Được giao vốn đầu tư công cao kỷ lục: Bộ GTVT chạy đua giải ngân

Chia sẻ Facebook
17/01/2023 00:39:58

Năm 2023, Thủ tướng giao Bộ GTVT kế hoạch vốn đầu tư công hơn 94,1 nghìn tỷ đồng (tương đương tốc độ giải ngân bình quân đạt hơn 257 tỷ đồng/ngày), đây là số vốn đầu tư công lớn nhất lịch sử ngành giao thông được giao. Để “tiêu” hết số tiền này, cùng phần vốn còn lại của năm 2022 chuyển sang, ngành giao thông xác định sẽ phải làm cật lực không có ngày nghỉ trong năm mới này.

Được giao vốn đầu tư công cao kỷ lục: Bộ GTVT chạy đua giải ngân

Không nghỉ Tết, giải ngân bình quân 257 tỷ đồng/ngày

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, ban đầu, bộ chỉ đăng ký vốn kế hoạch đầu tư công của năm 2023 hơn 71 nghìn tỷ đồng. Sau đó Thủ tướng tin tưởng và giao bộ tổng số vốn kế hoạch hơn 94,1 nghìn tỷ đồng, đây là số vốn đầu tư công cao nhất từ trước tới nay mà bộ được giao. Bộ GTVT đặt mục tiêu tới hết năm nay sẽ giải ngân tối thiểu 90% số vốn kế hoạch trên, điều này được xác định là nhiệm vụ và thách thức vô cùng lớn.

Đặc biệt, ngoài số vốn kế hoạch trên, Bộ GTVT còn số vốn chưa giải ngân hết của năm 2022 chuyển sang, như vậy tổng số vốn bộ này thực hiện trong năm 2023 lên tới khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Để giải ngân được số vốn lớn như vậy, trong năm mới, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục để khởi công 23 dự án giao thông lớn, hoàn thành đưa vào sử dụng 29 dự án khác đang thi công. Và như vậy, tính riêng vốn giao mới, bình quân mỗi ngày tốc độ giải ngân phải đạt tương đương hơn 257 tỷ đồng/ngày.

Tiến độ thi công đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đang được đẩy nhanh trong năm 2023. Ảnh: Đ.Quang

Cụ thể, theo kế hoạch Bộ GTVT dự kiến trong năm nay sẽ khởi công cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cầu Đại Ngãi… Đẩy nhanh tiến độ thi công 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vừa khởi công (ngoài 12 gói thầu đã triển khai, phấn đấu 13 gói thầu còn lại sẽ chọn xong nhà thầu thi công trong tháng 1 này); thúc tiến độ Dự án sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, kênh Chợ Gạo, luồng sông Hậu…

Cũng trong năm nay, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành 7 đoạn cao tốc, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2. Năm 2024, sẽ tiếp tục hoàn thành cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, ngoài sự chủ động của bộ, chỉ đạo của Chính phủ, còn cần sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương. Ngay những ngày đầu năm 2023, Bộ GTVT đã họp quán triệt tới tất cả các đơn vị liên quan để: ở công trình trọng điểm lực lượng thi công sẽ không nghỉ Tết; Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, quý; Phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án; Thường xuyên rà soát, cập nhật tiến độ từng dự án để kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án khác làm tốt hơn…

“Bộ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường thanh kiểm tra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm, cản trở tiến độ giải ngân, song song với khen thưởng cho cá nhân, tổ chức làm tốt”, ông Huy nói.


Xong cao tốc, quay sang đường sắt tốc độ cao

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ GTVT vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, giao thông sẽ là lĩnh vực được kỳ vọng và ưu tiên đầu tư trong thời gian tới. Cả giai đoạn 2021-2025, ngân sách huy động các nguồn khác nhau được gần 500 nghìn tỷ đồng ưu tiên cho đầu tư hạ tầng giao thông (cả nhiệm kỳ trước giao thông chỉ được 136 nghìn tỷ đồng đầu tư công).

Trong đó, ngân sách ưu tiên đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, định hướng tất cả các tỉnh thành đều có cao tốc đi qua, kết nối liên vùng, để từ nhiệm kỳ sau sẽ tập trung cho đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Thủ tướng cũng ghi nhận nỗ lực của Bộ GTVT trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, dù được giao số vốn lớn (hơn 50 nghìn tỷ đồng), nhưng cơ bản giải ngân hết.

Để giải ngân hết số vốn đầu tư công rất lớn này trong năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cụ thể như giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, với giải pháp phân cấp cho địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng trước, nên trong 1 năm đã xong 70% mặt bằng, công việc mà trước đây phải mất 3-4 năm.

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT trong việc chia gói thầu, đấu thầu chọn nhà thầu phải minh bạch, trong sáng, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Việc chia gói thầu không thể quá nhỏ, dàn trải, rồi mua - bán thầu, để tránh tiêu cực, tham nhũng. Bộ GTVT cũng cần làm tốt việc kiểm soát chất lượng, tiến độ, tuyệt đối không để xảy ra đội vốn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm ảnh hưởng tới chất lượng, tiến độ dự án giao thông…

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy cũng cho hay, trong năm 2022, lãnh đạo bộ đã chủ trì trên 600 cuộc họp và rất nhiều đợt kiểm tra hiện trường, làm việc bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, thúc giải ngân vốn. Nhờ đó, tới hết năm vừa qua, Bộ GTVT giải ngân được hơn 47,9 nghìn tỷ đồng trong tổng số hơn 50 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được giao (đạt 87% tổng vốn kế hoạch); dự kiến tới hết tháng 1/2023 sẽ giải ngân đạt hơn 95% kế hoạch vốn đầu tư công của năm. Trong năm vừa qua, Bộ GTVT đã khởi công 18 dự án giao thông, hoàn thành đưa vào khai thác 22 dự án khác.

Các dự án giao thông lớn đã khởi công năm vừa qua như 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, cầu Rạch Miễu 2, dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch… Những dự án đã đưa vào khai thác như đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, thông xe kỹ thuật 3 đoạn cao tốc khác (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây); hoàn thành dự án nâng cấp sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM); xong dự án nâng cấp đường sắt Bắc - Nam…

Chia sẻ về việc triển khai các dự án giao thông, lãnh đạo Bộ GTVT đã thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ một số dự án giao thông năm vừa qua còn chậm. Nguyên nhân là ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời tiết mưa nhiều, khan hiếm vật liệu xây dựng, vướng mặt bằng; một số ban quản lý dự án (chủ đầu tư), nhà thầu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chưa sâu sát quá trình thực hiện dự án. Năm vừa qua, Bộ GTVT cũng đã chấn chỉnh, phê bình 50 đơn vị chưa thực hiện tốt tiến độ, chất lượng công trình, trong đó có 7 chủ đầu tư, 12 nhà thầu tư vấn, 31 nhà thầu thi công; cắt chuyển khối lượng với nhà thầu thi công chậm, xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng.

Lê Hữu Việt


Tiền phong

Chia sẻ Facebook