Dùng tro, xỉ làm đường cao tốc được không?
Cách đây hơn một năm, Thủ tướng đã phải ra chỉ thị thúc việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng. Trong bối cảnh nguồn cát cạn kiệt, nhiều người nghĩ ngay đến việc dùng tro, xỉ để san lấp, đắp nền cao tốc. Tuy nhiên thực tế lại khác...
Hiện vẫn còn hơn 48,4 triệu tấn tro, xỉ điện than đang tồn đọng tại các bãi chứa của 29 nhà máy điện than trên cả nước và tro, xỉ nhiệt điện chỉ bắt đầu được sử dụng quy mô nhỏ để làm nền đường giao thông nông thôn.
Việc xây dựng tiêu chuẩn sử dụng tro, xỉ điện than đắp nền cao tốc khá phức tạp, nó liên quan tới tính cơ lý của từng loại tro, xỉ. Hơn nữa, tro, xỉ nhiệt điện có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên việc vận chuyển tro, xỉ ra khỏi các bãi thải hiện nay phải được cấp phép của cơ quan quản lý về môi trường.
TS LÊ VĂN CƯ
Chục triệu tấn tro, xỉ chưa biết đổ đâu
Ngoài việc tồn đọng khoảng 48,4 triệu tấn tro, xỉ, trong quá trình vận hành 29 nhà máy này, mỗi năm có thêm khoảng 16 triệu tấn tro, xỉ thải ra môi trường.
Để xử lý hàng chục triệu tấn tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện, tháng 3-2021, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 08 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Theo Bộ Xây dựng, sau một năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, lượng tiêu thụ tro, xỉ các nhà máy nhiệt điện có tăng lên, tuy nhiên lượng tiêu thụ tro, xỉ một năm qua chỉ đạt 14/16 triệu tấn tro, xỉ, tương đương khoảng 87% lượng tro, xỉ các nhà máy thải ra môi trường cùng kỳ năm ngoái.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, lượng tiêu thụ tro, xỉ các nhà máy điện than những năm qua tăng lên đáng kể (năm 2019 lượng tiêu thụ đạt 50%, năm 2020 tăng lên 60% và năm 2021 tăng lên 87% - PV).
Tuy nhiên việc xử lý tro, xỉ thấp hơn lượng tro, xỉ thải ra môi trường hằng năm đang làm các bãi tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện ngày một nhiều hơn, lượng tro, xỉ nhiệt điện tồn đọng tại các bãi ngày càng tăng lên.
Bộ Xây dựng cũng cho biết trong 16 triệu tấn tro, xỉ thải ra năm 2021, miền Bắc chiếm 64%, miền Trung 25%, miền Nam 11%.
Nhà máy điện than có lượng phát thải tro, xỉ lớn nhất nước hiện nay là Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, mỗi năm thải khoảng 2,2 triệu tấn tro, xỉ.
Địa phương có lượng phát thải tro, xỉ lớn nhất cả nước hiện nay là tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm các nhà máy điện trên địa bàn xả ra môi trường khoảng 6,7 triệu tấn tro, xỉ. Lượng tro, xỉ tồn kho tại bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện cuối năm 2021 tăng 7% so với cuối năm 2020.
Ngành giao thông "khước từ"
Việc sử dụng tro, xỉ để làm vật liệu san lấp đã được chủ đầu tư, tỉnh Bình Thuận cũng như các bộ ngành trung ương đưa ra bàn từ nhiều năm trước khi đứng trước tình trạng khả năng hết chỗ chứa ở các bãi.
Trong khi đó, nhiều công trình xây dựng đang "đói" nguồn vật liệu san lấp. Tuy nhiên, khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc dùng tro, xỉ (tro bay và xỉ đáy lò) của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân làm vật liệu san lấp, ông Cao Sơn Dũng, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện quy mô của việc này vẫn còn nhỏ lẻ, gặp nhiều rào cản, chưa triệt để...
Cụ thể, các đơn vị thi công những công trình giao thông vẫn dè chừng, thậm chí "khước từ". Đơn cử như công trình đường cao tốc, các nhà thầu cho rằng do yếu tố kỹ thuật cao, trong khi tro, xỉ là vật liệu mới, chưa từng sử dụng nên không thể mạo hiểm dùng vào san lấp.
Trong khi đó, các đơn vị chức năng ở tỉnh Bình Thuận từng thí nghiệm dùng tro, xỉ làm nền đường giao thông nông thôn. Quá trình thí nghiệm trải qua các công thức, tiêu chuẩn phối trộn mới đảm bảo các yếu tố kỹ thuật nên cũng "bó tay".
Ông Dũng cho biết thêm hiện các đơn vị chức năng tại tỉnh Bình Thuận đang nghiên cứu, tham mưu dùng tro, xỉ các nhà máy nhiệt điện này để san lấp ở những công trình công cộng, dân dụng, đồng thời động viên - vận động các công trình từ nguồn vốn khác sử dụng. "Đó mới chỉ là san lấp, còn các giải pháp khác vẫn đang loay hoay", ông Dũng nói thêm.
Ông Phan Ngọc Cẩm Thành - phó tổng giám đốc Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân, chủ đầu tư Nhà máy Vĩnh Tân 1 - cho biết khoảng 90% lượng tro, xỉ phát sinh hiện nay sau khi sản xuất điện tại nhà máy đã được tái sử dụng, còn lại đưa ra bãi chứa.
Ông tính toán mỗi ngày tại nhà máy phát sinh khoảng 4.000 tấn tro, xỉ. Bãi chứa tro, xỉ của nhà máy rộng gần 60ha đến nay chiếm khoảng 40% công suất, tương đương 3,6 triệu tấn. Phần lớn đây là số lượng tồn đọng trước khi có các đơn vị thu mua.
Bàn thêm về câu chuyện sử dụng làm vật liệu san lấp ở các công trình giao thông, ông Thành cho rằng mặc dù tro, xỉ của nhà máy đã được cấp các quy chuẩn nhưng vẫn chưa có đơn vị nào tiêu thụ. Theo ông, hằng ngày các đơn vị thu mua đưa xe bồn đến nhà máy, chở đi các nơi khác sử dụng, phần lớn làm phụ gia ximăng và các loại vật liệu gạch không nung.
Chưa có tiêu chuẩn dùng tro, xỉ cho đường cao tốc
Bàn về kỳ vọng dùng tro, xỉ, đặc biệt là tro, xỉ nhiệt điện để san lấp hay đắp nền cao tốc để giải phóng hàng chục triệu tấn tro, xỉ tại bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện than, theo nhiều chuyên gia về vật liệu, đến nay chưa có tiêu chuẩn về việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm các dự án, công trình xây dựng lớn như đắp nền cao tốc hoặc chi phí xử lý tro, xỉ của một số nhà máy nhiệt điện có công nghệ lạc hậu rất lớn.
Tro, xỉ một số nhà máy như nhiệt điện Vũng Áng 1, các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân số 1, số 2 và số 4 có tiêu chuẩn kỹ thuật không hấp dẫn để sử dụng làm vật liệu, vì vậy các nhà máy này khó tiêu thụ tro, xỉ thải ra trong quá trình vận hành.
Còn theo Bộ Xây dựng, bãi chứa tro, xỉ một số nhà máy nhiệt điện nằm xa nơi tiêu thụ như các nhà máy sản xuất ximăng, các loại vật liệu khác, hoặc các công trình lớn, chi phí vận chuyển tro, xỉ đến nơi tiêu thụ lớn cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ tro, xỉ thải ra hằng ngày.
Vì vậy, đến nay dù Bộ Xây dựng đã ban hành 19 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn, 7 chỉ dẫn kỹ thuật, 3 định mức kinh tế kỹ thuật nhưng việc tiêu thụ tro, xỉ nhiệt điện chưa thực sự được cải thiện.
TS Lê Văn Cư, viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, cho biết đến nay việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn để sử dụng tro, xỉ nhà máy điện than để đắp nền đường cao tốc chưa xong. Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Vật liệu xây dựng thực hiện nhiều năm nhưng chưa hoàn thành.
Trà Vinh dùng tro, xỉ làm đường nông thôn
Thời gian gần đây, khi giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát hút hàng, tăng giá, áp lực tìm kiếm giải pháp san lấp thay thế ngày càng lớn.
Tại Trà Vinh hiện có Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải thải ra lượng tro, xỉ rất lớn, đang được tận dụng trong xây dựng, san lấp, làm đường giao thông nông thôn, hương lộ (đường giao thông giữa các làng xã nói chung). Tuy vậy, hiện 3 nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 2 và 3 còn khoảng 3,67 triệu tấn tro, xỉ đang trữ tại bãi chứa.
Ông Lê Minh Tân, giám đốc Sở Xây dựng Trà Vinh, cho biết việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng trong thành phần các công trình này khá thuận lợi.
Ông Trần Phước Lợi, phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận Hòa TV (chuyên san lấp mặt bằng cho các dự án), cho biết qua khảo sát nhiều nơi và đi thực tế tại nhiều công trình cho thấy chất lượng san lấp mặt bằng (đường giao thông, công trình dân dụng, công nghiệp...) từ tro, xỉ không hề thua kém so với san lấp bằng cát. Đặc biệt, mỗi khối tro, xỉ khi san lấp có giá chỉ bằng 2/3 khối cát.
Ông Lợi kiến nghị để việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp một cách phổ biến, ngoài tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tro, xỉ cũng là một vật liệu san lấp thông thường, trong hồ sơ thiết kế ban đầu nên đưa tro, xỉ vào làm vật liệu san lấp có thể thay thế cát bởi nếu hồ sơ chỉ ghi nội dung là "cát" thì không thể sử dụng tro, xỉ được.
M.TRƯỜNG - C.QUỐC
Nhiều nước tận dụng tối đa tro, xỉ
Theo trang researchgate.net, tro, xỉ có thể được sử dụng trong chế biến vật liệu như trộn chung với ximăng theo tỉ lệ nhất định để có được hỗn hợp ximăng trộn, hoặc được dùng để sản xuất bêtông...
Các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh... sử dụng khá phổ biến tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than để xây dựng các công trình xây dựng, trong đó có làm đường.
Tại Anh, hầu hết tro đáy (xỉ) được sử dụng trong sản xuất các khối ximăng dùng trong ngành xây dựng. Ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới, tro đáy được sử dụng làm vật liệu tổng hợp trong sản xuất bêtông.
Tại châu Âu, nhiều công ty ximăng đã sử dụng tro bay để sản xuất sản phẩm gọi là ximăng trộn. Việc sử dụng tro bay trong sản xuất ximăng giúp các công ty này tiết kiệm được chi phí do giá tro bay chỉ bằng 1/3 giá ximăng thông thường.
Tại Đức, phần lớn tro, xỉ được sử dụng để lấp và cải tạo các mỏ than đã cạn kiệt. Một lượng nhỏ tro, xỉ được sử dụng trong khai thác hầm mỏ, cải tạo đất và sản xuất ximăng cũng như bêtông dùng trong xây dựng, làm đường.
Tại Trung Quốc, nhìn chung tro, xỉ chủ yếu được sử dụng như một nguyên liệu thêm vào trong bêtông và ximăng để phục vụ ngành xây dựng, trong đó có làm đường.
Ở Nhật Bản, tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện được sử dụng làm vật liệu xây dựng, làm kè đường, nền đường, vật liệu san lấp. Tro được sử dụng thay thế đất sét làm nguyên liệu sản xuất ximăng. Khi kết hợp với nước, tro có thể trở thành chất kết dính dùng để sản xuất các khối bêtông.
Tro trộn với vôi hoặc ximăng có khả năng chịu lực và độ bền, được sử dụng để san lấp mặt bằng, làm kè đường, nền đường... Ngoài ra, tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than cũng được tận dụng làm vách ngăn và vật liệu cách âm.
ANH THƯ
Bộ GTVT: đẩy mạnh nghiên cứu, tháng 12 có báo cáo
Cuối tháng 5-2022, Bộ GTVT có công văn tiếp theo yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn các hạng mục công trình phù hợp để sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15-12-2022.
Vì thế, đến lúc này, việc sử dụng tro, xỉ để san lấp hay đắp đường cao tốc như nhiều người kỳ vọng là chưa thể thực hiện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết hiện nay Bộ Khoa học và công nghệ chỉ công bố tiêu chuẩn quốc gia "Tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp - yêu cầu chung". Tuy nhiên tiêu chuẩn này là về sử dụng tro, xỉ nhiệt điện để san lấp chứ không phải tiêu chuẩn của vật liệu đắp nền đường.
Ông Đông cho biết Bộ GTVT đã nghiên cứu và thí nghiệm sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm nền đường. Kết quả cho thấy nếu dùng nguyên tro, xỉ để đắp nền đường sẽ không đạt được các tiêu chí về thành phần hạt, độ ổn định, độ trương nở khi ngấm nước và môi trường, đặc biệt là đường quốc lộ, đường cao tốc.
"Chúng tôi cũng rất sốt ruột về vật liệu làm nền đường. Nhưng so với tiêu chuẩn về kiểm soát chất lượng vật liệu đắp nền đường thì tro, xỉ nhiệt điện vướng 2 yếu tố: tro, xỉ không ổn định với nước, nếu bị ngâm nước sẽ trương nở làm mất ổn định nền đường; không đạt tiêu chuẩn về môi trường.
Nếu tro, xỉ nguyên thủy có thể dùng san lấp mặt bằng được nhưng đắp nền đường cấp kỹ thuật cao, chịu tải lớn thì không đạt, nhất là đường cao tốc có yêu cầu kỹ thuật rất cao. Có thể dùng tro, xỉ làm nền đường giao thông nông thôn.
Tuy nhiên, khi bị mưa ngập thì tro, xỉ có độ trương nở cao sẽ làm mất ổn định nền đường dẫn tới sụt lún, đứt nền đường", ông Đông cho biết thêm trong các phát thải của nhiệt điện thì tro bay có tỉ lệ hạt mịn nhiều đã được sử dụng làm phụ gia của bêtông ximăng trong xây dựng công trình.
Theo ông Đông, cuối tháng 5-2022, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm các nước để tiếp tục nghiên cứu theo hướng cho thêm phụ gia như vôi, ximăng vào tro, xỉ theo tỉ lệ phù hợp để xem có đạt độ ổn định và chỉ tiêu về môi trường khi đắp nền đường hay không.
Bộ GTVT giao Viện Khoa học và công nghệ GTVT chủ trì xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về sử dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đốt than trong thi công móng mặt đường giao thông nông thôn trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ GTVT năm 2018 đã được bộ nghiệm thu.
TUẤN PHÙNG
Sáng 31-5, hội thảo “Xóa trắng” cao tốc, phát huy lợi thế ĐBSCL do báo Thanh Niên tổ chức đã nhận được nhiều góp ý cho lộ trình phát triển bức tranh cao tốc các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Lộ trình đã có điểm sáng nhưng cần chú ý để không gặp vướng.