EC đề xuất phạt Hungary để bảo vệ ngân sách EU

Chia sẻ Facebook
19/09/2022 12:57:25

Động thái trên được đưa ra khi EU chuẩn bị gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga, và cần sự ủng hộ của toàn bộ 27 thành viên của khối, bao gồm Hungary.


Liên minh châu Âu (EU) đã gia tăng áp lực tài chính đối với Thủ tướng Viktor Orban ngay khi khối này đang cần sự ủng hộ của Hungary để gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Nga về cuộc xung đột ở Ukraine.

Ủy ban châu Âu (EC) hôm 18/9 đã đề xuất đóng băng 7,5 tỷ Euro tài trợ cho quốc gia Trung Âu.

Đây là lần đầu tiên đề xuất như vậy được đưa ra trong khối 27 quốc gia, theo một lệnh trừng phạt được đưa ra cách đây 2 năm nhằm bảo vệ pháp quyền.

EC lập luận rằng các thể chế dân chủ yếu kém của quốc gia Trung Âu không còn có thể bảo vệ các khoản quỹ của EU khỏi tham nhũng, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Brussels và chính phủ của ông Orban, người đã lãnh đạo Hungary từ năm 2010.

Quyết định hôm 18/9, được đưa ra 3 ngày sau khi Nghị viện châu Âu tuyên bố rằng Hungary không còn là “một nền dân chủ đầy đủ”, cho thấy một sự leo thang đáng kể, ảnh hưởng đến nguồn tài trợ cho chính phủ và nền kinh tế Hungary, vốn đều phụ thuộc vào nguồn tài chính từ EU.

“Quyết định của ngày hôm nay là một minh chứng rõ ràng về quyết tâm của EC trong việc bảo vệ ngân sách EU”, Ủy viên ngân sách EU Johannes Hahn cho biết tại một cuộc họp báo hôm 18/9. “Chúng tôi rất tự tin rằng cuối cùng, chúng tôi sẽ chứng kiến những cải cách đáng kể ở Hungary, đây thực sự sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi”.

Theo ông Hahn, 7,5 tỷ Euro mà EC đang đề xuất đình chỉ là tương đương với khoảng 1/3 quỹ dự kiến ​​cho Hungary từ ngân sách chung của khối cho giai đoạn 2021-2027. Ngân sách chung tổng cộng trị giá 1,1 nghìn tỷ Euro.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: EUObserver

Bộ trưởng Phát triển Hungary Tibor Navracsics, phụ trách đàm phán với EU, cho biết Budapest sẽ đáp ứng tất cả 17 cam kết đã đưa ra với EC để ngăn chặn việc mất bất kỳ khoản tài trợ nào của EU.

Người phát ngôn chính phủ Hungary Zoltan Kovacs cho biết, chính phủ Hungary sẽ “chắc chắn 100%” thực hiện các cam kết của mình. “Quyết định hôm 18/9 là một bước tiến, vì nó cho phép giải quyết nhanh chóng các câu hỏi mở”, ông nói.

Khoản quỹ bị đình chỉ tương đương 5% GDP ước tính năm 2022 của Hungary.

Tuy nhiên, động thái này là một rủi ro đối với Brussels. Các quốc gia thành viên sẽ phải đưa ra quyết định về đề xuất này trong vài tháng tới, chậm nhất là vào ngày 19/11, đúng thời điểm họ cần sự hỗ trợ của Thủ tướng Hungary để duy trì các lệnh trừng phạt của khối đối với Nga. Ông Orban, một người chỉ trích sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine, đã so sánh việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt với việc “cưỡi một con ngựa chết”.

Hôm 16/9, trong chuyến thăm đến Serbia, ông đã kêu gọi EU dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nói rằng đất nước của ông đang “rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc”.

Với việc các nền kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm lại vì giá năng lượng tăng vọt sau khi Nga cắt giảm dòng chảy khí đốt đến châu Âu theo sau xung đột ở Ukraine, EU sẽ phải thực hiện các thay đổi đối với lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga vào tháng 12 tới để tích hợp cơ chế mới về giới hạn giá dầu do Washington thúc đẩy. Quyết định đó cần có sự nhất trí cao của các thành viên trong khối.


Vào cuối tháng 1 tới, EU sẽ cần lật lại hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế mà họ đã áp đặt lên Nga kể từ khi giao tranh bắt đầu, một lần nữa cần sự ủng hộ của tất cả 27 quốc gia thành viên, bao gồm cả Hungary .


Minh Đức (Theo Wall Street Journal, Anadolu Agency)

Chia sẻ Facebook