Đường rất cần, rừng càng cần hơn
Đường ngàn tỉ Dung Quất - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối và phát triển "mặt tiền biển" dãi đất miền Trung. Dự án này được phê duyệt hướng tuyến từ năm 2019 đã phải thay đổi để giữ lấy rừng dương phòng hộ ven biển.
Người dân vui mừng khi rừng dương phòng hộ trăm năm được giữ lại. Vui hơn nữa là những góp ý của dư luận đã được lắng nghe và chỉnh sửa ngay lập tức.
Thấy tiếc rừng dương...
Ông Phan Đình Thành, cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, mở tấm bản đồ hướng tuyến rồi giải thích: "Tuyến đường màu đỏ gần biển là hướng tuyến cũ. Tuyến màu xanh xa biển hơn là hướng tuyến mới. Anh em nỗ lực hướng lại tuyến cho kịp tiến độ thi công công trình trọng điểm này".
Để thông tin thêm, ông Thành mở Google Map cho thấy rõ tuyến đường đi qua khu vực triền cát trắng và đất hoa màu. "Phần xanh của rừng giáp biển không tác động nữa. Trước đây, tuyến đường đi giữa rừng nên thẳng tắp. Giờ có đoạn phải chấp nhận cong cong. Chúng tôi đã nỗ lực bảo đảm hài hòa nhất giữa đường và rừng", ông Thành thông tin.
Là cán bộ trực tiếp xuống hiện trường, ông Thành vẫn nhớ thời điểm dự án sắp triển khai xây dựng, khi xuống hiện trường, đâu đó có những tiếc nuối về rừng dương sẽ mất đi ít nhiều vì tuyến đường. "Đường rất cần nhưng rừng dương cũng vậy. Tuyến đường kết nối liên vùng miền Trung tạo bứt phá cho khu vực ven biển không chỉ riêng một tỉnh. Mà rừng dương phòng hộ cũng quá quan trọng, để vơi bớt rừng dương là rất có lỗi với người dân, đặc biệt trong sự biến đổi khí hậu gần đây", ông Thành tâm sự.
"Nén tuyến đường bảo vệ rừng dương" là quyết định cuối cùng của không chỉ tập thể ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh mà còn của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Sở GTVT tỉnh đã chủ trì phối hợp cùng các sở ngành và chính quyền địa phương cùng giải quyết. Áp lực thời gian triển khai thực hiện dự án trọng điểm đè nặng. Trong khi việc điều chỉnh cục bộ tuyến 25km đi qua nhiều địa phương liên quan không phải đơn giản. "Tiêu chí nào cũng phải đảm bảo, nhưng mục tiêu giữ được khu rừng cũng phải hoàn thành", ông Thành nói.
Chỉnh đường giữ rừng, dân vui khi được lắng nghe
Từ ý kiến của huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ, cũng như được đồng thuận cao của các sở, ngành, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký quyết định thống nhất hướng tuyến mới. Nhờ vậy, rừng dương được giữ lại gần như trọn vẹn. Nếu hướng tuyến trước đây, sẽ trực tiếp làm mất hơn 35ha rừng phòng hộ và "xé đôi" khu rừng, thì phóng tuyến mới chỉ tác động rất nhỏ. Phần tác động này đến từ việc trồi ra thụt vào của các khoảng rừng giáp với rừng sản xuất của các hộ dân nằm phía tây của dự án. Trong khi đó tuyến đường giao thông không thể cong theo rừng, cần bảo đảm thẳng thớm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật giao thông.
Để có được rừng dương dọc biển 25km, bề dày của rừng có nơi lên đến 1km không phải ngày một ngày hai. Những cụ cao niên vùng bãi ngang Mộ Đức, Đức Phổ kể rằng rừng dương đã có trước cả khi họ ra đời. Trải qua chiến cuộc, rồi thiên tai, rừng dương có số chết, hư hỏng. Rồi chính quyền và người dân lại trồng tiếp sau mỗi đợt gió bão. "Chẳng cây gì sống nổi nếu không có rừng dương khi gió và nước biển không bị chặn lại. Làng mạc cũng khó thoát với bão tố", ông Sáu Lực (xã Đức Minh, huyện Mộ Đức) nói.
Ông Sáu Lực kể cái lần nghe làm đường ven biển, ông mừng lắm. Nhưng rất nhanh sau đó, niềm vui chuyển sang nỗi buồn khi biết tin đường sẽ đi giữa rừng dương. Những người lớn tuổi như ông Lực phản ảnh lên chính quyền địa phương. "Nghe đường không xuyên rừng dương nữa tôi mừng lắm, mừng nhất là cán bộ biết lắng nghe dân", ông Sáu Lực nói.
Ông Võ Xuân Cẩm (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ) nói rằng hướng tuyến mới dù có tác động một phần rừng nhưng đây là rừng nghèo, tiếp giáp với đất sản xuất của bà con, không ảnh hưởng lớn đến giá trị rừng như trước đây. "Nhìn chung, tôi và bà con rất hài lòng. Phần rừng bị tác động sau chỉnh tuyến phải chấp nhận để con đường thẳng thớm và đẹp. Vậy là quá ổn rồi. Tôi mong việc gì dân góp ý cũng được chính quyền lắng nghe, như cái đường cả ngàn tỉ này đã chuẩn bị khởi công rồi mà cũng thay đổi cho phù hợp với nguyện vọng của bà con là quá tuyệt vời", ông Cẩm tâm sự.
Tuyến đường kết nối miền Trung
Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh có chiều dài 99km, tổng vốn đầu tư khoảng 5.600 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành sẽ kết nối với tuyến đường ven biển Quảng Nam và Bình Định, tạo thành tuyến giao thông kết nối liên vùng dọc miền Trung, đáp ứng bước phát triển đột phá cho khu vực ven biển.
Tổng tuyến dọc miền Trung sau khi hoàn thành sẽ tạo thành một con đường rất đẹp, phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ và nâng tầm các cảnh điểm rất đẹp ở phía biển của các tỉnh. Ngoài ra, tuyến đường còn "chia lửa" cho quốc lộ 1.
Dự án đường Trì Bình - Dung Quất từng được kỳ vọng sẽ kết nối giao thông giữa Khu kinh tế Dung Quất với quốc lộ 1 và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thế nhưng sau 7 năm triển khai, con đường huyết mạch giờ thành điểm nghẽn.