Đường đua marathon chống đại dịch Covid-19 sắp đến vạch đích

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 01:23:40

Theo ước tính, 19,8 triệu ca tử vong đã được ngăn chặn vào năm 2021 nhờ có vắc-xin, và 12 tỷ liều vắc-xin Covid các loại đã được tiêm trên khắp thế giới.


Thế giới chưa bao giờ ở vị thế tốt hơn để chấm dứt đại dịch Covid-19 như bây giờ, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 14/9. Đây là nhận định lạc quan nhất của ông về cuộc khủng hoảng sức khỏe kéo dài nhiều năm đã giết chết hơn 6 triệu người trên toàn cầu.

“Chúng ta vẫn chưa đạt đến thời khắc đó. Nhưng hồi kết của đại dịch đã trong tầm mắt”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo trực tuyến.


Đó là đánh giá lạc quan nhất của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc (LHQ) kể từ khi họ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế vào tháng 1/2020 và bắt đầu mô tả Covid-19 là một đại dịch toàn cầu 3 tháng sau đó.


Loại virus này đã khiến gần 6,5 triệu người tử vong và 606 triệu người mắc bệnh, làm chao đảo các nền kinh tế toàn cầu và áp đảo các hệ thống chăm sóc sức khỏe .

Việc triển khai vắc-xin và các liệu pháp điều trị đã giúp ngăn chặn các ca tử vong và nhập viện, và biến thể Omicron xuất hiện vào cuối năm ngoái, lây lan nhanh hơn nhưng gây ra ít ca bệnh nghiêm trọng hơn, dường như là một bước ngoặt của đại dịch.

Số ca tử vong hàng tuần trên toàn cầu đã giảm xuống còn 11.118 ca vào ngày 5/9 - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, theo trang web của WHO.

Một nhân viên y tế tiêm một liều vắc-xin Novavax Covid-19 tại một cở sở ở Schwenksville, Pennsylvania, Mỹ, ngày 1/8/2022. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, người đứng đầu WHO hôm 14/9 cũng một lần nữa kêu gọi các quốc gia duy trì cảnh giác và ví đại dịch này giống như một cuộc chạy đua marathon.

“Chúng ta đã nhìn thấy vạch đích. Chúng ta đang ở vị trí chiến thắng. Bây giờ là lúc để chạy miệt mài hơn, đảm bảo rằng chúng ta sẽ về đích và gặt hái phần thưởng cho tất cả những công lao khó nhọc mà chúng ta đã bỏ ra”, ông nói.

Các quốc gia cần xem xét kỹ các chính sách của mình và tăng cường các chính sách đó trong cuộc chiến với Covid-19 và các loại vi-rút trong tương lai, ông Tedros nói. Ông cũng kêu gọi các quốc gia tiêm vắc-xin cho 100% các nhóm có nguy cơ cao và tiếp tục xét nghiệm vi-rút.

WHO cho biết, các quốc gia cần duy trì nguồn cung thiết bị y tế và nhân viên y tế đầy đủ.

Điểm sáng trong cuộc chiến dai dẳng

“Chúng tôi dự đoán sẽ có những làn sóng lây nhiễm trong tương lai, có khả năng xảy ra vào các thời điểm khác nhau trên khắp thế giới do các biến thể phụ khác nhau của Omicron hoặc thậm chí các biến thể đáng lo ngại khác”, nhà dịch tễ học cấp cao của WHO Maria Van Kerkhove cho biết.

Với hơn 1 triệu ca tử vong chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, Covid vẫn là tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu và ở hầu hết các quốc gia.

“Làn sóng Covid-19 mùa hè, được thúc đẩy bởi các dòng phụ của biến thể Omicron là BA.4 và BA.5, cho thấy đại dịch vẫn chưa kết thúc vì vi-rút vẫn tiếp tục lưu hành ở trong và bên ngoài châu Âu”, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết.

WHO kêu gọi các quốc gia tiêm vắc-xin cho 100% các nhóm có nguy cơ cao và tiếp tục xét nghiệm vi-rút. Ảnh: The Times

Nhưng điểm sáng trong cuộc chiến dai dẳng này là các chính phủ hiện đang xem xét cách tốt nhất để quản lý Covid như một phần của quy trình giám sát và chăm sóc sức khỏe định kỳ của họ, ví dụ như việc phê duyệt vắc-xin đặc hiệu nhắm vào biến thể Omicron cũng như chủng ban đầu của vi-rút SARS-CoV-2, và các chiến dịch tiêm mũi tăng cường cho mùa đông tới ở châu Âu, Anh và Mỹ.

“Có lẽ công bằng mà nói hầu hết thế giới đang vượt ra khỏi giai đoạn khẩn cấp của ứng phó đại dịch”, Tiến sĩ Michael Head, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), nhận định.


Cuộc họp tiếp theo của các chuyên gia WHO để quyết định xem liệu đại dịch có còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không sẽ diễn ra vào tháng 10 tới, người phát ngôn của WHO cho biết .


Minh Đức (Theo Reuters, The Guardian)

Chia sẻ Facebook