Dùng tiền của Nga bồi thường cho Ukraine: Câu chuyện dài chưa hồi kết
Các quan chức châu Âu không chỉ lo ngại về tính hợp pháp của việc tịch thu tài sản ở nước ngoài của Nga, mà còn dè chừng về sự trả đũa của Moscow.
Đã gần 2 năm kể từ khi Mỹ và các đồng minh đóng băng hàng trăm tỷ USD tài sản ở nước ngoài của Moscow để phản ứng việc Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Vài tuần sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Vương quốc Anh khi đó là ông Grant Shapps đã sử dụng TikTok để khoe chiếc siêu du thuyền màu xanh dài 192 feet mang tên PHI, thuộc sở hữu của một doanh nhân giàu có người Nga mà Chính phủ Anh vừa tạm giữ tại bến tàu London.
Đó là một minh chứng sống động về các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm mục đích siết chặt nền kinh tế và sự giàu có của người Nga. Một điều ông Shapps không thể làm là bước lên tàu. Đó là bởi vì, theo luật, Vương quốc Anh không tịch thu con tàu mà chỉ đóng băng tình trạng sở hữu của nó để đảm bảo chủ sở hữu cũng không thể sử dụng nó.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với khối tài sản trị giá hàng trăm tỷ USD của Nga ở phương Tây. Cụ thể, khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bị đóng băng bởi các nước tham gia lệnh trừng phạt kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu hồi tháng 2/2022 vẫn đang âm thầm sinh lợi nhuận.
Câu chuyện sử dụng tiền của Nga để bồi thường cho những thiệt hại mà Ukraine phải gánh chịu do chiến sự vẫn chưa ngã ngũ khi các quan chức từ nhiều quốc gia đang tranh luận về tính hợp pháp của động thái này.
Ý tưởng sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga gần đây một lần nữa được đem ra bàn trong bối cảnh phương Tây chia rẽ trong việc huy động nguồn lực để hỗ trợ Ukraine, đặc biệt là số phận bất định của các gói viện trợ lớn từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) – 2 nhà tài trợ lớn nhất cho nỗ lực chiến tranh của quốc gia Đông Âu.
Điều duy nhất cho đến nay EU nhất trí được là sử dụng phần lợi nhuận mà khối tài sản bị đóng băng đó tạo ra để hỗ trợ Ukraine mà không nhắm mục tiêu vào khoản tiền gốc. Theo nguồn tin của Reuters, khoản lợi nhuận được sinh ra có thể lên tới 15-17 tỷ Euro (16-18 tỷ USD) trong 4 năm.
Mỹ gần đây đã phát tín hiệu rằng họ có thể sẵn sàng tịch thu toàn bộ tài sản ở nước ngoài của Nga. Nhưng ngay cả bước đánh thuế lợi nhuận cũng tiến triển chậm ở EU khi một số quốc gia thành viên và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo lắng về tác động tiềm tàng mà động thái này có thể gây ra đối với sự ổn định của đồng Euro.
Cân nhắc nặng nhẹ
Trong cuộc họp báo theo sau cuộc gặp của Ngoại trưởng các quốc gia thành viên hôm 22/1, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nêu rõ, tiến bộ đã đạt được về kế hoạch đánh thuế bạo lợi (windfall tax) đối với khối tài sản bị phong tỏa của Nga
Ông Borrell cho biết vấn đề này sẽ sớm được hoàn tất và mong đợi một quyết định chính thức sẽ được đưa ra trước cuộc họp tiếp theo của các Bộ trưởng Ngoại giao EU, dự kiến vào ngày 19/2.
Các đồng minh của Ukraine nhìn chung đồng ý rằng Nga cần phải bồi thường những thiệt hại mà cuộc chiến của họ đã gây ra. EU, G7 và Australia đã phong tỏa khoảng 260 tỷ Euro (283 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) dưới dạng chứng khoán và tiền mặt, với hơn 2/3 số đó nằm ở EU.
Phần lớn tài sản của Nga ở EU do cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ nắm giữ. Bỉ – quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU – cũng nằm trong nhóm ủng hộ kế hoạch đánh thuế bạo lợi nói trên. Bộ trưởng Tài chính Bỉ Vincent Van Peteghem, nói với Bloomberg TV trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi tin chắc rằng chúng ta có thể tiếp tục với hồ sơ này”.
Đức ngay từ đầu cuộc tranh luận về việc tịch thu tài sản của Nga đã nằm ở nhóm phản đối. Berlin nói rõ rằng họ phản đối do lo ngại về mặt pháp lý. Khi được yêu cầu làm rõ lập trường của Đức, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức hôm 23/1 cho biết rằng ưu tiên của Chính phủ Liên bang là đảm bảo sự chắc chắn về mặt pháp lý để đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính.
Phát biểu sau đó tại Berlin, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết mặc dù động cơ khai thác khối tài sản này là tốt, nhưng điều quan trọng là phải tôn trọng “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, luật pháp quốc tế và sự ổn định tài chính”.
“Mỗi bước đi theo hướng này, đặc biệt là liên quan đến tài sản của một Ngân hàng Trung ương, phải được xem xét rất cẩn thận về mặt luật pháp và hậu quả của nó… để không làm suy yếu chính chúng ta và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, ông Lindner nói tại một diễn đàn kinh doanh hôm 23/1. “Mục đích là hỗ trợ Ukraine và làm suy yếu ông Putin”.
Hậu quả tiềm tàng
Các quan chức châu Âu không chỉ lo ngại về tính hợp pháp của việc tịch thu tài sản chủ quyền – một bước đi chưa từng có tiền lệ như vậy, mà còn lo ngại về những hậu quả tiềm tàng đối với đồng Euro: Các nhà đầu tư có thể rút khỏi tài sản đồng Euro vì lo ngại một ngày nào đó tiền của họ cũng có thể bị tịch thu.
Ngoài ra, EU còn phải dè chừng về sự trả đũa của Moscow. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hồi cuối tháng trước rằng Nga có một danh sách tài sản của các tổ chức nước ngoài mà nước này sẽ tịch thu để trả đũa nếu phương Tây “động tay” vào tài sản bị phong tỏa của Nga.
Tờ báo Nga RIA trích dẫn số liệu thống kê quốc gia của các nước phương Tây cho biết EU, G7, Australia và Thụy Sĩ đã cùng nhau nắm giữ khoản đầu tư trực tiếp trị giá 288 tỷ USD vào nền kinh tế Nga vào cuối năm 2022.
Thừa nhận Euroclear của Bỉ có số lượng tài sản “đáng kể” ở Nga, các quan chức EU cho biết nếu Moscow trả đũa, điều này có thể gây ra rủi ro ổn định tài chính cho cơ quan thanh toán bù trừ, với những hậu quả lớn.
“Tôi hơi miễn cưỡng hơn một chút, vì tôi nghĩ chúng ta cần một sân chơi bình đẳng toàn cầu và chúng ta cũng cần đảm bảo rằng điều đó hợp lý về mặt pháp lý và nó không thể ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính của các tổ chức có hệ thống như Euroclear”, Bộ trưởng Tài chính Bỉ Van Peteghem nói với các phóng viên hôm 23/1.
“EU không thể bảo lãnh cho Euroclear”, một quan chức cấp cao khác nói với Reuters. “Euroclear quản lý hàng nghìn tỷ USD và sự phá sản của nó sẽ lớn hơn nhiều so với ngân sách của EU. Chúng ta phải cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận”.
Khả năng Nga tịch thu tài sản để trả đũa cũng có thể khiến các công ty nước ngoài gặp khó khăn hơn khi muốn rời khỏi thị trường Nga. Tờ New York Times đưa tin hồi tháng 12 rằng Điện Kremlin đã xem xét kỹ lưỡng và quản lý vi mô gần như mọi kế hoạch rút lui của các công ty trước khi phê duyệt.
Đánh giá thiệt hại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với Ukraine, công bố vào tháng 3 năm ngoái, ước tính chi phí tái thiết và phục hồi đất nước ở mức 411 tỷ USD trong 10 năm tới, bao gồm nhu cầu về nguồn vốn công và tư nhân .
Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters, Business Insider)