giảm 15% nhu cầu khí đốt từ tháng 8 năm nay cho đến tháng 3 năm sau so với mức tiêu thụ trung bình cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2021.
“Nga đang tống tiền chúng ta. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí. Do đó, châu Âu cần phải sẵn sàng trong mọi trường hợp bị cắt phần lớn hay toàn bộ khí đốt từ Nga", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trước các phóng viên.
Nga từng cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt cho châu Âu, nhưng nguồn cung này đã giảm dần kể từ khi xung đột taạ Ukraine bắt đầu hồi tháng 2 năm nay. Moscow đã cắt nguồn cung khí đốt đến 3 nước khu vực Baltic là Phần Lan, Ba Lan và Bulgaria, đồng thời nguồn cung cho Đức và Italy cũng bị cắt giảm do liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
EC cho biết dòng khí đốt từ Nga sang EU trong tháng 6 đã thấp hơn 30% so với mức trung bình trong giai đoạn 2016-2021. Châu Âu đã nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt của Nga vào năm ngoái và tiêu thụ khoảng 400 tỷ mét khối khí đốt trong một năm bình thường trước đó .
Phạm Hà Thanh (theo CNBC, Reuters)