Đừng vội khó chịu, phiền hà khi mẹ đi đâu cũng "tay xách nách mang"
Hình ảnh những bà mẹ đi đâu cũng “tay xách nách mang” cả thế giới đã quá quen thuộc. Dù nặng nề, vất vả nhưng mẹ vẫn làm vì đó là thói quen chăm lo cho gia đình khó bỏ.
Người ta vẫn thường nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đặc biệt, mẹ chính là người thu vén, chăm lo cho gia đình chu toàn. Hàng ngày, mẹ là người đi ngủ muộn nhất, lúc nào cũng thức chờ chồng, chờ con về. Sau đó mẹ lại kiểm tra nhà cửa, các phòng đã đóng kín chưa, đồ ăn, thức uống đã được sắp xếp gọn gàng hay chưa…
Bạn có để ý mỗi lần đi đâu, mẹ vẫn thường "tay xách nách mang" cả thế giới. Điều đó, đôi khi khiến các thành viên trong gia đình khó chịu. Tuy nhiên, chỉ những người mẹ mới hiểu tại sao cần phải làm như vậy.
Mẹ đi đâu cũng "tay xách nách mang"
Đi bất cứ đâu, mẹ cũng là người "tay xách nách mang" nhiều nhất. Từ việc về quê ngoại, đi du lịch, đi đám cưới,... Nào là đồ ăn, nước uống, nào là quần áo, thuốc men đều được mẹ mang đi đầy đủ. Nhiều thành viên trong gia đình cho rằng mẹ không cần mang nhiều đồ như vậy. Đó đều là những thứ không cần dùng đến hoặc nếu thiếu đến nơi đều có thể mua. Nhưng mẹ vẫn kiên quyết mang theo cho bằng được.
Thế là mỗi lần đi đâu mẹ đều túi lớn, túi bé như mang theo cả thế giới. Dù có nặng đến mấy mẹ vẫn không kêu than một câu. Thậm chí, mẹ còn cảm thấy số đồ mình mang vẫn chưa đủ. Hình ảnh này đã quá quen thuộc với các độc giả của YAN , chỉ cần nhìn thấy là nhớ ngay tới mẹ của mình.
Hoàng Thảo (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ cả nhà cô vừa có chuyến du lịch Hạ Long. Nếu như các con ai nấy đều lo chuẩn bị quần áo, váy vóc lộng lẫy thì mẹ lại chỉ chăm chăm mang theo đủ các vật dụng của gia đình đi cùng.
“Mẹ mình mang theo đủ thứ từ nước lọc, ô, áo mưa, dầu gội đầu, sữa tắm, bàn chải đánh răng, máy sấy,... Mặc dù mình đã nói những thứ đó khách sạn đều có đủ nhưng mẹ vẫn kiên quyết mang. Thậm chí mẹ mình còn mang theo cả bánh mì với cơm nắm để ăn sáng. Ngay cả bố mình cũng cản nhưng mẹ vẫn cố mang bằng được. Thế là các thành viên trong gia đình cũng phải thuận theo”.
Quang Nguyễn (28 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ mẹ anh cứ đi đâu là mua cả thế giới về làm quà. Lúc đi thế nào thì khi về phải gấp đôi số đó. Chính vì thế, nhiều khi đi chơi có 2-3 ngày mà nhìn vào số đồ mẹ mang Quang Nguyễn tưởng chừng có thể dùng cả tháng.
“Mẹ mình mang nhiều đến nỗi mà lên xe người ta còn hỏi đi đâu mà mang lắm thế này, chuyển nhà à. Nhất là khi đã mua quà thì mẹ mình phải mua đủ từ ông bà, cô dì chú bác họ hàng. Dù có tay xách nách mang nặng nề nhưng mình cảm nhận được tình cảm mà mẹ dành cho mọi thành viên trong nhà”.
Đừng vội khó chịu!
Không ít người cảm thấy khó chịu khi đi đâu cũng thấy mẹ mang vác đồ lỉnh kỉnh. Thậm chí, đã muộn giờ nhưng mẹ vẫn cố nán lại để lấy thêm đồ. Thực chất, có ai không muốn được thảnh thơi?
Chẳng ai muốn bản thân phải khệ nệ mang theo hết thứ nọ đến thứ kia. Nhất là trong các chuyến đi chơi vừa chật chội, vừa phải mang vác đồ đạc nặng nhọc. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao mẹ lại làm như vậy hay chưa?
Những món đồ đó có bao nhiêu để dùng cho riêng bản thân mẹ? Có bao nhiêu là mang cho các thành viên trong gia đình?
Đôi khi chúng ta hay trách cứ mẹ vì mang nhiều đồ mà mất thời gian nhưng chính những món đồ đó lại “cứu nguy” đúng lúc. Điều này đã được không ít thành viên thuộc cộng đồng Cột sống Gen Z xác nhận. Những món đồ tưởng chừng thừa thãi của mẹ sẽ có lúc phát huy tác dụng triệt để.
Tôi vẫn còn nhớ trong một lần gia đình đi chơi, mẹ nhất quyết mang theo cả đống thuốc, nhiệt kế. Khi ấy ai cũng bảo mẹ mang gì mà lắm thế. Vậy nhưng, ngay đêm thứ 2 đi chơi những món đồ mẹ mang đã phát huy tác dụng. Khi ấy, nhà anh chị tôi có một cháu bé 2 tuổi, bình thường cháu rất khỏe nhưng nửa đêm lại sốt cao.
Khi ấy đã muộn, hiệu thuốc đóng cửa. Cũng may có chiếc nhiệt kế với thuốc mẹ mang theo. Trong đó có miếng dán hạ sốt cho trẻ em. Nhờ vậy mà sáng hôm sau cháu đã đỡ sốt hơn, sức khỏe cũng không có gì đáng ngại.
Chính vì thế, đừng vội khó chịu với việc "tay xách nách mang" của mẹ. Đó chỉ là thói quen mẹ muốn chăm lo từng li từng tí một cho gia đình. Nếu không phải mang theo những món đồ ấy, thậm chí mẹ còn nhàn hạ hơn rất nhiều. Thay vì khó chịu, cằn nhằn thì hãy xách đồ giúp mẹ, chia sẻ “cả thế giới” ấy với mẹ bạn nhé.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi group "Cột sống" GenZ để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.
Trong gia đình, mẹ luôn là người có vai trò cực kỳ quan trọng. Dù vất vả, mệt mỏi những họ vẫn không bao giờ than phiền việc mà mình làm vì chồng, vì con. Có thể đôi lúc bạn thấy mẹ suốt ngày càm ràm, đi đâu cũng mất thời gian sắp xếp, chuẩn bị đồ. Thế nhưng tất cả những việc đó đều muốn tốt cho các thành viên trong gia đình. Thử hỏi một ngày không có mẹ thu vén, quán xuyến mọi việc thì nhà cửa sẽ như thế nào? Chính vì thế, đừng vội trách mẹ mà hãy đặt mình vào vị trí của mẹ nhiều hơn để lắng nghe và thấu hiểu. Lúc ấy bạn sẽ không còn khó chịu mà sẽ thấy thương mẹ nhiều hơn.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !